Cuộc chiến bí mật trong nội bộ Mỹ: FBI đặt ông Trump vào tầm ngắm, nghi ngờ là "người của nước Nga"

Tất Đạt |

Những hành động của ông Trump đã khiến FBI đặc biệt quan ngại và mở cuộc điều tra phản gián nhằm vào chính tổng thống Mỹ.

Từ một quyết định của ông Trump

Theo một bài báo đăng tải trên tờ New York Times, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải giám đốc FBI James Comey vào tháng 5/2017, tổ chức này đã cực kì quan ngại và quyết định mở một cuộc điều tra phản gián nhằm tìm hiểu hiệu ông Trump có đang cố tình hay vô ý làm việc cho người Nga hay không.

Tại thời điểm đó, FBI đang thực hiện một cuộc điều tra riêng biệt về can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và, quan trọng hơn cả, liệu đội ngũ tranh cử của ông Trump có đang bí mật cộng tác với Moskva để đưa ông Trump lên vị trí tổng thống hay không.

Việc sa thải ông Comey đã khiến công tố viên đặc biệt Robert Mueller mở một hướng mới trong cuộc điều tra Nga: tìm hiểu xem ông Trump có đang tìm cách cản trở pháp luật không khi sa thải giám đốc FBI.

Ngày 11/1, tờ New York Times đã lần đầu hé lộ rằng FBI không loại trừ khả năng ông Trump là một điệp viên nằm vùng của Nga và FBI đã buộc phải tổ chức cuộc điều tra phản gián với chính tổng thống của Mỹ.

Cuộc chiến bí mật trong nội bộ Mỹ: FBI đặt ông Trump vào tầm ngắm, nghi ngờ là người của nước Nga - Ảnh 1.

Ông Trump bắt tay ông Comey ngày 22/1/2017 tại Washington. Ảnh: Andrew Harrer-Pool/Getty Images

Các sĩ quan FBI đã nghi ngờ mối liên hệ của ông Trump với Nga từ cuộc bầu cử tổng thống 2016 nhưng vấp phải một số vướng mắc khi xét tới mức độ nhạy cảm của vấn đề. Tuy nhiên, quyết định sa thải ông Comey đã một lần nữa khiến FBI quan ngại và tiếp tục thúc đẩy cuộc điều tra.

Không giống như điều tra tội phạm - thông thường liên quan tới việc giải quyết một vụ án và dẫn tới hoạt động bắt giữ và đưa tội phạm ra xét xử, hoạt động điều tra phản gián thường là các nhiệm vụ tìm hiểu về thông tin tình báo của một quốc gia khác và ngăn chặn tất cả các hành vi "chống lại nước Mỹ", ví dụ như đánh cắp bí mật quốc gia hoặc tìm cách gây ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ. 

Trong đa số trường hợp, các cuộc điều tra đều diễn ra trong bí mật, đôi lúc kéo dài nhiều năm.

Được biết, ông Trump đã bắt đầu "để mắt" tới ông Comey khi ông này lên tiếng thừa nhận rằng có một cuộc điều tra của FBI về nước Nga. Sau đó, ông Trump liên tục đăng các dòng tweet chỉ trích ông Comey và hạ thấp tầm quan trọng của việc điều tra mối quan hệ của ông Trump và người Nga trong suốt cuộc tranh cử tổng thống.

Cuộc điều tra được thực hiện đặc biệt nghiêm túc. Các điều tra viên phản gián đã cân nhắc liệu hành động của tổng thống Trump có khả năng tạo ra mối đe dọa tiềm tàng tới an ninh quốc gia Mỹ hay không. Một số mật vụ nhận nhiệm vụ xác minh giả thuyết "ông Trump đang làm việc cho Nga hoặc đang chịu ảnh hưởng của Moskva".

FBI vẫn "trắng tay"?

Khi ông Trump đột ngột sa thải ông Comey, Nhà Trắng ban đầu nói rằng ông Comey mất chức vì những sai sót trong việc điều tra nguyên nhân bà Hillary Clinton dùng email cá nhân khi còn là Ngoại trưởng Mỹ.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên đài NBC sau đó, ông Trump cho biết ông sa thải Comey vì "những cuộc điều tra liên quan đến Nga" và rằng ông chắc chắn sẽ sa thải giám đốc FBI mặc cho những gì các cố vấn và Bộ trưởng Tư pháp khuyên.

Một tháng sau khi bị sa thải, ông Comey đã công khai làm chứng rằng ông Trump từng bí mật gây áp lực lên ông để hủy bỏ cuộc điều tra về Nga và dừng việc thẩm vấn cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Trước đây, ông Flynn đã buộc phải thôi chức sau khi các nguồn tin tiết lộ rằng ông đã thảo luận vấn đề cấm vận Mỹ đối với Nga cùng đại sứ Nga.

Mọi lời tuyên bố trước công chúng của ông Trump, bao gồm việc khuyến khích tin tặc Nga xem lén email của bà Clinton trong thời kì tranh cử, cũng thu hút sự chú ý của FBI.

Hiện tại, không rõ liệu ông Mueller có còn thực hiện cuộc điều tra phản gián hay không.

Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông Trump, cho biết không biết gì về hoạt động của FBI và tuyên bố: "Việc FBI điều tra hơn 1 năm rưỡi và không phát hiện được lỗ hổng an ninh quốc gia nào chứng tỏ chẳng có lỗ hổng nào cả."

Hoạt động điều tra tội phạm và điều tra phản gián đã được kết hợp bởi khi ông Trump sa thải giám đốc FBI và yêu cầu kết thúc hoạt động điều tra Nga, việc này đã làm dấy lên cả mối quan ngại về pháp luật lẫn lo lắng về tình hình an ninh quốc gia Mỹ.

Tới nay, không có bằng chứng nào cho thấy ông Trump "nhận lệnh" từ quan chức Nga. Các phát ngôn viên của FBI đã từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại