Ngày 30/7 tới, ĐT nữ Việt Nam sẽ lại đối đầu với nữ Thái Lan, ở vòng bảng giải VĐ ĐNÁ 2016. Trước thềm trận đấu này, những nghi ngại một lần nữa được nêu ra. Tuy nhiên, HLV Nguyễn Thành Vinh có cái nhìn khác.
"Chuyện ĐT nữ Thái Lan dùng cầu thủ chuyển giới để thi đấu có thể xảy ra lắm chứ. Vì tại đất nước họ, chuyện này đang rất thịnh hành. Tuy nhiên tôi cho rằng, cầu thủ khi họ đã chuyển giới rồi, thì được thi đấu thôi".
Thực tế, chuyện có cho cầu thủ chuyển giới chơi bóng đá chuyên nghiệp không vẫn được tranh cãi rất nhiều. Ở nhiều nơi, cầu thủ có giới tính thứ ba còn bị tẩy chay, thậm chí sa thải nếu mọi chuyện vỡ lở.
Tại giải VĐQG nữ Việt Nam 2015 cũng có bổ sung một điều luật, rằng cấm cầu thủ chuyển giới thi đấu.
Jonny Saelua khi chưa chuyển giới (khoanh tròn) và lúc đã là con gái (phải).
Tuy nhiên, hồi năm 2011, ĐT đảo Samoa (thuộc Mỹ) đã đánh bại Tonga 2-1 ở vòng sơ loại WC 2014. Đáng ngạc nhiên là trong chiến thắng của ĐT Samoa, 2 pha kiến tạo đều từ Jonny Saelua, một cầu thủ... đồng tính.
Thời điểm đó, câu chuyện về Jonny Saelua đã gây tiếng vang rất lớn, đặt ra cho FIFA một câu hỏi chính thức về vấn đề giới tính thứ 3 trong bóng đá. Kết quả thế nào?
Đến năm 2014, để xóa tan những tranh cãi và cho mình được sống đúng với bản thân, Jonny Saelua quyết định chuyển đổi giới tính sang nữ, và tiếp tục chơi bóng cho ĐT nữ Samoa (sau 7 năm chơi cho đội nam đảo quốc này).
Đích thân Chủ tịch FIFA khi đó, Sepp Blatter đã viết 1 bức thư, động viên Jonny Saelua tiếp tục chơi bóng đá chuyên nghiệp. Và đó chính là sự thừa nhận của FIFA, cho phép các cầu thủ chuyển giới được chơi bóng đá.
Như vậy, quả thật nếu ĐT Thái Lan có sử dụng cầu thủ chuyển giới đi nữa, chúng ta cũng chẳng có cách gì để chỉ trích hay phê phán cường địch ở ĐNÁ mà cần cái nhìn công bằng cho người thuộc giới tính thứ 3, vốn đã có nhiều thiệt thòi.
Việt Nam đang có Tuyết Dung là nhân tố nổi bật trong quá trình trẻ hóa.
Cũng theo HLV Nguyễn Thành Vinh nhận định, thực tế thì bóng đá nữ Thái Lan đang có nhiều điểm hơn Việt Nam rõ rệt, chứ chẳng phải vì có hay không một vài cầu thủ chuyển giới.
"Thời gian gần đây, ĐT nữ Việt Nam đã có những tiến bộ, đáng chú ý là về mặt lối chơi, đoàn kết, mềm mại hơn rất nhiều, chứ không như trước chỉ đá kiểu… "chạy nhiều ra chiến thuật".
Ngoài ra, chúng ta cũng có những cá nhân xuất sắc, làm trụ cột trong đội hình, như Nguyễn Thị Muôn hay Nguyễn Thị Tuyết Dung… đó là điều rất quan trọng trong bóng đá.
Tuy nhiên ĐT Thái Lan đã đi trước chúng ta vài năm về vấn đề lối chơi, chiến thuật. Họ chịu ảnh hưởng từ bóng đá Nam tại Thai League và những nền bóng đá hiện đại khác. Thể lực của họ cùng kĩ thuật cũng tốt hơn chúng ta".
Dù vậy, HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng, Việt Nam vẫn có thể thắng Thái Lan ở giải đấu trên đất Myanmar, bởi bóng đá không phải cứ mạnh hơn sẽ vượt qua được tất cả.
Việt Nam từng "củ hành" Thái Lan thế nào
Khi đặt vấn đề, ĐT nữ Việt Nam có cơ hội vô địch giải này hay không, ông Vinh tiếp.
"Ở giải này còn có Myanmar, họ cũng rất tốt về thể lực và còn yếu tố sân nhà. Australia là đội có bóng đá nữ rất mạnh và hiện đại. U20 của họ trẻ trung, nhưng kĩ chiến thuật cũng rất tốt. Thái Lan là đội ĐNÁ, cũng đang trẻ hóa nhưng đã tới tầm châu Á.
Vì thế, để nói chúng ta thắng Thái Lan thì có thể, chứ vô địch là chuyện rất khó".