PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cảnh báo, nếu không sơ cứu kịp thời, chỉ sau 5-6 phút, dị vật chèn đường thở sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong. Đây là khoảng thời gian "vàng" để cứu trẻ hóc dị vật.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn cách xử trí khi trẻ bị sặc hay hóc dị vật như sau:
Cha mẹ cần xem clip này, học cách cứu mạng trẻ khi cần
1. Phải thật bình tĩnh, vì bình tĩnh là vô cùng quan trọng để thao tác xử lý đúng
2. Với trẻ nhỏ mà có thể ẵm, bế trên tay
- Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 - 7 cái vào lưng, chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
- Nếu trẻ vẫn khó thở và tím tái, đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào vùng thượng vị (dưới xương ức).
- Nếu thấy cháo, sữa, canh chảy từ mũi, miệng ra, cần hút sạch ngay để thông đường thở cho trẻ.
- Lặp lại các động tác vỗ lưng, ấn xương ức cho đến khi lấy được dị vật ra trong khi gọi và chờ xe cấp cứu.
3. Với trẻ lớn hơn, tự đứng được
- Để trẻ đứng thẳng, đứng sau lưng, ôm ngang bụng trẻ, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị (dưới xương ức)
- Xốc lên mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp, đến khi dị vật sẽ được đẩy ra ngoài.
4. Tuyệt đối không được vuốt ngực xuôi xuống dưới bụng, vì vô tác dụng, và càng làm dị vật vào sâu thêm trong đường thở.