Testosterone “ anh” là ai?

BS. BĂNG TÂM |

Testosterone là hormon sinh dục nam, có tác dụng mạnh trên sự đồng hóa và đặc tính giới.

Nó là nhân tố quyết định đến việc hình thành những đặc điểm của đàn ông, biến một cậu bé thành một chàng thanh niên nam tính và mạnh mẽ... Ngoài vai trò duy trì, chi phối khả năng và hoạt động tình dục, testosterone còn đặc biệt quan trọng với cơ thể.

Testosterone là một hormon nội tiết sinh dục quan trọng của cơ thể con người, đặc biệt là nam giới. Hormon này được sản xuất một lượng rất nhỏ ở tuyến thượng thận (4%), phần lớn nó được sản xuất từ tinh hoàn của nam giới (95%) và lượng nhỏ ở buồng trứng của nữ giới.

Testosterone nhiều nhất khi nào?

Testosterone thay đổi theo thời gian trong ngày, trong năm và trong suốt cuộc đời. Mỗi người có những thời điểm mà nồng độ hormon tăng cao trong ngày. Ở nam giới, người ta nhận thấy rằng nồng độ testosterone tăng cao vào 5 giờ đến 10 giờ sáng, do đó cần biết tự phát hiện những khoảng thời gian thích hợp nhất cho đời sống tình dục.

Người ta cho rằng mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa cưới hỏi, nhưng thật ra mùa xuân không phải là mùa thuận lợi nhất cho sinh hoạt tình dục, vì cơ thể nam tiết ra testosterone ít nhất vào tháng 2 - 3 và nhiều nhất vào cuối hè đầu thu.

Muốn xác định nồng độ testosterone nên làm xét nghiệm vào buổi sáng vì hormon này dao động trong cả ngày và cao nhất vào buổi sáng. Ở nam giới nồng độ testosterone còn tăng lên 30% vào khoảng 9 - 10 giờ. Nếu nồng độ thấp về chiều thì khó xác định có bị thiếu hụt hay không. Điều quan trọng là phải xác định được nồng độ testosterone khả dụng.

Trong cơ thể, hormon giới tính nam có thể được chuyển hóa thành hormon giới tính nữ và ngược lại, vì thế khó có thể đo lường được từng hormon riêng rẽ. Nếu tiêm một lượng testosterone thì một phần của nó sẽ chuyển hóa trong cơ thể thành chất gần gũi với nó là hormon giới tính nữ estrogen.

Tính chất này giải thích hiện tượng đôi khi con trai tuổi vị thành niên thấy vú phát triển, đó là do testosterone tăng nhiều trong tuổi dậy thì và được chuyển hóa một phần thành estrogen làm cho vú to lên. Tác dụng chủ yếu của các hormon giới tính là bảo đảm sự phát triển của cơ thể cho phù hợp với nhiễm sắc thể giới tính và đạt được khả năng sinh sản.

Testosterone “ anh” là ai? - Ảnh 1.

Sơ đồ suy giảm testosterone theo từng độ tuổi.

Tầm quan trọng khác của testosterone

Testosterone là một hormon đồng hóa

Testosterone giúp xây dựng các mô protein, bao gồm các cơ, xương và mô liên kết. Vì vậy testosterone có vai trò phòng ngừa và điều trị bệnh xốp xương ở cả nam và nữ.

Testosterone có tác dụng kiến tạo khối cơ bắp, nhưng nếu dùng một chế phẩm tổng hợp tương tự như testosterone gọi là chất steroid đồng hóa (anabolic steroids) với liều lượng cao như nhiều vận động viên đã lạm dụng, thì lại có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thiếu hụt testosterone làm cho cơ và xương yếu đi.

Và sự thiếu hụt này là một đặc trưng của tuổi mãn dục (suy giảm chức năng tính dục) ở nam giới. Hormon nam còn kích thích sự phát triển lông trên cơ thể nhưng lại giảm phát triển tóc (phụ nữ ung thư vú được điều trị bằng testosterone thấy phát triển râu, nhưng lại thấy hói cả trán - một đặc tính của nam giới).

Testosterone cũng có vai trò trong dự phòng và điều trị bệnh đái tháo đường. Đặc trưng của bệnh này là nồng độ đường trong máu tăng cao do các tế bào không hấp thụ và không chuyển hóa được đường. Đường đi vào các tế bào của cơ thể là nhờ tác dụng của insulin phối hợp với bộ phận tiếp nhận insulin của tế bào. Khi các bộ phận tiếp nhận insulin này bị trục trặc thì lượng đường đi vào tế bào giảm và do đó nồng độ đường trong máu tăng. Testosterone giúp các bộ phận tiếp nhận insulin hoạt động có hiệu quả hơn, qua đó giảm xu thế phát triển thành bệnh đái tháo đường, một nguy cơ tăng lên theo tuổi tác.

Testosterone giúp điều hòa hệ miễn dịch

Những bệnh nhân mắc các bệnh về tự miễn dịch như bệnh viêm khớp dạng thấp, Luput ban đỏ toàn thân, xơ cứng rải rác có chiều hướng tốt lên khi điều trị bằng testosterone. Testosterone cũng có tác dụng tốt để nâng cao khả năng thèm ăn, tăng cân cho những bệnh nhân suy dinh dưỡng, làm lành vết thương và tăng đề kháng với nhiễm khuẩn. Do kiến tạo protein, testosterone làm phát triển khối cơ đồng thời là giảm tình trạng béo phì, hạ thấp nồng độ mỡ trong máu như LDL (cholesterol xấu) và triglycerid. Ngoài ra, testosterone còn có một số vai trò khác trong hoạt động của cơ thể.

Thấp là chuyện... bình thường

Testosterone có cả ở nam lẫn nữ, nhưng đặc biệt quan trọng với nam giới, bởi giúp xây dựng cơ bắp, thúc đẩy ham muốn tình dục, đồng thời tạo hồng cầu và duy trì mật độ xương. Với nam giới từ 30 tuổi trở lên, lượng testosterone bắt đầu suy giảm từ 1-3% mỗi năm. Đây là xu hướng hoàn toàn tự nhiên, nhưng nếu sụt giảm quá mức, các hiện tượng như giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương kèm theo mệt mỏi, trầm cảm, tiểu đường, tích tụ mỡ trong cơ thể có thể tăng.

Nếu là thanh niên hoặc nam giới độ tuổi trung niên, sức khỏe bình thường, nhưng nhận thấy các triệu chứng giảm testosterone như đã mô tả ở trên, thì nên xét nghiệm máu sẽ giúp xác định người đó có gặp phải tình trạng suy sinh dục, tức là tinh hoàn không sản xuất đủ testosterone hay không. Nếu cảm thấy đang “xuống phong độ”, có thể để bác sĩ kiểm tra và đưa ra quy trình điều trị nhằm cải thiện hàm lượng testosterone.

Đồng thời có nhiều cách hoàn toàn tự nhiên để cải thiện tình trạng suy giảm testosterone trong cơ thể. Vì vậy nam giới không nên sợ hãi với tiến trình suy giảm nội tiết tự nhiên của cơ thể. Các chuyên gia tình dục khuyên rằng, nam giới nên chú trọng hơn vào việc thay đổi lối sống và tham gia hoạt động thể chất nhiều hơn, cải thiện chế độ ăn uống... để duy trì hormon giới tính và phong độ đàn ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại