Tiền nhiệm AIM-54 Phoenix
Fakour-90 là tên lửa không đối không tầm xa, được Iran phát triển dựa trên mẫu tên lửa AIM-54 Phoenix trang bị cho tiêm kích trên hạm F14 Tomcat (Mèo đực) và F-111B của Mỹ. Mặc dù hầu hết các nguồn tin cho rằng Fakour-90 là bản sao của AIM-54, nhưng theo một số nhà phân tích, Fakour-90 thực sự là phiên bản đất đối không của tên lửa MIM-23 Hawk.
Cấu tạo của tên lửa AIM-54 Phoenix. Nguồn: instaimg.top
Trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1980-1988), xương sống của không quân Iran là các tiêm kích F-14 Tomcat do Mỹ cung cấp trang bị tên lửa Phoenix - vốn được công ty máy bay Hughes và Tập đoàn Raytheon phát triển từ thập niên 1960 nhằm đối phó với các oanh tạc cơ hạng nặng tầm xa Tuplolev của Liên Xô.
Phoenix sử dụng hệ thống lái dẫn kép, có thể đạt tầm bắn lên tới 160 km với tốc độ Mach 5; nhờ nhận thông tin cập nhật giữa hành trình từ radar AWG-9, nó có khả năng tiêu diệt mục tiêu bằng đầu đạn có sức công phá cực lớn.
Mỗi tiêm kích F-14 có thể mang được 6 quả tên lửa dưới cánh và bụng. Màn chạm trán ngày 7/1/1981 là minh chứng rõ nhất cho sức mạnh vượt trội của Phoenix khi đầu đạn chứa 61 kg thuốc nổ của tên lửa làm nổ tung chiếc MiG bay giữa và tạo mảnh văng hạ cả hai tiêm kích Iraq bay bên cạnh.
Phoenix được ghi nhận tiêu diệt 62 mục tiêu trên không trong các cuộc giao chiến với không quân Iraq.
Mỹ từng bán tới 79 chiếc tiêm kích F-14 cùng 714 tên lửa tối tân AIM-54 cho Iran và không quân Iran là lực lượng duy nhất trên thế giới sử dụng tên lửa này sau khi Mỹ cho nghỉ hưu tiêm kích F-14 vào năm 2006. Hiện nay Iran vẫn còn tới 40 chiếc F-14 hoạt động, cùng với vài trăm quả AIM-54 vẫn có thể thị uy bất cứ lúc nào.
F-14A Không quân Iran được trang bị AIM-54 Phoenix. Nguồn: cavok.com.br
Vùng Vịnh đang nóng lên từng ngày
Không quân Mỹ đang triển khai 5 phi đội máy bay ném bom B-52H trong tất cả 11 phi đội máy bay ném bom. Do được bổ sung thêm các giá treo bên ngoài, tải trọng vũ khí mà B-52 mang theo tăng từ 4.000 lên 18.000 kg.
Được vũ trang tên lửa hành trình AGM-86 với các đầu đạn thường, xuyên sâu hay phá mảnh có tầm tấn công trên 2.500 km, có khả năng trốn tránh radar… B-52 càng trở thành dòng máy bay ném bom đáng sợ.
Tình hình vùng Vịnh đang rất căng thẳng và có chiều hướng ngày càng xấu đi. Để hỗ trợ cho nhóm tác chiến tàu sân bay triển khai ở đây, ngoài cho “tái ngũ” pháo đài bay B-52 từ căn cứ Davis-Monthan, Không quân Mỹ đã điều động 4 "pháo đài bay" B-52H “để phòng ngừa các mối đe dọa tiềm ẩn từ Iran”.
B-52H có nguy cơ bị tổn thương cao nếu bay trực tiếp qua không phận Iran để phóng tên lửa hoặc bom hạng nặng khác, nhưng khi nó mang theo AGM-86 thì các hệ thống phòng không Iran rất khó đánh chặn.
Theo một số chuyên gia, do có khả năng mang tới 20 quả AGM-86 nên chỉ cần một phi đội B-52, Không quân Mỹ cũng đủ sức trấn áp phần lớn các hệ thống phòng không Iran.
Một hệ thống S-300PMU-2 với 72 tên lửa chỉ có thể tấn công được cùng lúc 36 mục tiêu, nghĩa là với tỉ lệ đánh chặn thành công đạt tới gần 100% thì cũng chỉ cần 2 chiếc B-52H là đủ để vượt qua hệ thống phòng thủ này.
Chưa hết, việc Iran thiếu các hệ thống phòng không tầm ngắn bổ trợ như BuK-M3 hay HQ-16 khiến mối đe dọa từ B-52 càng trở nên hiện hữu hơn.
Không quân Iran hiện có 16 phi đoàn máy bay chiến đấu gồm máy bay của cả Mỹ và Liên Xô/Nga với phần lớn là máy bay từ thập niên 70 của thế kỷ trước.
Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Iran giữa những năm 2000 đã khiến nước này càng ít lựa chọn khi muốn hiện đại hóa. Kết quả là, không quân Iran trở thành yếu nhất trong quân đội của họ. Theo tạp chí MW, lĩnh vực yếu nhất của Không quân Iran là tác chiến không-đối-không.
Hiện nay chỉ có duy nhất các phi đoàn tiêm kích F-14 (2 trong số 17 phi đoàn của Iran, nếu tính cả phi đoàn RF-4E) là có khả năng tác chiến tầm xa trên không, số còn lại đều bị các đối thủ của Iran vượt xa về tầm bắn với tên lửa AIM-120B và AIM-120C.
Trước tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ với tên lửa AIM-120D có tầm bắn 180 km thì bất lợi của Không quân Iran là quá lớn.
Mối đe dọa lớn nhất đối với B-52 đến từ tên lửa đất đối không siêu thanh 48N6E3 với tần bắn 250 km trang bị cho S-300PMU-2 và tên lửa không đối không tầm xa Fakour-90 của các máy bay tiêm kích F-14 Tomcat có tầm tấn công ước tính từ khoảng 220 - 300 km.
Tầm giao chiến xa kết hợp với khả năng cơ động cao cũng như khả năng đeo bám và khai hỏa từ ngoài không phận Iran giúp F-14 trở thành mối đe dọa đáng kể duy nhất đối với B-52H.
Và cơ hội cho Fakour-90
Từ nhiều năm nay, quân đội Iran đã huấn luyện và luôn sẵn sàng đánh trả các tàu sân bay Mỹ cùng các tàu hộ tống bằng một loạt hệ thống vũ khí, từ tên lửa hành trình/đạn đạo chống hạm cho tới tàu ngầm, máy bay tấn công…
Tuy nhiên, máy bay ném bom B-52H lại là một câu chuyện khác bởi chúng là đối thủ mà rất ít vũ khí hiện nay của Iran có khả năng khắc chế, thậm chí nhiều mục tiêu ở Iran có nguy cơ bị hứng đòn hủy diệt nếu Mỹ sử dụng B-52 phóng các tên lửa tấn công chính xác, gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Trong bối cảnh đó, một mặt chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, Iran cũng tung những thông tin rợn người về khắc tinh B-52 do nước này tự chế tạo - đó là tên lửa không đối không tầm xa Fakour-90 - được phát triển dựa trên nhu cầu của Không quân nước này.
Fakour-90 có sức mạnh tương đương hoặc có một số tính năng còn nhỉnh hơn cả AIM-54 Phoenix của Không quân Mỹ. Đến nay công việc phát triển và thử nghiệm đã hoàn tất và đã được sản xuất hàng loạt từ 4/2017.
F-14 Mèo đực của Không quân Iran phóng tên lửa không đối không. Nguồn: globalmilitaryreview
Fakour-90 dài 4m, có đường kính đến 380 mm, nặng 450-470 kg, có tầm bay trên 200 km, tốc độ Mach 5 - đủ bắt kịp mọi loại chiến đấu cơ trên thế giới; trên thân được bố trí 4 cánh tứ giác kéo dài nửa thân về đuôi, đuôi được bố trí 4 cánh lái hình chữ nhật.
Hệ thống lái dẫn cho phép nó bắn trúng mục tiêu một cách độc lập với radar phóng máy bay; cách mục tiêu 11 km, radar chủ động trên tên lửa sẽ tự kích hoạt và lái dẫn tên lửa tấn công mục tiêu mà không cần sự can thiệp của máy bay mang.
Phương tiện mang phóng Fakour-90 là tiêm kích hạng nặng F-14A Tomcat có trong biên chế Không quân Iran.
Radar kiểm soát hỏa lực AWG-9 trên F-14 cho phép phóng gần như cùng lúc 6 tên lửa Fakour-90, có thể hạ gục các loại máy bay ném bom chiến lược của Mỹ như B-52, hay những cỗ máy do thám điện tử - bộ chỉ huy trên không tối tân bậc nhất thế giới như E-3 Sentry....
Với việc chế tạo thành công Fakour-90, Iran cho thấy sức mạnh quân sự của họ vẫn rất đáng sợ. Fakour-90 chắc chắn được trang bị hệ thống dẫn đường mới và sự kết hợp F-14 - Fakour-90 tạo nên một thách thức cực kỳ đáng sợ ngay cả với Mỹ nếu xảy ra xung đột cục bộ.