Sau các báo cáo hồi đầu năm 2018 cho biết Iraq đang cân nhắc một cách nghiêm túc khả năng mua các hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm xa S-400, Đại sứ Iraq tại Moscow Haidar Hadi đã khẳng định lại lập trường của Baghdad đối với thỏa thuận này:
"Về phần S-400, hiện vẫn chưa có hợp đồng nào được ký kết… Cũng chưa có thông tin nào cho thấy các cuộc đàm phán đã được tiến hành hoặc đã tiến tới một giai đoạn cụ thể nào đó. Tuy nhiên, nếu chính phủ Iraq quyết định mua các hệ thống này thì đó sẽ là vấn đề mà Iraq có quyền tự chủ và sẽ chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của chính Iraq".
Hiện nay năng lực phòng không của Iraq tương đối yếu, khiến không phận nước này trở thành vùng mong manh nhất trong khu vực, nhất là trong bối cảnh các quốc gia láng giềng đang tích cực đầu tư để tăng cường khả năng tác chiến đường không.
Không quân Iraq thiếu thốn các loại máy bay chiến đấu có khả năng tác chiến không-đối-không tầm xa.
Phi đoàn F-16C Fighting Falcon duy nhất của họ được trang bị chủ yếu cho vai trò tác chiến không-đối-đất, với các tên lửa tầm ngắn AIM-9L và AIM-9M Sidewinder – chỉ đủ để tấn công máy bay không người lái của các tổ chức khủng bố IS, chứ không thể đối phó với các mục tiêu hạng nặng hơn và tinh vi hơn.
Điều này khiến các tiêm kích Fighting Falcon của Iraq trở thành mẫu máy bay được trang bị nghèo nàn nhất cho các hoạt động tác chiến không-đối-không tầm xa trên thế giới. Phần lớn các quốc gia khác vận hành F-16 đều đã trang bị cho máy bay của mình tên lửa tầm xa AIM-120.
Ai Cập và Venezuela, mặc dù không có tên lửa AIM-120, nhưng đang triển khai tên lửa AIM-7E/F Sparrow và Python 4 với tầm bắn vượt trội AIM-9L/M.
Về năng lực phòng không trên bộ, Bộ Tư lệnh Phòng không Iraq hiện có khoảng 300 nhân sự và đang vận hành một số hệ thống tầm ngắn Pantsir-S1, tên lửa phòng không vác vai 9K338 Igla-S, cùng pháo phòng không ZU-23-2.
Mặc dù Iraq có ngân sách quốc phòng hàng năm cực cao (trên 17 tỷ USD) nhưng phần lớn số tiền phải chi cho các chiến dịch chống khủng bố và bị thâm hụt do tình trạng tham nhũng trong quân đội.
Tổ hợp phòng không S-400.
Hai cửa ải khó khăn
Theo trang mạng MW, Iraq sẽ đối mặt với hai khó khăn lớn nếu muốn mua S-400, mặc dù nước này đang tăng cường mua các hệ thống vũ khí từ Nga và có nguồn ngân sách lớn.
Đầu tiên, Bộ Tư lệnh Phòng không Iraq không có mạng lưới các hệ thống hỗ trợ tầm ngắn/trung đủ mạnh (như Buk-M2 hoặc S-350) để bảo vệ các tổ hợp S-400, các trung tâm chỉ huy và radar. Trong khi đó, những mục tiêu giá trị cao này rất có nguy cơ bị tấn công.
Bên cạnh đó, mặc dù S-400 có thể bắn nhiều loại đạn tên lửa để phòng không ở các cấp độ khác nhau nhưng nó vẫn cần được triển khai cùng với các hệ thống tầm ngắn.
Hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 của Iraq.
Tổ hợp Pantsir-S1 và pháo phòng không của Iraq có thể có chút ít giá trị trong vai trò này nhưng Baghdad vẫn cần tăng cường số lượng của chúng để đối phó với các mục tiêu bay thấp.
Điều thứ hai, và cũng là điều có thể khiến Iraq lo ngại hơn, là khả năng phương Tây sẽ gây áp lực lên thỏa thuận, trong đó Mỹ đặc biệt lên án mạnh mẽ các quốc gia mua vũ khí cao cấp từ Nga – như S-400 – và đe dọa họ bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt theo Đạo luật CAATSA (Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt).
Giới lãnh đạo Mỹ đánh giá sự phổ biến ngày càng gia tăng của S-400 như một mối đe dọa, nhăm nhe làm suy yếu "khả năng thống trị không phận" của khối phương Tây ở Trung Đông.
Không chỉ khiến Iraq phụ thuộc nặng nề vào hợp tác quốc phòng, Washington còn can thiệp đáng kể vào Baghdad kể từ khi chính quyền Đảng Ba'ath Iraq bị lật đổ vào năm 2003 do các vấn đề như người Kurd ly khai. Mỹ có thể đe dọa công nhận chính thức sự ly khai này nếu Baghdad đi quá xa khỏi lợi ích của phương Tây.
Tuy nhiên, quanh Iraq hiện nay ngày càng có nhiều các hệ thống phòng không tầm xa của Nga như S-300PMU-2 (ở Iran và Syria), phiên bản Patriot PAC-3 (Saudi Arabia) và sắp tới sẽ có thêm S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ (dự kiến chuyển giao đợt đầu vào giữa năm 2019).
Nga cũng đang triển khai các hệ thống S-400 và S-300V4 để bảo vệ các cơ sở quân sự ở Syria.
Theo MW, hiện các nhà sản xuất khác trên thế giới chưa có được hệ thống nào so sánh được với S-400 nên đây có thể là động lực thúc đẩy Iraq tìm đến tổ hợp này để đáp ứng nhu cầu phòng thủ.
Trong bối cảnh Baghdad đang tìm cách tăng cường các lực lượng vũ trang thì thỏa thuận mua S-400, cùng các hệ thống hỗ trợ khác và máy bay chiến đấu, vẫn có khả năng sẽ diễn ra.
Sức mạnh hệ thống phòng không S-400