Theo trang tin news18, tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ Lockheed Martin (Mỹ) gần đây tuyên bố họ sẽ không bán mẫu máy bay chiến đấu mới ra lò F-21 cho bất cứ quốc gia nào khác nếu Ấn Độ đặt hàng 114 chiếc.
Lockheed đã công bố mẫu F-21 tại Triển lãm hàng không Ấn Độ ở Bengaluru hồi tháng Hai năm nay, và nhấn mạnh rằng nó sẽ đáp ứng các yêu cầu của Không quân Ấn Độ (IAF).
Trước đó, IAF đã đưa ra Đề nghị thông tin (RFI) đối với các nhà sản xuất máy bay chiến đấu để phục vụ cho kế hoạch mua sắm 114 chiến đấu cơ mới với chi phí khoảng 18 tỷ USD. Gói thầu này được đánh giá là một trong những chương trình mua sắm quân sự lớn nhất thế giới trong vài năm trở lại đây.
Ảnh đồ họa têm kích F-21 (Nguồn: Lockheed Martin)
Các hãng chế tạo hàng đầu đang tham gia đấu thầu bao gồm Lockheed (mẫu F-21), Boeing (F/A-18), Dassault Aviation (Rafale, Eurofighter Typhoon), MiG (MiG-35) và Saab (Gripen).
Các nguồn tin chính thức cho biết IAF đang tăng tốc hoàn tất chương trình này sau vụ không kích vào Balakot và các diễn biến an ninh mới trong khu vực.
Vivek Lall, phó giám đốc bộ phận Phát triển kinh doanh và chiến lược cho hay: "Chúng tôi sẽ không bán mẫu máy bay bay này và cấu hình của nó cho bất cứ ai trên thế giới. Đây là cam kết của Lockheed Martin. Nó cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ và tầm quan trọng của các yêu cầu mà New Delhi đưa ra".
Cũng theo ông Lall, nếu Lockheed giành được hợp đồng thì họ sẽ không chỉ xây dựng cơ sở sản xuất F-21 cùng tập đoàn Tata (Ấn Độ), mà còn giúp thiết lập một hệ sinh thái phục vụ cho việc phát triển toàn diện ngành sản xuất quốc phòng của New Delhi.
Lockheed giới thiệu tiêm kích F-21 dành cho Ấn Độ
F-21 có giống F-16?
Cuộc không chiến giữa Pakistan-Ấn Độ ngày 27/2 vừa qua khiến F-21 được đặt lên bàn cân với F-16.
Theo ông Lall, thật không công bằng khi cho rằng F-21 không có nhiều khác biệt với mẫu F-16 Block 70 (cũng do Lockheed sản xuất) bởi trên thực tế, hai mẫu này có sự khác biệt đáng kể về khung thân, khả năng mang vũ khí, cũng như động cơ.
"Ví dụ, tuổi thọ khung thân của F-21 là 12.000 giờ phục vụ, trong khi của F-16 Block 70 là 8.000 giờ. Khả năng mang vũ khí của F-21 cũng tăng thêm 40% so với F-16. Và hệ thống tác chiến điện tử của chúng cũng được phát triển dành riêng cho Ấn Độ’ – ông Lall nói.
"Nhìn từ khoảng cách xa, có thể F-21 trông giống F-16 Block 70 nhưng thực chất lại khác biệt", ông Lall cho biết thêm, "Đây cũng là mẫu máy bay chiến đấu duy nhất trên thế giới có 2 phương thức tiếp nhiên liệu. Buồng lái máy bay có màn hình hiển thị khu vực lớn… Đây là những khả năng đặc biệt mà chúng tôi không đề xuất tới bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới".
F-21 có mang lại hiệu quả chi phí?
Hiện Lockheed chưa đưa ra mức giá cụ thể của F-21 nhưng ông Lall cho biết nó đạt hiệu quả chi phí cao nhất khi so sánh với các mẫu máy bay đối thủ, xét về vòng đời và chi phí vận hành.
"Nếu nhìn vào dữ liệu của chính phủ Mỹ, các vị sẽ thấy lợi thế của F-21 là 30-40% xét về hiệu quả chi phí. Nếu cộng dồn các năm hoạt động trong suốt vòng đời thì nó sẽ giúp Ấn Độ tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ" – ông Lall nói.
Công nghệ của F-21
Lockheed cho biết các công nghệ đột phá trên F-21 được lấy từ F-22 và F-35 – hai mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 duy nhất đang hoạt động trên thế giới.
F-21 trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động APG-83, với tầm phát hiện mục tiêu gần như gấp đôi so với các loại radar cũ. Bên cạnh đó, nó có khả năng theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu hơn, với độ chính xác cao hơn.
F-21 còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, được phát triển dành riêng cho Ấn Độ, giúp máy bay tăng khả năng sống sót trước các mối đe dọa từ trên không và trên bộ.
Bên cạnh đó là hệ thống Tìm kiếm và Theo dõi Hồng ngoại Tầm xa (IRST) cho phép các phi công phát hiện mối đe dọa một cách chính xác, và một hệ thống cho phép tăng 40% khả năng mang vũ khí không-đối-không của máy bay.