Tàu Mỹ chặn ngư dân Canada, 2 nước căng thẳng vì tranh chấp biển đảo

Anh Tú |

Người Canada thường tự hào rằng ranh giới 8.891km của họ với Mỹ là biên giới phi quân sự dài nhất trên thế giới. Nhưng đường biên giới đó đã xuất hiện vết rạn thể hiện mối quan hệ lạnh nhạt giữa 2 nước thời gian qua.

Machias Seal, một hòn đảo rộng 8 hecta là nơi cư trú của nhiều loài chim biển. Cả Canada và Mỹ đều tuyên bố chủ quyền trên hòn đảo cách bờ biển bang Maine, Mỹ khoảng 16km, cũng như vùng lân cận rộng 600 cây số vuông (vùng Xám), nơi ngư dân từ cả hai quốc gia tranh nhau đánh bắt nguồn tôm hùm quý giá.

Vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, các ngư dân Canada cho biết lực lượng tuần tra biên giới Mỹ trên tàu cao tốc đã chặn các tàu đánh bắt tôm hùm của Canada ở vùng Xám.

"Tôi không biết họ đến từ đâu", Laurence Cook, một người săn tôm hùm và đại diện của Hiệp hội Ngư dân từ đảo Grand Manan gần đó nói. "Chúng tôi chưa từng gặp lực lượng tuần tra biên giới Mỹ ở vùng Xám trước đây". Cook cho biết ít nhất 10 thuyền Canada đã bị chặn lại và bị thẩm vấn về việc họ có mang theo ma túy và người nhập cư bất hợp pháp hay không.

Tàu Mỹ chặn ngư dân Canada, 2 nước căng thẳng vì tranh chấp biển đảo - Ảnh 1.

Vị trí đảo Machias Seal, nơi khiến quan hệ 2 nước thêm căng thẳng

Bộ Ngoại giao Canada tuyên bố họ đang điều tra các sự cố được mô tả là "xảy ra ở vùng biển Canada". Tuyên bố cũng nêu: "Chủ quyền của Canada trên đảo Machias Seal và vùng biển xung quanh đã có từ lâu đời và có nền tảng luật pháp quốc tế vững chắc".

Ngược lại, phía hải quan và biên phòng Mỹ cho biết các lực lượng tuần tra biên giới Mỹ chỉ đơn giản là tiến hành "các hoạt động tuần tra thường xuyên" để thực thi luật nhập cư và các luật khác của Mỹ trong "vùng biển thuộc thẩm quyền Mỹ". 

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định trong một tuyên bố là đảo Machias Seal vốn thuộc về Mỹ từ năm 1783.

Trong Hiệp ước Paris được ký kết giữa Anh và Mỹ khi Mỹ mới độc lập, Mỹ đã được trao tất cả các đảo trong "20 dải" ven bờ Maine, ngoại trừ những hòn đảo thuộc khu thuộc địa Nova Scotia (khi đó của Anh và sau này trở thành một phần của Canada). Hai bên đã có nhận thức khác biệt về việc Machias Seal có phải là một phần lịch sử của Nova Scotia hay không.

Khi Washington và Ottawa có mặt tại Tòa án Thế giới để giải quyết những khác biệt về ranh giới trên khu vực đánh cá liền kề dải Georges vào những năm 1980, họ đã cố tình bỏ qua đảo Machias Seal và vùng Xám.

Tàu Mỹ chặn ngư dân Canada, 2 nước căng thẳng vì tranh chấp biển đảo - Ảnh 3.

Người Anh đã dựng một ngọn hải đăng trên đảo vào năm 1832 rồi Canada thừa hưởng khi trở thành một quốc gia vào năm 1867. Mặc dù ngọn hải đăng hiện đã được hoạt động theo quy trình tự động hóa nhưng Canada vẫn điều người ra vận hành ngọn hải đăng như cách để duy trì yêu sách chủ quyền của mình.

"Có 4 tranh chấp biên giới dọc theo biên giới 2 nước, nhưng chỉ tranh chấp trên đảo Machias Seal mới đáng kể hơn hết vì có bất minh trong phân định lãnh thổ", Stephen Kelly, một nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu và là một nhà nghiên cứu về các vấn đề biên giới thuộc Đại học Duke cho biết. Các tranh chấp còn lại chỉ là bất đồng về phân định ranh giới trên biển mà thôi

Cả hai quốc gia đều nhấn mạnh quyền lãnh hải hợp pháp của mình trong vùng Xám. Vì vậy trong nhiều năm qua, mỗi nước áp đặt các quy tắc đánh bắt cá riêng nhưng chỉ áp dụng cho các tàu thuộc nước mình. Hay nói cách khác, nước sông không phạm nước giếng, lực lượng chức năng Mỹ không quản lý tàu bè Canada trên vùng Xám và ngược lại.

Ông Kelly, người có một ngôi nhà nghỉ hè trên bờ biển Maine, cho biết sự hiện diện gần đây của lực lượng tuần tra biên giới Mỹ là bất thường. "Tôi không biết họ đang làm gì ở đó. Chỗ này đâu phải cung đường buôn lậu hay đưa người nhập cư trái phép", ông nói.

Vụ việc xảy ra giữa lúc quan hệ Mỹ-Canada đang khá lạnh nhạt. Mỹ vào tháng 5 đã đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm của Canada, khiến Canada ra lệnh trả đũa tương ứng với một loạt các mặt hàng xuất khẩu khác của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump còn chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau khi gọi ông là "không trung thực và yếu ớt".

Hai nước cũng đang trong quá trình đàm phán căng thẳng về NAFTA, thỏa thuận Bắc Mỹ mà ông Trump đã gọi là "thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được thực hiện".

Gần nhất, Thủ tướng Trudeau thể hiện sự bất mãn khi Mỹ và Anh không hề lên tiếng bênh vực Canada trong căng thẳng với Ả Rập Saudi. Sau khi Canada chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Saudi, Riyadh đã triệu hồi đại sứ về nước và tuyên bố áp dụng các trừng phạt kinh tế cho đến khi Ottawa chịu sửa sai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại