Đó không phải là nhận định của những kẻ tay mơ hay kẻ thù tiềm tàng của hải quân Mỹ, với ý đồ “dìm hàng”.
Tác giả bài báo trên National Interest là Sébastien Roblin, có bằng thạc sỹ về giải pháp xung đột tại đại học Georgetown (Mỹ), giảng viên của Peace Corps, chương trình tình nguyện do chính phủ Mỹ điều hành.
Là sản phẩm của một ngành công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới, với giá thành siêu đắt đỏ, cũng khó có thể nói những khu trục hạm tân tiến bậc nhất này là vô dụng, nhưng nếu ý kiến của chuyên gia là đúng thì với số tiền bỏ ra quá lớn, trong khi công năng và nhiệm vụ không rõ ràng, nói các tàu DDG-1000 của hải quân Mỹ là siêu vô dụng cũng có cái lý của nó.
Mỗi chiếc Zumwalt-1000 có giá 4,5 tỷ USD, chưa kể chi phí nghiên cứu 10 tỷ USD. Một cái giá quá chát trong khi hiện nay Hải quân Mỹ chưa biết làm gì với chúng.
Theo ông Roblin, các tàu khu trục tàng hình Zumwalt cần một nhiệm vụ mới, thậm chí ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc điều chỉnh năng lực của tàu và cũng đồng nghĩa phải chi thêm tiền, dù con tàu đã rất đắt đỏ.
4,5 tỷ cho một tàu lớp Zumwalt, trong khi tàu khu trục lớp Arleigh Burke có giá 1,84 tỷ USD
Cuối năm 2017, hải quân Mỹ thông báo lớp tàu khu trục Zumwalt này sẽ chuyên về “tấn công mặt nước, ví dụ tìm diệt các tàu mặt nước của đối phương.
Tháng 1/2019, Hải quân Mỹ đưa vào biên chế chiếc khu trục tàng hình lớp Zumwalt thứ hai, tàu USS Michael Monsoor. Chiếc thứ ba, cũng là chiếc cuối cùng, tàu USS Lyndon B. Johnson được hạ thủy tháng 12/2018 và sẽ vào biên chế từ năm 2022.
Theo truyền thống, các tàu chiến được thiết kế để thực hiện một số nhiệm vụ chuyên biệt (chống ngầm, tấn công mặt nước, đổ bộ…).
Nhưng chiếc khu hạm Zumwalt siêu hiện đại lại đang phải đi tìm nhiệm vụ cho mình, đặc biệt khi việc mua các loại đạn dược siêu thanh đắt đỏ cho hệ thống vũ khí ban đầu của chúng bị hủy bỏ. “Sẽ phải mất nhiều năm và nhiều tỷ USD, Hải quân mới có thể tìm thấy một (nhiệm vụ cho tàu lớp Zumwalt)”, học giả Roblin viết.
Trong những năm 1990 sau Chiến tranh lạnh, Hải quân Mỹ thiếu đối thủ xứng tầm, do vậy các học giả hải quân Mỹ hướng các thiết kế tàu chiến thế hệ kế tiếp thành công cụ hải đối bờ.
Hải quân Mỹ đã quyết định các thế hệ khu trục hạm kế tiếp cần mang súng tầm xa, giúp xây dựng hệ thống hỏa lực hiệu quả hơn về mặt chi phí, hơn là cứ phải sử dụng những quả tên lửa hành trình Tomahawk trị giá cả triệu USD. Theo một số nguồn, mỗi quả Tomahawk trị giá gần 2 triệu USD, quá đắt đỏ.
Trong những năm 2000, người ta muốn tích hợp các công nghệ tiên tiến nhất vào chiếc DDG-1000.
Hải quân Mỹ hứa với quốc hội nay một khu trục hạm chỉ cần 95 thủy thủ thay vì 300 như trước, nhờ tự động hóa, và do vậy có đủ không gian và nguồn điện đủ để triển khai súng điện từ, vũ khí laser. Và trong thực tế, hệ thống động lực của DDG đã có nhiều tiến bộ với hệ thống điện tích hợp, bên cạnh các tính năng tàng hình.
Nhưng thay vì 95 như hứa hẹn, tàu vẫn cần tới 150 thủy thủ, vượt quá 50% con số đã hứa (cho dù chỉ bằng một nửa tàu khu trục lớp Arleigh-Burke đang đóng vai trò chủ công trong hạm đội của Hải quân Mỹ hiện nay).
Và các chuyên gia lo ngại vì cắt bỏ nhiều nhân sự, sẽ có vấn đề ngay lập tức trong chiến đấu khi thương vong xảy ra, bởi nhiều vị trí sẽ không có người hỗ trợ.
Đến năm 2008, Hải quân Mỹ không còn quan tâm nhiều đến tính năng pháo hạm tấn công các nước có quân đội yếu hơn như trước.
Thay vào đó, họ phải để mắt đến thách thức nổi lên từ Trung Quốc, khi Bắc Kinh nhanh chóng mở rộng đội tàu ngầm và liên tục phát triển các tên lửa hành trình và đạn đạo chống hạm đầy chết chóc.
Tệ hơn nữa, hệ thống súng trên tàu Zumwalt hoạt động không tốt như dự kiến, trong khi đạn pháo LRLAP dẫn hướng bằng GPS cũng không hề rẻ, lên tới 800.000 USD/quả, gần như đắt ngang với các tên lửa hành trình tầm xa có độ chính xác cao hơn. Tàu Zumwalt chơ vơ với hai khẩu súng không có đạn.