Lực lượng bí mật "Át chủ bài" trong cuộc chiến tay đôi của TT Putin với phương Tây

Bảo Lam |

Vừa có thêm một cuộc điều tra của tờ Washington Post về hoạt động của tình báo quân sự Nga (GRU), hé lộ nhiều góc khuất về lực lượng bí ẩn này.

Trong bài viết mang tựa đề "российская военная разведка - тайные мускулы в дуэли Путина с Западом - Tình báo quân sự Nga - lực lượng bí mật trong cuộc chiến tay đôi của Putin với phương Tây", hai đồng tác giả Anton Troianovski và Ellen Nakashima đã hé lộ những góc khuất về lực lượng tình báo quân sự Nga (GRU).

Theo đó, khi thực hiện một số cuộc phỏng vấn, Washington Post đã khẳng định sự vô giới hạn trong hoạt động của các cơ quan an ninh Nga nơi mà có cả từ học sinh phổ thông Nga cho tới các nghị sĩ Mỹ đang "cống hiến".

Từ cô nữ sinh dễ thương...

Nina Loguntzova đến trường sớm hơn thường lệ để đứng nghiêm theo điều lệnh quân đội trước giờ học, và về muộn sau các buổi học thêm, bao gồm cả học mật mã. Trong chiếc tủ cá nhân của cô bé treo 3 bộ quân phục khác nhau.

Cô nữ sinh 17 tuổi này tham gia vào chương trình đào tạo quân sự mở rộng tại một trong những trường phổ thông của Moscow với mục đích thể hiện sự tôn trọng đối với các cơ quan an ninh, cũng như nâng cao trình độ hiểu biết trong lĩnh vực toán và máy tính của những đối tưởng tuyển dụng tiềm năng.

Một trong những đối tác của chương trình này là cơ quan tình báo quân sự Nga, được biết đến như GRU mà những dấu vết hoạt động theo khẳng định của phương Tây ngày càng bị phát hiện nhiều hơn trong quá trình triển khai các chiến dịch trên toàn cầu theo chỉ đạo của Điện Kremlin.

Lực lượng bí mật Át chủ bài trong cuộc chiến tay đôi của TT Putin với phương Tây - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: RIA Novosti/Sergei Pyatakov

Các chi tiết mà Washington Post phát hiện được cũng cho thấy rằng một trong những đơn vị của GRU hành động ở trên tiền tuyến trong cuộc chiến tranh tâm lý, bao gồm những nỗ lực gây ảnh hưởng đến chính sách của Quốc hội Mỹ đối với Ukraine vào năm 2015.

Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gia tăng sự kiểm soát của mình ở trong nước và mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga ở nước ngoài, cơ quan tình báo quân sự Nga với mạng lưới phủ khắp thế giới gồm hàng nghìn nhân viên, lính đặc nhiệm và điệp viên, trở thành một trong những công cụ mạnh nhất của ông Putin.

"Cơ quan tình báo quân sự vốn trước đó từng chỉ thực hiện các nhiệm vụ quân sự, thì hiện giờ trở nên đa năng hơn.

Chúng ta được biết tới thông tin về những vụ thất bại của cơ quan này. Nhưng chúng ta lại không biết gì về các thành công của nó", ông Nikita Petrov, nhà sử học nghiên cứu về các cơ quan tình báo Liên Xô thuộc tổ chức "Memorial" chuyên về các vấn đề lịch sử cũng như nhân quyền có trụ sở tại Moscow nói.

Bức tranh này chứng tỏ quy mô hoạt động của GRU – từ các lớp học phổ thông ở Moscow cho tới ban thư ký các nghị sĩ trên đồi Capitol – dựa trên các cuộc phỏng vấn được thực hiện ở Moscow và Washington, vào các tài liệu mang tính công khai và thông tin do những nhân viên của các cơ quan tình báo phương Tây cung cấp.

Bộ Quốc phòng Nga, cơ quan kiểm soát hoạt động của GRU, không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này của tác giả bài viết.

Sự gia tăng cường độ hoạt động của cơ quan này, theo các chuyên gia khẳng định, cho thấy chiến thuật của Điện Kremlin trong cuộc đối đầu của mình với phương Tây.

Nga yếu hơn nhiều về phương diện kinh tế so với Mỹ và Tây Âu, tuy nhiên ông Putin chứng tỏ mức độ sẵn sàng cao đối với rủi ro, cũng như tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng người dân ở trong nước mà luôn cho rằng Nga đang bị bao vây.

"Nước Nga là tổ quốc của chúng tôi. Chúng tôi phải bảo vệ tổ quốc của mình", nữ sinh lớp 11 Loguntzova nói.

Các cựu nhân viên tình báo Mỹ nói rằng GRU luôn được coi là anh em họ của Cơ quan tình báo Liên Xô – KGB.

Ông Gennady Gudkov, nhà nghiên cứu chính trị cánh tả, từng làm việc ở KGB, sau đó là FSB nói rằng các sĩ quan của GRU tự gọi mình là "những chàng trai thô kệch mà chỉ biết hành động".

Ông dẫn chứng những câu nói kiểu như vậy: "Bạn cần chúng tôi để xử lý ai đó? Chúng tôi sẽ xử lý. Bạn cần chúng tôi ở Crimea? Chúng tôi sẽ có mặt".

Tại Mỹ, GRU, có lẽ được biết nhiều hơn cả như một cơ quan bị phương Tây cáo buộc là đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, điều được chứng minh bằng lời buộc tội được tuyên hồi tháng 7 đối với 12 nhân viên của cơ quan này bởi công tố viên đặc biệt Robert Muller.

Tuy nhiên các cuộc phỏng vấn và các tài liệu công khai ở Nga chứng tỏ rằng hoạt động của GRU phổ biến trên các chiến trường ở Ukraine và Syria, cũng như trong các trường phổ thông ở Moscow. Nó cho thấy phương pháp đa chiều mà TT Putin sử dụng trong cuộc xung đột với phương Tây.

Lực lượng bí mật Át chủ bài trong cuộc chiến tay đôi của TT Putin với phương Tây - Ảnh 2.

Đặc nhiệm Nga chiến đấu ở Syria.

"Ông Putin hiện giờ chấp nhận rủi ro nhiều hơn. GRU phù hợp với phương pháp của ông ấy", bà Andrea Kendall-Taylor, cựu phó phòng về Nga và Á Âu của Hội đồng quốc gia về tình báo (NIC) nói.

... tới sự hiện diện của GRU trong lớp học phổ thông

Sự ảnh hưởng của GRU gia tăng nhờ sự ủng hộ các cơ quan quân sự và tình báo trong xã hội Nga như một "phép thuật nhiệm màu" nhằm cổ động động lòng yêu nước và xung đột với phương Tây – đó là những đề tài thường xuyên được các phương tiện truyền thông quốc gia khai thác.

Theo những dữ liệu hiện có cho thấy, GRU hiện nay tham gia vào chiến dịch nhằm thúc đẩy sự quan tâm đối với các cơ quan tình báo ở các trường phổ thông công lập.

Bà Ekaterina Loguntzova, mẹ của Nina, nữ học sinh của lớp học liên quan tới nhiều hoạt động quân sự, đã từng nghe những câu chuyện khủng khiếp về các cơ quan tình báo Liên Xô khi còn là thanh niên. Bà nói với con gái rằng các nhân viên cảnh sát chìm có thể bắt giữ người trên phố chỉ vì tình nghi ai đó trốn việc.

Sau khi Liên Xô tan rã, bà Loguntzova nói, nỗi sợ hãi thay thế bằng tiếng cười mỉa mai và sự căm ghét. Nhiều người dân Nga bình thường cho rằng những cơ quan thay thế cho các đơn vị tình báo Liên Xô đều dính vào tham nhũng.

Tuy nhiên đến năm 2015, sự ác cảm của bà Loguntzova đối với các cơ quan tình báo Nga đã thay đổi. Những công dân Nga thông minh và có năng lực nhất hiện nay ra nhập tình báo. Bà cũng cho rằng các đơn vị tình báo, có lẽ đang triển khai cuộc chiến chống tham nhũng chứ không phải dính líu đến tham nhũng.

Bà Loguntzova đã quyết định cho con gái mình theo học "lớp thiếu sinh quân", mà theo lời bà, dưới sự giảng dạy của những giáo viên giỏi, và ngoài ra, các học sinh của lớp tham gia những giờ học thêm để ôn luyện toán và vi tính.

Các tài liệu công bố trên trang thông tin điện tử của trường phổ thông này chúng tỏ rằng nhà tài trợ lớp học này là Tổng cục an ninh liên bang – FSB, cũng như đơn vị 26165 của GRU chuyên trách về chiến tranh mạng, trong khi các nhà nghiên cứu của Mỹ gọi đơn vị này là APT28 hay "Fancy Bear".

Lực lượng bí mật Át chủ bài trong cuộc chiến tay đôi của TT Putin với phương Tây - Ảnh 3.

Nga đang đẩy mạnh tác chiến không gian mạng.

Ngoài ra, đơn vị 26165 trong những năm gần đây hỗ trợ công tác xây dựng chương trình học trên lớp, nơi Nina Loguntzova đang theo học, cũng như tối thiểu tại 6 trường phổ thông khác ở Moscow. Thoả thuận hợp tác này được đăng tải trên trang thông tin điện tử của các trường này.

Tuy nhiên, đơn vị này chủ yếu hành đồng bí mật, không gây sự chú ý của mọi người.

Nina Loguntzova và mẹ biết về sự tham gia của FSB, nhưng họ không biết gì về GRU. Ngôi trường mà Loguntzova đang theo học từ chối đưa ra bình luận. Sở Giáo dục Moscow và FSB cũng lên tiếng khước từ.

Thoả thuận hợp tác nêu trên được chỉ huy đơn vị 26165, ông Victor Netykshko ký tên. Tên ông được nhắc tới trong cáo trạng buộc tội công bố hồi tháng 7 mà chỉ rõ rằng ông đã chỉ huy cuộc tấn công vào các tài khoản thư điện tử của các nhân viên Uỷ ban quốc gia của Đảng Dân chủ và những thành viên Văn phòng vận động bầu của bà Clinton.

"Ý tướng tổ quốc và lòng yêu nước mang ý nghĩa bao trùm. Chúng ta không thể yêu tổ quốc và cùng lúc không tôn trọng các đơn vị này", bà Ekaterina Loguntzova, nhà tâm lý học 43 tuổi nói.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại