Tàu chiến Mỹ thế kỷ 21: Những cái đầu "đầy sạn" ở Lầu Năm Góc đang phải trả giá quá đắt?

Trà Khánh |

Dù không thể cứu vãn nhưng những cái đầu "đầy sạn" ở Lầu Năm Góc vẫn tìm ra cách sửa sai trên các tàu chiến đấu ven bờ LCS. Tất nhiên, mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt.

Tàu chiến của thể kỷ 21 nhưng lại nói không với tên lửa chống hạm

Independence - lớp tàu chiến ba thân duy nhất có trong biên chế của Hải quân Mỹ và là một trong hai lớp tàu thuộc chương trình tàu chiến đấu ven bờ LCS (Littoral Combat Ships). Tuy nhiên, điều khó tin là một lớp tàu chiến dành cho tương lai như Independence lại không được trang bị tên lửa hành trình và cả tên lửa chống hạm - thứ vũ khí đáng lẽ ra nó nên có.

Ngay trong thiết kế ban đầu của các mẫu tàu chiến tham gia chương trình LCS của Hải quân Mỹ, gồm: Independence (General Dynamics) và Freedom (Lockheed Martin) đều không trang bị tên lửa tấn công, thay vào đó chỉ là các hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp và pháo hạm.

Với lớp tàu chiến có lượng giãn nước hơn 3.000 tấn như Independence việc không được trang bị tên lửa tấn công gần như biến nó thành tàu tuần tra ven bờ hơn là tàu chiến đấu ven bờ. Đây cũng là lớp tàu chiến cỡ lớn đầu tiên của Mỹ sau nhiều thập kỷ không được trang bị tên lửa chống hạm lẫn tên lửa hành trình.

Tàu chiến Mỹ thế kỷ 21: Những cái đầu đầy sạn ở Lầu Năm Góc đang phải trả giá quá đắt? - Ảnh 1.

Một tàu chiến ven bờ lớp Independence với cấu hình vũ khí tiêu chuẩn, tên lửa tấn công duy nhất trên tàu là hệ thống tên lửa phòng không tầm gần SeaRam. Ảnh: reddit.

Tất nhiên, để lý giải cho điều này Hải quân Mỹ cho rằng tính năng của lớp LCS thiên về khả năng cơ động, tuần tra, phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa ven bờ hoặc trong hạm đội, do vậy nó không cần mang theo vũ khí nặng nề như các loại tên lửa có khả năng tấn công tầm trung hoặc tầm xa. Nhiệm vụ này thuộc về các tàu khu trục hạm và tuần dương.

Theo cách lý giải trên, các tàu LCS đóng vai trò phòng thủ hơn hơn là tấn công, bởi hệ thống radar giám sát trên không và trên biển cũng như hệ thống quản lý tác chiến trên hạm gần như "một chín, một mười" nếu so với các tàu khu trục Arleigh Burke và tàu tuần dương Ticonderoga.

Vì vậy, có thể xem các tàu LCS như là tai, mắt trong một hệ thống tác chiến chung mà Hải quân Mỹ phát triển cho các hạm đội của mình, bên cạnh các tàu sân bay và tàu khu trục mới.

Thế nhưng, cũng không loại trừ khả năng đây là cách Hải quân Mỹ cố giải thích cho sai lầm của họ trong việc phát triển lớp tàu LCS, bởi nếu chỉ dành cho nhiệm vụ tuần tra, trinh sát có lẽ nước Mỹ không cần tới những con tàu chiến có giá hơn 360 triệu USD mà chỉ được gắn pháo hạm.

Khi đưa các tàu LCS (cả Independence và Freedom) đi vào hoạt động Hải quân Mỹ mới nhận ra sự "dại dột" của mình khi không trang bị tên lửa tấn công ngay từ đầu. Trong khi đó, các công nghệ trinh sát điện tử hàng hải hiện đại mà lớp tàu này được trang bị gần như trở nên vô dụng khi không có vũ khí phù hợp để ngăn chặn mối đe dọa hay tự vệ.

Dù khó có thể thay đổi những sai lầm trên các tàu LCS hiện tại nhưng những cái đầu "đầy sạn" ở Lầu Năm Góc vẫn tìm được cách khắc phục những thiết xót của lớp tàu chiến này bằng cách tích hợp thêm các hệ thống vũ khí tấn công kiểu mới mà không cần thay đổi thiết kế tổng thể của tàu. Tất nhiên, mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền hoặc rất nhiều tiền.

Sửa chữa sai bằng siêu tên lửa mới nhất

Để khắc phục những thiếu sót trên các tàu LCS nhất là lớp Independence, Hải quân Mỹ đã lên một chương trình mở rộng hệ thống vũ khí cho các tàu chiến loại này với hệ thống tên lửa tấn công hải quân NSM hay còn được gọi là RGM-184A. Independence, cũng là lớp tàu chiến đầu tiên của Mỹ được trang bị dòng tên lửa chống hạm này.

RGM-184A là một trong các ứng viên thay thế cho tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon đã phục vụ trong Hải quân Mỹ hơn 40 năm qua. Do đó, việc các tàu LCS được trang bị RGM-184A cũng có thể được xem là cách Lầu Năm Góc đánh giá và kiểm tra năng lực tác chiến của tên lửa mới.

Tàu chiến Mỹ thế kỷ 21: Những cái đầu đầy sạn ở Lầu Năm Góc đang phải trả giá quá đắt? - Ảnh 3.

Hệ thống vũ khí chính trên một tàu chiến đấu ven bờ Independence sau khi nâng cấp. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Mặt khác, với thiết kế của Independence hay Freedom việc tích hợp các loại tên lửa cũ như Harpoon gặp khá nhiều khó khăn khi trên các tàu này không đủ không gian cho việc gắn các tên lửa có kích thước bệ phóng quá lớn.

Từng có phương án triển khai tên lửa chống hạm trên sàn đáp trực thăng phía sau đuôi tàu nhưng bị đánh giá là không khả thi và ảnh hưởng đến nhiều hoạt động chung của tàu.

Ví dụ như USS Gabrielle Giffords (LCS-10) - tàu đầu tiên của lớp Independence được trang bị tên lửa NSM, các bệ phóng được bố trí ngay phía trước đầu tàu và phía sau tháp pháo chính. Diện tích sàn ở vị trí này khá nhỏ và để đặt vừa hai bệ phóng tên lửa (2x4) các kỹ sư của Austal USA đã phải tính toán khá kỹ.

Về cơ bản phương án có thể chấp nhận được khi nó gần như không ảnh hưởng đến các hoạt động khác trên tàu, thiết kế tổng thể vẫn được đảm bảo, việc tích hợp các hệ thống chiến đấu đi kèm cũng không quá phức tạp và tốn kém.

Cũng trong đầu tháng 10 vừa qua, USS Gabrielle Giffords đã lần đầu tiên phóng thử tên lửa NSM ở Tây Thái Bình Dương với kết quả khá tốt.

Tàu chiến Mỹ thế kỷ 21: Những cái đầu đầy sạn ở Lầu Năm Góc đang phải trả giá quá đắt? - Ảnh 4.

Tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS-10) lần đầu phóng thử tên lửa NSM vào đầu tháng 10 vừa qua. Ảnh: Hải quân Mỹ

Lựa chọn tên lửa NSM để trang bị cho các tàu LCS cũng được xem là bước đi sáng suốt của Hải quân Mỹ, khi đây là mẫu tên lửa đa năng vừa có thể tác chiến chống hạm lẫn tấn công mặt đất. Các tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa tuy không thể sánh được với Harpoon nhưng cũng không quá kém.

Tầm bắn hiệu quả của NSM được xác định vào khoảng trên dưới 180km, được trang bị một đầu đạn nổ cực mạnh phân mảnh nặng 125kg. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng rất hiện đại kết hợp giữa dẫn hướng quán tính, bản đồ số qua hệ thống định vị toàn cầu GPS.

Điều đặc biệt là tên lửa NSM có khả năng chuyển sang trạng thái chiến đấu chỉ trong vài phút. Loại tên lửa này có quỹ đạo bay phức tạp, đủ để vượt qua những hệ thống phòng không trên tàu chiến.

Từ một số điểm nêu trên có thể tạm đánh giá chương trình mở rộng hệ thống vũ khí cho các tàu chiến đấu ven bờ về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu do Hải quân Mỹ đề ra, đồng thời cải thiện năng lực chiến đấu của tàu. Mặt khác đây cũng là cơ hội để Mỹ thử nghiệm các mẫu vũ khí mới trước khi áp dụng cho các tàu chiến khác.

Tuy nhiên, để đánh giá tính hiệu quả của chương trình mở rộng hệ thống vũ khí trên LCS cần phải có thời gian và có lẽ Hải quân Mỹ đã hơi vội vàng khi quyết định trang bị tên lửa NSM cho toàn bộ hạm đội tàu LCS trong thời gian tới sau thành công của tàu USS Gabrielle Giffords.

Tàu USS Gabrielle Giffords (LCS 10) lần đầu phóng thử tên lửa chống hạm NSM trên Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại