Quân đội Nga chống biệt kích phá hoại bằng "mắt thần" biết bay
Trong chuyến thăm mới đây đến căn cứ sân bay Khmeimim - đầu não đặc biệt quan trọng của Không quân Nga và là tổng hành dinh của lực lượng viễn chinh của Quân đội Nga ở Syria, các phóng viên phương Tây tỏ ra kinh ngạc trước hình ảnh Khmeimim được bảo vệ bởi nhiều tầng, nhiều lớp, trong đó có một khí tài hết sức đặc biệt.
Căn cứ sân bay Khmeimim đang được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không và trinh sát điện tử hiện đại, tối tân nhất thế giới, và việc xuất hiện của khí cầu – phương tiện bay trinh sát có thiết kế khá đơn giản khiến toàn bộ phóng viên phương Tây phải sửng sốt, "vò đầu bứt tai" không thể hiểu nổi tại sao.
Sự tò mò của họ cuối cùng đã được giải đáp khiến các phóng viên phương Tây phải thán phục và lúc này họ mới thực sự hiểu ra là tại sao phiến quân thánh chiến "trăm mưu ngàn kế" tìm cách tấn công Khmeimim nhưng căn cứ sân bay đầu não này của Nga vẫn "vững như bàn thạch".
Theo giới thiệu của một chuyên gia Nga tại căn cứ thì những quả khí cầu này có nhiệm vụ trinh sát mọi động tĩnh trên mặt đất xung quanh căn cứ đồng thời đo lường khi tượng phục vụ các chiến đấu cơ của Không quân Nga xuất kích tấn công các mục tiêu của khủng bố.
Chúng được đưa tới Syria từ năm 2016 không lâu sau khi Nga đặt căn cứ tại Khmeimim.
Một mẫu khí cầu thám không được Quân đội Nga sử dụng ở căn cứ Khmeimim. Ảnh: bmpd.
Chi tiết khá thú vị được Quân đội Nga tiết lộ là những quả khí cầu trên thuộc thành phần chiến đấu không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ chung ở căn cứ Khmeimim bên cạnh các tổ hợp radar cảnh giới, trinh sát điện tử và radar của các tổ hợp phòng không.
Như vậy để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho căn cứ Khmeimim – Quân đội Nga đã sử dụng gần như tất cả các khí tài phòng thủ tốt nhất mà họ có, kể cả việc sử dụng khí cầu thám không.
Với các loại khí cầu thám không dành cho nhiệm vụ trinh sát nó có thể được sử dụng cho nhiệm vụ giám sát an ninh và trinh sát hình ảnh xung quanh Khmeimim, từ các mục tiêu bay tầm thấp cho đến các mục tiêu di chuyển bên dưới mặt đất 24/7.
Đây là điều mà các tổ hợp radar trinh sát thông thường không làm được.
Nhiệm vụ trên vẫn có thể thực hiện được bằng máy bay trinh sát không người lái (UAV), tuy vậy UAV có những giới hạn nhất định như thời gian hoạt động không dài, kíp vận hành cần từ 2-3 người và không có khả năng giám sát toàn bộ căn cứ cùng một lúc.
Tuy được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt với hàng loạt hệ thống trinh sát điện tử tinh vi và cả một vành đai an ninh từ xa, thế nhưng nguy cơ căn cứ Khmeimim bị phiến quân khủng bố tập kích luôn luôn hiện hữu.
Có thể thấy ngoài việc sử dụng pháo, rocket hay UAV tấn công từ xa, phiến quân Syria hoàn toàn có thể tung ra các đơn vị biệt kích mang theo các loại súng cối hạng nhẹ, tên lửa chống tăng có điều khiển hay cả xe bom bí mật áp sát tấn công phá hoại căn cứ Khmeimim ở cự ly gần.
Ví dụ điển hình nhất cho kiểu chiến tranh phá hoại dạng này là việc các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq và Afghanistan thường xuyên bị tấn công bằng súng cối hoặc các loại vũ khí bộ binh hạng nhẹ. Trong khi đó các mẫu súng cối có cỡ nòng từ 100-120mm chỉ có tầm bắn từ 4.000-6.000m, đồng nghĩa với việc trận địa pháo của phiến quân được bố trí ngay sát căn cứ.
Một trận địa súng cối bắn cấp tập vào căn cứ Khmeimim ở cự ly gần sẽ gây thiệt hại không hề nhỏ. Ảnh: Business Insider.
Với bài học của người Mỹ, Quân đội Nga quyết định sử dụng tới các mẫu khí cầu thám không cho nhiệm vụ giám sát xung quanh Khmeimim nhằm hạn chế tối đa nguy cơ hành lang an ninh xung quanh căn cứ bị phiến quân chọc thủng.
Dựa trên mẫu khí cầu AKV-05 từng được Quân đội Nga đưa tới Syria, mẫu khí cầu mới xuất hiện ở Khmeimim nhiều khả năng cũng được trang bị một thiết bị trinh sát quang điện tử cho phép theo dõi chi tiết mọi hoạt động trong và ngoài căn cứ từ độ cao từ 300-1.000m trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm.
Hình ảnh dữ liệu từ thiết bị trinh sát sẽ được truyền trực tiếp trong thời gian thực tới một trung tâm chỉ huy di động dưới mặt đất hoạt động 24/7.
Tổ hợp khí cầu thám không AKV-05 của Quân đội Nga, đi kèm có cả trung tâm giám sát di động. Ảnh: iz.ru.
Với khối quang điện tử được trang bị khí cầu thám không trên có thể soi rõ biển số một chiếc xe ô tô từ độ cao 300m ở khoảng cách hơn 2km. Trong điều kiện bình thường nó có thể thực hiện trinh sát trong bán kính 10km, nhờ đó những quả khí cầu thám không dễ dàng phát hiện mọi hoạt động nhỏ nhất xung quanh Khmeimim.
Dữ liệu hình ảnh từ các khí cầu cũng có thể được truyền đến các trung tâm chỉ huy tác chiến trong thời gian thực bên trong căn cứ hoặc các cơ quan quốc phòng ở Nga hay bất kỳ đâu trên thế giới thông qua hệ thống mạng quân sự trực tuyến của Quân đội Nga.
Khí cầu thám không của Quân đội Nga ở căn cứ Khmeimim hoạt động gần một tổ hợp phòng không Pantsir-S1. Ảnh: AP.
Từ trung tâm giám sát di động, người vận hành cũng có thể điều khiển độ cao và hướng của khí cầu mọi thứ đều diễn ra tự động. Ngoài nhiệm vụ giám sát khí cầu do thám còn được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát khí tượng phục vụ cho các hoạt động bay của không quân Nga.
So với các tổ hợp trinh sát điện tử dưới mặt đất, khí cầu thám không có thiết kế đơn giản hơn, dễ sử dụng và có chi phí vận hành thấp. Một quả khí cầu có thể hoạt động trong nhiều năm tùy yêu cầu nhiệm vụ, để mọi thứ hoạt động trơn tru chỉ cần thường xuyên vệ sinh và sạc lại pin cho thiết bị trinh sát mà nó mang theo.
Từ một số điểm nêu trên không hề nói quá khi xem khí cầu thám không là "mắt thần" trên không của Quân đội Nga tại Khmeimim, giúp giám sát an ninh trong và ngoài hàng rào căn cứ, từ đó ngăn chặn mọi âm mưu xâm nhập, phá hoại từ bên ngoài.
Phát triển radar bay với khí cầu thám không
Ở thời điểm tại vẫn chưa có bất cứ thông tin nào cho thấy Quân đội Nga có ý định phát triển các loại radar bay với khí cầu thám không được tích hợp radar trinh sát hoặc phòng không, bởi với năng lực tác chiến đa tầng của các hệ thống radar cảnh giới của Nga lúc này điều này chưa thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, radar bay đang là xu hướng phát triển các hệ thống radar cảnh giới thế hệ mới đang được nhiều cường quốc quân sự theo đuổi như Mỹ và một số nước NATO. Điều này xuất phát từ tính ứng dụng cao của khí cầu trong lĩnh vực quân sự nhất là với nhiệm vụ trinh sát và thám không.
Có thể lấy ví dụ như mẫu radar thám không Tethered Aerostat Radar System (TARS) của Quân đội Mỹ được phát triển cho nhiệm vụ giám sát mặt đất trong cuối những năm 1980. TARS về cơ bản là một khí cầu buộc dây cỡ lớn có thể hoạt động ở độ cao hơn 7.600m hoặc 4.600m tùy nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của nó có thể lên đến 400km.
Hệ thống radar giám sát tầm thấp TARS của Quân đội Mỹ được gắn trên một khí cầu thám không cỡ lớn. Ảnh: Quân đội Mỹ.
Nhiệm vụ chính của TARS là giám sát các vùng biên giới, lãnh hải của nước Mỹ, phát hiện và theo dõi các mục tiêu bất thường từ mặt đất, trên biển cho đến trên không. Hiện tại TARS vẫn đang được Quân đội Mỹ sử dụng.
Việc một số nước sử dụng khí cầu thám không làm radar cảnh giới còn xuất phát từ một vấn đề đó là khả năng hoạt động của một số hệ thống radar cảnh giới truyền thống bên trong các thành phố hay vùng đồi núi bị giảm sút khi bị che chắn bởi các vật cản có độ cao lớn.
Một quốc gia đang gặp phải vấn đề này đó chính là Singapore, khi các thiết bị trinh sát bằng UAV hay radar tầm thấp của quân đội này không hoạt động hiệu quả vì bị che chắn hay cản trở thầm hoạt động bởi các tòa nhà cao tầng và cả đồi núi xung quanh.
Do đó để khắc phục điều này, Quân đội Singapore đã phát triển một mẫu radar bay bằng khí cầu thám không trang bị radar cảnh giới các khả năng giám sát trên không và cả trên biển. Khí cầu này có thể hoạt động 24/7 ở độ cao 600m và có phạm vi hoạt động tới 200m.
Từ hai ví dụ trên có thể thấy, nhu cầu phát triển các mẫu radar bằng khí cầu thám không ở nhiều quốc gia là rất lớn, nhất là ở các nước có địa hình phức tạp nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, ở vùng cực hoặc có đường bờ biển trải dài, mà Nga là một trong số đó.
Việc Quân đội Nga sử dụng số lượng lớn khí cầu thám không ở Syria có thể là bước đi đầu tiên cho việc đánh giá và kiểm tra khả năng phát triển các mẫu radar bay trong tương lai.
Với của công nghệ quốc phòng của Nga việc tích hợp một đài radar cỡ nhỏ lên khí cầu có thể xem là việc quá dễ, dù vậy điều này còn phải phụ thuộc vào nhu cầu thực sự của Quân đội Nga.
Các phóng viên phương Tây thăm quan căn cứ không quân Khmeimim của Quân đội Nga ở Syria.