Mỗi khi có một cuộc tấn công khủng bố do những kẻ cực đoan Hồi giáo ở bất cứ đâu trên thế giới, Donald Trump sẽ lên tiếng, như ông đã làm sau một vụ đánh bom trong lễ Phục sinh ở Pakistan, rằng ông có thể một mình giải quyết các vấn đề của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Sự hiếu thắng ghi điểm chính trị đã “gậy ông đập lưng ông, sau vụ thảm sát hồi mùa hè ở Orlando, Florida, Trump đăng dòng tweet chúc mừng gây phẫn nộ lớn. Rõ ràng chúc mừng trên nỗi đau khổ của những nạn nhân và toàn thể người Mỹ, không phải là điều khôn ngoan.
Tiếp đó, khi các vụ tấn công xảy ra ở New York, New Jersey và Minnesota, vụ tấn công khiến một số người bị thương, tỷ phú “vạ miệng” Donald Trump thậm chí đã không đợi đến lúc biết được chuyện gì đã xảy ra mà lên tiếng phát ngôn khó nghe.
Ngay hôm sau, ông đăng lên Twitter dòng trạng thái: “Dưới sự lãnh đạo của Obama và Clinton, người Mỹ đã trải qua nhiều vụ tấn công ở Mỹ hơn là những chiến thắng ở nước ngoài. Đã đến lúc thay đổi kế hoạch chính trị”.
Chỉ còn vỏn vẹn 7 tuần là tới ngày bầu cử, câu hỏi đặt ra là liệu các cử tri có hài lòng với lời kêu gọi “hãy cứng rắn và thông minh” của ông Trump hay liệu họ sẽ yêu cầu được biết chính xác ông sẽ làm gì để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố.
Bởi nếu họ muốn biết tường tận chi tiết, họ sẽ không tìm thấy gì. Ngoài những lời khoe khoang, là những lời khoe khoang khác. Trong trường hợp ông Trump nêu ra bất kỳ chính sách cụ thể nào, chúng rất có thể làm trầm trọng thêm vấn đề chứ không phải là cải thiện các mối nguy hiểm.
Trong bài phát biểu ngày 15/8, ông Trump lặp lại một trong những câu nói mà ông ưa thích nhất:
“Tôi nhiều lần nói rằng chúng ra nên giữ dầu ở Iraq – khu vực mà đánh giá của tôi được chứng minh là đúng. Theo CNN, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng có doanh số dầu 500 triệu USD chỉ riêng trong năm 2014, cung cấp và hỗ trợ cho khủng bố”.
Đúng là IS làm ra tiền từ dầu nhưng đó phần lớn ở Syria, không phải Iraq. Và ông Trump chưa từng giải thích làm sao mà ông “giữ dầu ở Iraq”. Nếu hận thù của Mỹ phổ biến trong thế giới Hồi giáo hiện nay, hãy tưởng tượng sẽ tồi tệ thế nào nếu Mỹ tịch thu dầu mỏ của một quốc gia Hồi giáo.
Trong chớp mắt, ông chuyển sang phác thảo những giải pháp “tuyệt vời” để ủng hộ những gì đã được làm:
“Chính quyền của tôi sẽ tích cực theo đuổi các chiến dịch quân sự của liên quân để đè bẹp và tiêu diệt IS, hợp tác quốc tế để cắt đứt nguồn tài trợ của chúng, mở rộng chia sẻ thông tin tình báo, phá vỡ và vô hiệu hóa công tác tuyên truyền và tuyển mộ của chúng”.
Ông còn cam kết “tìm điểm chung với Nga trong cuộc chiến chống IS”, chính xác là những gì mà chính quyền Obama hiện đang làm ở Syria mà chưa có hiệu quả cao.
Cùng lúc đó, điểm mấu chốt trong chiến dịch của ông là không ngừng nói kẻ thù là “chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”, điều mà ông (đã sai lầm) cho là bà Clinton không làm vậy.
“Để đánh bại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ chống lại tư tưởng hận thù sinh ra bạo lực và chủ nghĩa khủng bố”.
Nhưng có một lý do chính đáng mà cả hai Tổng thống Mỹ là George W.Bush và Barack Obama đều miễn cưỡng khi nói về “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo” và không phải vì ông Obama là một người bí mật theo đạo Hồi như ông Trump từng bóng gió.
Đó là bởi cả ông Bush và Obama đều nhận ra trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, nước Mỹ không thể chiến thắng nếu không có sự ủng hộ của 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới.
Bằng cách xúc phạm người Hồi giáo như ông Trump làm, ông đã tiếp tay tuyên truyền cho IS và al-Qaeda, trong đó thừa nhận cuộc chiến giữa Hồi giáo và phương Tây.
Tuy nhiên, ông Trump không quan tâm đến việc giành được trái tim và khối óc của người Hồi giáo.
Ông có vẻ nghĩ rằng có thể giữ cho nước Mỹ an toàn bằng cách ngăn không cho tất cả những kẻ khủng bố lọt vào Mỹ mà không thấy rằng những kẻ tấn công khủng bố gần đây ở Mỹ đều sống trong lòng nước Mỹ.
Với tất cả nỗ lực trong chiến dịch tranh cử, ông Trump vẫn chưa cung cấp được bất cứ giải pháp chống khủng bố nào cho ra trò. Những gì ông đang làm là tư tưởng bài trừ Hồi giáo đang phản tác dụng.
Đó là lý do mà IS đang cầu nguyện cho chiến thắng của IS.
Như Matt Olson, cựu Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia, từng nói trong bài viết của tờ Time: “Trong tháng 8, một phát ngôn viên của IS đã viết: ‘Tôi cầu thánh Alla gửi Trump cho nước Mỹ’.
Một người ủng hộ tuyên bố: ‘Việc Trump đến Nhà Trắng là một ưu tiên cho các chiến binh thánh chiến!’. IS đang làm việc để hỗ trợ cho ứng viên mà chúng gọi là ‘kẻ thù hoàn hảo’”.