Tai nạn không thương tích: Chớ chủ quan!

Nguyễn Thạnh |

Không phải lúc nào những chấn thương cũng được phát hiện ngay sau khi xảy ra tai nạn và khi có biểu hiện thì đã rơi vào khó khăn, nguy cơ cao.

Nhiều người bị tai nạn không thấy vết tích trên cơ thể nên chủ quan, song đâu biết những biến cố nội thương chết người đang âm thầm diễn ra.

Bụng trương phình sau vụ đụng xe

Trường hợp mới nhất vừa được Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP HCM) cứu sống là ông B.P.K (59 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), nhập viện cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh với cái bụng trương phình.

Hơn nửa tháng trước, đang đi xe máy dưới trời mưa thì ông K. bị một thanh niên va quẹt làm mất tay lái ngã xuống đường trong tư thế ngồi. Dù không thấy vết thương trầy xước nào ngoài da, vùng bụng, ngực nhưng ông cảm thấy đau. Được sơ cứu và khám lại tại địa phương, ông được chẩn đoán bị chấn thương gan, tụy, dập lách mức độ nhẹ và cho thuốc uống, theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, hơn 2 tuần sau tai nạn, ông thấy bụng ngày càng to, đau âm ỉ, không ngủ được, đến khi đau chịu không nổi nữa mới đi TP HCM khám.

Lúc nhập viện, bụng ông phình to, áo phải mở bung nút. Qua siêu âm, phát hiện rất nhiều dịch trong ổ bụng, chẩn đoán đây là một trường hợp vỡ túi mật chảy dịch làm bụng căng to, các bác sĩ nội soi khẩn cấp hút ra khoảng 15 lít dịch mật vàng, cắt bỏ túi mật đã thủng 3 cm x 4 cm, làm sạch ổ bụng… và cứu ông K. thoát chết trong gang tấc.

Tai nạn không thương tích: Chớ chủ quan! - Ảnh 1.

Ông B.P.K được các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) cứu sống sau khi hút ra 15 lít dịch trong bụng

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Minh Đức, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Bình Dân, cho biết đây là một trường hợp chấn thương bụng kín gây vỡ túi mật với cơ chế chấn thương không trực tiếp tác động trên túi mật. Có thể do tai nạn té ngồi tạo một lực mạnh trên túi mật đang căng to là nguyên nhân gây vỡ đột ngột. Ngoài ra, lượng lớn dịch mật khiến bụng người bệnh căng to nhưng may mắn là không nhiễm trùng, ảnh hưởng các tạng khác. Nếu không sẽ bị sốc nhiễm trùng chỉ trong vòng 48 giờ. Bệnh nhân may mắn được phát hiện, xử trí kịp khi vừa đến bệnh viện, nếu không có khả năng xảy ra viêm dính ruột và các cơ quan trong ổ bụng, không chỉ gây nguy hiểm tính mạng còn làm khó nội soi, phải chuyển sang mổ hở.

"Khi bị tai nạn, dù có thương tích hay không cũng nên đi khám để phát hiện sớm các tổn thương. Dù không có vết thương hở nhưng một số cơ quan trong ổ bụng có thể bị vỡ diễn biến âm thầm sẽ gây ra những hậu quả khôn lường" - BS Đức khuyến cáo.

Nghĩ bị "xoàng", suýt chết sau cả tháng

Thực tế, các tai nạn tại vùng đầu âm thầm dẫn đến chết người nhiều nhất nhưng không phải ai cũng biết phòng ngừa, đặc biệt là sau tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông. Trường hợp ông L.V.S (45 tuổi, ở tỉnh Long An) được các bác sĩ ngoại thần kinh BV Đa khoa Xuyên Á mổ não cứu sống là điển hình.

Trong một lần bị té ngã đập đầu nhưng nghĩ bị đau bình thường nên ông S. không đi khám. Hơn 1 tháng sau, tình trạng đau đầu của ông tăng dần, bị nôn ói nhiều, yếu nửa người, khi được đưa đi cấp cứu thì rối loạn tri giác, rơi vào hôn mê. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị máu tụ dưới màng cứng mạn tính 2 bán cầu, bên trái đẩy lệch sang phải khoảng 8 mm, chèn ép nhu mô não kế cận và não thất bên trái. Được mổ khẩn, khoan sọ, bơm rửa dẫn lưu máu tụ…, ông S. mới qua được "cửa tử", sức khỏe dần phục hồi.

Theo các chuyên gia ngoại thần kinh, tình trạng máu tụ dưới màng cứng mạn tính thường diễn ra âm thầm trong khoảng 3 tháng sau chấn thương vùng đầu. Những người bị máu tụ dưới màng cứng thường có các triệu chứng tăng dần như: đau đầu, nôn ói, yếu nửa người, yếu hai chi dưới, rối loạn vận động, rối loạn thị giác và thính giác, nói khó khăn…, nặng hơn là hôn mê và có thể dẫn đến tử vong. Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan với bất cứ loại chấn thương đầu nào. Do sau chấn thương đầu, não bị chảy máu rất ít nên chưa gây nên tình trạng tụ máu. Sau một thời gian, hiện tượng máu tụ tăng dần lên gây chèn ép não khiến bệnh nhân buồn nôn, đau đầu, hôn mê và có thể tử vong.

"Có nhiều trường hợp bệnh nhân rất bất ngờ khi biết tình trạng chấn thương của bản thân. Khi khai thác bệnh sử, chúng tôi mới biết trước đó vài tuần, có khi tới vài tháng, họ từng bị một chấn thương ở vùng đầu" - TS-BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, nói.

Cẩn trọng trong rèn luyện sức khỏe

Ai cũng biết tập thể thao là rất tốt để nâng cao sức khỏe nhưng có những biến cố ngầm ngoài mong muốn xảy ra trong hoạt động này. Đó là tình trạng đứt gân ngầm, dây chằng, chấn thương… Như anh T. (một người chơi quần vợt) gần đây bỗng thấy đau âm ỉ gót chân, sau đó bàn chân yếu đi. Đi khám mới phát hiện ra bệnh đứt gân gót chân.

Theo ThS-BS Huỳnh Phương Nguyệt Anh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đại học Y Dược TP HCM, gân gót chân là gân khỏe nhất của cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các động tác của 2 chi dưới. Tuy vậy, trong sinh hoạt, lao động đã không ít trường hợp bị tai nạn đứt bộ phận quan trọng này. Nguyên nhân tác động lực đột ngột gây căng làm gân chưa chuẩn bị nên đứt. "Gân gót có rất nhiều sợi collagen trượt lên nhau bởi những chất mềm mại uyển chuyển, khi lớn lên collagen trong gót giảm theo. Từ 30 tuổi trở lên, collagen giảm nên gân không còn mềm mại và dễ đứt nếu tác động đột ngột dù gân gót rất to và mạnh. Người đứt gân gót trước đó hay đau vùng gót chân nên phải điều trị đúng cách để tránh giảm chất lượng gân..." - BS Nguyệt Anh nhấn mạnh.

Nghĩ nhẹ bên ngoài, ẩn họa bên trong

BS chuyên khoa II Hồ Khánh Đức, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim - mạch máu BV Bình Dân, lưu ý các tai nạn trong cuộc sống là khó tránh khỏi. Đa số các trường hợp té ngã đều không nghĩ đến việc mình bị gãy xương, đứt động mạch mà nhầm với tình trạng đau do chấn thương phần mềm thông thường. Có nhiều trường hợp gãy xương, đứt động mạch ở vùng đầu gối, chi dưới không phát hiện sớm dẫn đến nguy cơ phải đoạn chi, tính mạng bị đe dọa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại