Tiến sĩ Minjee Kim, Trợ lý giáo sư thần kinh học tại Trung tâm Y học Nhịp điệu và Giấc ngủ của Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, cho biết, ngay cả một lượng nhỏ ánh sáng vào ban đêm cũng có thể gây hại.
Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng nghiên cứu mới không chứng minh rằng việc tiếp xúc với ánh sáng trong khi ngủ sẽ gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào trong số này mà chỉ cho rằng giữa chúng có một mối liên hệ.
Bên cạnh đó, ngoài việc giấc ngủ bị gián đoạn, ánh sáng có thể tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và huyết áp cao. Do đó, dần dần ánh sáng có thể gây ra các loại bệnh về chuyển hóa và tim mạch.
Kim và đồng nghiệp của cô đã quan sát hơn 550 người tham gia vào cuộc nghiên cứu Lão hóa khỏe mạnh ở Chicago. Những người từ 63- 84 tuổi đeo thiết bị đo lượng ánh sáng trong phòng ngủ của họ trong hơn 1 tuần. Nghiên cứu cho thấy, chưa tới một nửa có 5 tiếng ngủ trong bóng tối hoàn toàn. Những người khác tiếp xúc với một số nguồn ánh sáng ngay cả trong 5 tiếng tối nhất trong ngày - thường là giữa giấc ngủ vào ban đêm.
Các nhà nghiên cứu nói rằng họ không biết là do bị béo phì, tiểu đường và huyết áp cao khiến mọi người bật đèn khi ngủ hay là do bật đèn khi ngủ mới dẫn đến những tình trạng này. Tuy nhiên, họ cũng cho biết thêm, một số người bị tê chân do tiểu đường có thể muốn sử dụng đèn ngủ để tránh té ngã khi họ dùng nhà tắm vào ban đêm.
Giáo sư Emerson Wickwire, Trưởng bộ phận y học giấc ngủ tại Đại học Y Maryland cho biết kết quả này bổ sung vào số lượng ngày càng nhiều các bằng chứng khoa học cho thấy tầm quan trọng của đồng hồ sinh học và giấc ngủ đối với sức khỏe toàn diện, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
"Những dữ liệu này cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm làm tăng nguy cơ mắc hai trong số các bệnh mãn tính phổ biến và tốn kém nhất ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới là béo phì và tiểu đường, cũng như tăng huyết áp - một nhân tố rủi ro của bệnh tim mạch. Mặc dù nghiên cứu này còn cần tìm hiểu thêm trong tương lai"- Giáo sư Emerson Wickwire cho biết.
Ngoài ra có một số yếu tố có thể giải thích cho việc tiếp xúc ánh sáng qua đêm có những tác động xấu đối với sức khỏe.
Theo ông Wickwire, ánh sáng vào ban đêm có thể làm rối loạn điều hòa đồng hồ sinh học. Ngoài giấc ngủ, nhịp điệu sinh học đóng vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật và đạt hiệu suất tối ưu.
Ánh sáng là một chất ức chế melatonin mạnh mẽ. Melatonin, còn được gọi là hormone bóng đêm, có liên quan đến nhiều đặc tính của sức khỏe, bao gồm các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa.
Để tận dụng hết tất cả những lợi ích mà giấc ngủ mang lại, Wickwire khuyên rằng, hãy tạo ra một không gian thiêng liêng cho giấc ngủ. Phòng ngủ của bạn nên mát mẻ, tối, yên tĩnh và gọn gàng.
Lời khuyên giữ ánh sáng phòng ngủ ở mức tối thiểu:
Đừng bật đèn. Nếu bạn cần bật đèn để đảm bảo an toàn, hãy để đèn mờ gần sàn nhà.
Màu sắc của ánh sáng rất quan trọng. Ánh sáng màu hổ phách hoặc đỏ/cam sẽ ít kích thích não hơn. Không sử dụng ánh sáng trắng hoặc xanh và đặt đèn cách xa giường.
Nếu bạn không thể kiểm soát ánh sáng ngoài trời, hãy kéo rèm hoặc đeo bịt mắt ngủ.
Đặt giường của bạn ở nơi mà ánh sáng ngoài trời không chiếu tới mặt bạn./.