Đại dịch COVID-19 khiến tuổi thọ năm 2020 của nhiều quốc gia giảm sâu nhất kể từ Thế chiến 2, theo một nghiên cứu được công bố hôm 27/9 bởi Đại học Oxford (Anh), Reuters đưa tin.
Nghiên cứu được dẫn đầu bởi các nhà khoa học thuộc Trung tâm Khoa học Nhân khẩu học Leverhulme, Đại học Oxford, được đăng trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đứng cạnh xe cấp cứu bên ngoài bệnh viện dành cho bệnh nhân COVID-19 ở Kyiv, Ukraine, ngày 24 tháng 11 năm 2020. Ảnh: REUTERS / Gleb Garanich
Nghiên cứu xem xét dữ liệu của 29 quốc gia, phần lớn ở châu Âu, ngoài ra còn có Mỹ, Chile. Trong số 29 quốc gia này, 27 nước ghi nhận tuổi thọ năm 2020 giảm so với năm 2019.
Ở 22/29 quốc gia, tuổi thọ trung bình năm 2020 đã giảm hơn 6 tháng so với năm 2019.
Các nhà khoa học từ Đại học Oxford cho biết nguyên nhân của giảm tuổi thọ có thể là do số ca tử vong do COVID-19. Theo thống kê của Reuters, đã có gần 5 triệu trường hợp tử vong do COVID-19 trên thế giới cho đến nay.
Các cây thánh giá bên ngoài nhà thờ ở Baton Rouge, Louisiana, Mỹ, ngày 10 tháng 4 năm 2020. Mỗi cây thánh giá tượng trưng cho một người qua đời vì COVID-19. Ảnh: REUTERS / Carlos Barria
Tiến sĩ José Manuel Aburto, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Đối với các nước Tây Âu như Tây Ban Nha, Anh và xứ Wales, Ý, Bỉ…, lần cuối cùng ghi nhận mức độ suy giảm tuổi thọ trung bình lớn như vậy trong một năm là trong Chiến tranh Thế giới thứ hai".
Tuổi thọ nam giới giảm nhiều hơn nữ giới ở hầu hết các quốc gia, trong đó nam giới Mỹ có tuổi thọ giảm nhiều nhất: 2,2 năm.
[Đọc thêm: Tác động đáng sợ của COVID-19 đến tuổi thọ]
Cũng theo nghiên cứu, 15 quốc gia có tuổi thọ nam giới giảm hơn 1 năm, 11 quốc gia có tuổi thọ phụ nữ giảm hơn 1 năm. Điều này đã xóa sổ những tiến bộ về tỷ lệ tử vong đã đạt được trong 5,6 năm trước đó.
Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong gia tăng chủ yếu ở những người trong độ tuổi lao động và những người dưới 60 tuổi. Trong khi đó, ở châu Âu, những ca tử vong ở những người trên 60 tuổi góp phần đáng kể vào sự gia tăng tỷ lệ tử vong.
Tiến sĩ Ridhi Kashyap, một đồng tác giả khác của nghiên cứu, cho biết: "Kết quả của chúng tôi nêu bật tác động trực tiếp to lớn của COVID-19, và điều này cho thấy mức độ khủng khiếp của cú sốc mà COVID-19 đã gây ra cho nhiều quốc gia".
Bà Kashyap đã kêu gọi nhiều quốc gia hơn, bao gồm cả các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cung cấp dữ liệu về tỷ lệ tử vong cho các nghiên cứu sâu hơn.
Bà nói: "Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi công bố và cung cấp nhiều dữ liệu phân tách hơn để hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch trên toàn cầu".
(Nguồn: Reuters, Guardian)