Tác chiến điện tử Nga đặt hệ thống THAAD trong tầm ngắm

Tuấn Hưng |

Sau bán đảo Kamchatka, Nga vừa tiếp tục triển khai đến Crimea Murmansk-BN - Hệ thống tác chiến điện tử có thể gây nhiễu những mục tiêu ở xa cả ngàn km.

Đặt THAAD vào tầm ngắm

Thông tin này được trang Livejournal dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết, ít nhất một đơn vị tác chiến điện tử (TCĐT) với những hệ thống Murmansk-BN đã được Moskva triển khai tại bán đảo Crimea vào hôm 9/3.

Phó Tổng giám đốc của KRET, Vladimir Mikheev cho biết, Murmansk-BN sẽ là thành phần chính trong hệ thống tác chiến điện tử chiến lược quốc gia hiện nay Nga đang xây dựng.

"Hệ thống được sử dụng để gây nhiễu môi trường thông tin và cản trở đối phương nhận và gửi thông tin chỉ huy", ông này cho biết. Dù vị đại diện của KRET không tiết lộ chi tiết về khả năng của Murmansk-BN nhưng ông này cho biết, hệ thống mới có tầm tác chiến lên tới trên 3.000 km.

Tác chiến điện tử Nga đặt hệ thống THAAD trong tầm ngắm - Ảnh 1.

Hệ thống Murmansk-BN

Theo những thông tin được Nga tiết lộ, khác với các trạm cố định, Murmansk-BN sử dụng các cột anten có hệ thống thủy lực kiểu ống lồng, gắn trên xe vận tải nhiều cầu chủ động KamAZ trọng lượng lên đến 35 tấn, cho phép nâng cao cột lên cao 32 mét.

Trong đó, Xe "E" là linh hồn của tổ hợp "Murmansk-BN". Hệ thống được ứng dụng các thuật toán tiên tiến nhất, bảo đảm các máy móc tác chiến điện tử (TCĐT) vẫn thu được tín hiệu liên lạc giữa các thành tố chiến đấu của đối phương từ rất xa.

Sau khi phân tích về bước sóng, dải thông tần, cường độ tín hiệu, hướng tuyến liên lạc, hệ thống Murmansk-BN, ngoài việc giải mã thông tin, sẽ chọn ra giải pháp chế áp nhiễu, thậm chí triệt hoàn toàn các cuộc liên lạc này. Các tài liệu tiết lộ, Murmansk-BN có chế độ công suất phát nhiễu, hoạt động tối đa lên đến 400 kW, vượt qua thế hệ cũ nhiều lần, vốn chỉ đạt 5 kW.

Điều này có nghĩa những đơn vị này có khả năng thực hiện gây nhiễu không chỉ trên lãnh thổ của Nga, vùng Viễn Đông, mà còn từ Chukotka đến các đảo trong vùng biển Nhật Bản, Trung Quốc và toàn bộ nơi đặt hệ thống phòng thủ tầm cao THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.

Đặc biệt, từ bán đảo Crimea, hệ thống Murmansk-BN có thể gây nhiễu toàn bộ châu Âu nếu muốn.

Mỹ lo mất ngôi đầu

Tạp chí Armyrecognition dẫn thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Quân đội Nga vừa đưa vào hoạt động khoảng 20 loại hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới và đây chỉ là một phần trong chương trình mua sắm quốc phòng của Nga từ năm 2015.

Trong đó có ít nhất 10 loại hệ thống tác chiến điện tử đã hoàn tất quá trình phát triển và đã được Bộ quốc phòng Nga đặt hàng. Các hệ thống tác chiến điện tử mới này bao gồm: Krasukha-2, Murmansk-BN, Borisoglebsk-2, Krasukha-S4 và Svet-KU.

Trước đó, Quân đội Nga cũng đã bắt đầu đưa vào trang bị số lượng hạn chế các tổ hợp tác chiến điện tử mặt đất tiên tiến như Borisoglebsk-2V hay Moskva-1 cho một số lữ đoàn bộ binh cơ giới.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga luôn xếp thứ hai sau Mỹ về lĩnh vực này. Tuy nhiên trong thời gian gần đây khả năng trinh sát và tác chiến điện tử của Nga đang được nâng cao rất mạnh thì Mỹ lại có dấu hiệu thụt lùi, sau khi dốc toàn lực đấu với các đối thủ dưới cơ như Iraq, Lybia hay tổ chức khủng bố IS.

Hồi tháng 3/2015, Mỹ đã thành lập Ủy ban Tác chiến điện tử, do Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua bán vũ khí (khi đó) Frank Kendall và phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân - Đô đốc James Winnefeld lãnh đạo.

Theo thông báo của ông Robert Work, Uỷ ban này sẽ tìm cách giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giữ vững lợi thế trong lĩnh vực tác chiến điện tử.

"Chúng tôi vẫn đang dẫn đầu, nhưng tôi nghĩ rằng vị thế này đang dần mai một một cách nhanh chóng", ông Work tỏ ra không mấy lạc quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại