Kể từ cuối những năm của thập niên 1990, Nga đã thúc đẩy xuất khẩu các phiên bản của xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 ra thị trường vũ khí quốc tế.
Khách hàng chính và lớn nhất của T-90 là Ấn Độ; đến nay Ấn Độ đã mua hơn một nghìn chiếc T-90 và có khả năng đơn hàng chưa dừng lại. Hiện tại T-90S nhận được điểm số cao và xứng đáng được coi là nắm đấm thép của lục quân Ấn Độ và là trụ cột của an ninh quốc gia của quốc gia này.
Hợp đồng khó khăn đã cứu sống Uralvagonzavod
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 được quân đội Nga chấp nhận đưa vào thử nghiệm vào ngày 5 tháng 10 năm 1992; phiên bản xuất khẩu của T-90 có tên là T-90S, tuy nhiên trong những năm cuối của thập niên 1990, T-90S đã không tìm kiếm được thị trường.
Buổi ra mắt quốc tế đầu tiên của T-90S là tại triển lãm IDEX-97 tại UAE năm 1997; T-90S của Nga đã thu hút được sự chú ý của một số quân đội nước ngoài. Thành công tại triển lãm là bước đi đầu tiên để T-90S bước ra thị trường quốc tế.
Vào thời điểm đó, nhà sản xuất xe tăng Uralvagonzavod phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng: Nước Nga vừa bước chân ra khỏi đống đổ nát của Liên Xô, không có đơn đặt hàng lớn từ Bộ Quốc phòng Nga; Uralvagonzavod đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn.
Lối thoát khỏi tình hình hiện tại chỉ có thể là một hợp đồng xuất khẩu; những chiếc T-90 được chào hàng cho quân đội Ấn Độ và các cuộc đàm phán bắt đầu.
Đầu tiên Uralvagonzavod chào hàng cho đối tác Ấn Độ là phiên bản T-72S nhưng không được lãnh đạo quân đội Ấn Độ quan tâm.
Xe tăng T-90 của Ấn Độ.
Sau đó Bộ Quốc phòng Nga và Uralvagonzavod đã quyết định cung cấp cho Ấn Độ phiên bản T-90 hiện đại nhất của quân đội Nga khi đó. Quyết định này đã nhận được cái gật đầu đồng ý của Ấn Độ và mở ra cơ hội mới cho Uralvagonzavod.
Vào cuối mùa đông năm 1999, chiếc xe tăng T-90S xuất khẩu đầu tiên được chế tạo tại Nizhny Tagil để dùng cho mục đích thử nghiệm. Trước sự chứng kiến của các chuyên gia đến từ Ấn Độ, tại bãi thử của Uralvagonzavod, T-90S đã thực hành các bài hành tiến qua các địa hình và bắn đạn thật.
Được chứng kiến sức mạnh của T-90S, ngay sau đó một thỏa thuận đã được ký kết về việc Uralvagonzavod chế tạo thêm ba mẫu T-90S để thử nghiệm trên các thao trường của Ấn Độ.
Ba chiếc T-90S được gửi đến thao trường ở sa mạc Tar của Ấn Độ, đây là khu vực có điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt.
Các phiên bản thử nghiệm phải di chuyển dọc theo các tuyến đường đá và cát ở nhiệt độ không khí khoảng 50°C, vượt qua các chướng ngại vật khác nhau, tiến hành bắn đạn thật, v.v. Những thử nghiệm trên mất khoảng hai tháng, nhưng kết thúc thành công.
Trong cuộc thử nghiệm, phía Ấn Độ đã cố gắng tìm ra những điểm yếu của T-90S, thậm chí đã vi phạm các quy tắc trong sử dụng.
Một xe thử nghiệm đã bị hỏng động cơ, nhưng các chuyên gia Nga đã nhanh chóng sửa chữa và đưa nó trở lại hoạt động. Do đó T-90S không chỉ cho thấy hiệu suất cao mà còn dễ vận hành, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất.
Những tháng cuối năm 1999 và cả năm 2000, hai bên đã tiến hành đàm phán và xác định các điều khoản của hợp đồng tương lai.
Năm 2001, Nga và Ấn Độ đã ký một hợp đồng về việc cung cấp lô T-90S đầu tiên với số lượng lên tới 310 chiếc với tổng giá trị là 1 tỷ USD. Có được hợp đồng này, coi như Uralvagonzavod đã được cứu sống.
Xe tăng T-90 là sản phẩm tiêu biểu của ngành CNQP Nga.
Bán hàng và chuyển giao công nghệ cho đối tác Ấn Độ
Gói đầu tiên trong hợp đồng cung cấp T-90 cho Ấn Độ là phía Nga chuyển giao 124 chiếc T-90S ở dạng hoàn chỉnh vào cuối năm 2002.
Gói thứ hai phía Ấn Độ sẽ tiến hành lắp ráp từ linh kiện rời theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ; để thực hiện thỏa thuận này, cuối năm 2003, một dây chuyền lắp ráp đã được xây dựng xong tại nhà máy HVF ở thành phố Avadi; trong cùng thời gian đó, các bộ linh kiện đã được phía Nga gửi đến Ấn Độ.
Đến năm 2005, Ấn Độ đã nhận được tất cả 310 xe tăng theo hợp đồng đầu tiên.
Từ hợp đồng đầu tiên, một phiên bản nâng cấp cho phía Ấn Độ có tên gọi T-90S "Bhishma" với động cơ mới mạnh hơn và thay đèn hồng ngoại gây nhiễu, đồng thời sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực sản xuất ở nước thứ ba và một số cải tiến nhỏ hơn khác.
Năm 2006, một hợp đồng thứ hai xuất hiện, theo đó quân đội Ấn Độ sẽ nhận 1.000 xe tăng Bhishma với trị giá 2,5 tỷ USD. 100% số xe tăng mới này được lắp ráp tại Ấn Độ từ linh kiện được chế tạo tại Nga.
Những chiếc T-90S "Bhishma" đầu tiên của loạt này đã ra khỏi dây chuyền lắp ráp vào năm 2009 và sẽ tiếp tục cho đến năm 2020.
Vào đầu tháng Tư năm nay, Ấn Độ tiếp tục muốn thực hiện một hợp đồng mới, và Nga sẵn sàng gia hạn giấy phép hiện có. Theo các nguồn tin, hợp đồng mới sẽ cung cấp khoảng 450 đến 460 chiếc T-90MS, phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng T-90.
Vào cuối thập kỷ trước, Ấn Độ đã có những kế hoạch rất táo bạo để sản xuất xe tăng T-90S, dự kiến đến năm 2020, Ấn Độ dự kiến sẽ có khoảng 2.000 chiếc T-90 trong biên chế, tạo thành thế áp đảo với lực lượng xe tăng của kình địch Pakistan.
Mối quan hệ hai bên cùng có lợi
Theo những tài liệu được công khai, hiện nay lục quân Ấn Độ có ít nhất từ 1.000 đến 1.100 xe tăng T-90S và T-90 Bhishma.
Số xe tăng trên bao gồm do Nga chế tạo, một số được lắp ráp tại Ấn Độ từ linh kiện được chuyển giao; ngoài ra còn có một số T-90 sản xuất từ các linh kiện có nguồn gốc chủ yếu tại Ấn Độ theo công nghệ phía Nga chuyển giao.
Lãnh đạo quân đội Ấn Độ rất hài lòng với xe tăng T-90, thậm chí có lúc chúng còn được gọi là nhân tố răn đe thứ hai với kình địch Pakistan, chỉ xếp sau vũ khí hạt nhân.
Hiện nay xe tăng T-90 vẫn chưa chiếm đa số trong Lục quân Ấn Độ, bởi vì Ấn Độ vẫn còn khoảng 2.000 chiếc T-72M1. Tuy nhiên, ngay cả trong những điều kiện như vậy, T-90S vẫn là thành phần quan trọng nhất trong lực lượng bọc thép của lục quân Ấn Độ.
Xe tăng T-90S là thành phần quan trọng nhất trong lực lượng bọc thép của lục quân Ấn Độ.
Trong hai mươi năm qua, Nga và Ấn Độ đã ký kết nhiều hợp đồng cung cấp xe tăng T-90 với nhiều phiên bản; tổng giá trị của các hợp đồng này đã vượt quá 5,5 tỷ USD.
Trong tương lai gần, các hợp đồng mới có thể tiếp tục xuất hiện, vì xe tăng Arjun do Ấn Độ tự phát triển quá nặng, không phù hợp với cầu đường của đất nước này; đồng thời giá thành quá cao, nên không thể sản xuất đại trà.
Có thể nói, những hợp đồng cung cấp xe tăng T-90 cho Ấn Độ là thành công nhất về mặt thương mại của ngành công nghiệp quốc phòng Nga trong lịch sử hiện đại; nó càng có ý nghĩa hơn với nhà sản xuất xe tăng Uralvagonzavod của Nga.
Nói không ngoa, chính các hợp đồng cung cấp T-90 cho Ấn Độ, đã cứu Uralvagonzavod khỏi phá sản khi Liên Xô mới sụp đổ; đồng thời giữ chân được các kỹ sư và thợ lành nghề, cũng như có kinh phí để tiếp tục đầu tư sản xuất những phiên bản xe tăng hiện đại hơn như T-14 Armata.
Các hợp đồng lớn với Ấn Độ đóng vai trò là một màn tiếp thị cho T-90S với các quốc gia khác. Sau Ấn Độ, thêm bảy quốc gia mua T-90; khách hàng lớn nhất là Algeria đã mua 570 chiếc xe tăng T-90SA và T-90MS; một quốc gia thuộc Liên Xô cũ là Azerbaijan cũng mua 100 chiếc.
Các quốc gia khác đã mua từ vài chục đến hàng trăm chiếc T-90. Trong những năm gần đây, thường xuyên có thông báo về khách hàng mới của T-90, nhất là sau màn ra mắt ấn tượng của dòng xe tăng này tại chiến trường Syria vừa qua.
Đến thời điểm hiện tại (và có lẽ là trong cả tương lai), Ấn Độ vẫn là khách hàng chủ yếu của dòng tăng T-90. Quân đội Ấn Độ đã có được hơn một nửa số T-90, nhưng số T-90 của quân đội Ấn Độ hiện tại đã nhiều gấp 3 lần số T-90 của quân đội Nga.
Quá khứ và hiện tại
20 năm trước, ba chiếc T-90 thử nghiệm đã cày nát thao trường ở sa mạc Tar và cho thấy rõ ưu điểm của dòng tăng này so với các đối thủ cạnh tranh.
Từ kết quả của các bài kiểm tra nghiêm ngặt và khó khăn, quân đội Ấn Độ đã quyết định chọn T-90S; đây có lẽ là một trong những lựa chọn nhanh và chính xác nhất về hợp đồng mua bán vũ khí của giới lãnh đạo quân đội Ấn Độ.
Vào thời điểm đó, nhà máy chế tạo xe tăng Uralvagonzavod cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác của Nga, không chỉ tìm kiếm khách hàng, mà còn chiến đấu để sinh tồn.
Hợp đồng đầu tiên đã được ký kết và tiếp tục mở ra cho các hợp đồng mới; hợp đồng cung cấp xe tăng T-90 cho Ấn Độ cũng được coi là hợp đồng thành công nhất thời kỳ hậu Xô viết và cho nước Nga những kinh nghiệm quý về xuất khẩu vũ khí ra thị trường quốc tế.