Kẹt giữa "gọng kìm" Syria-Thổ
SDF, lực lượng của người Kurd, khẳng định đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của "vương quốc" khủng bố này tại Syria.
"SDF tuyên bố loại bỏ hoàn toàn và đánh bại IS trên 100% lãnh thổ. Vào ngày đặc biệt này, chúng tôi tưởng niệm hàng ngàn người đã nỗ lực để giành chiến thắng", Mustafa Bali - người đứng đầu văn phòng báo chí của SDF - thông báo.
Với việc IS bị đánh bại, tình hình tiếp theo đặt người Kurd vào thế nguy hiểm trong nỗ lực bảo vệ địa bàn mà họ chật vật kiểm soát được, khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đang xúc tiến kế hoạch rút lực lượng khỏi Syria.
Người Kurd gần như đã đứng ngoài cuộc nội chiến 8 năm giữa các phe phái đối lập và phe ủng hộ chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thay vào đó, họ tranh thủ gây dựng thế lực của mình trong khoảng 1/3 diện tích đất nước.
Kế hoạch rút quân Mỹ được ông Trump tuyên bố đã đặt người Kurd vào rủi ro bị tấn công bởi quân đội chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cần đến sự bảo hộ từ Damascus. Nhưng đây cũng gần như là kết thúc cho tham vọng tự trị của họ.
"Người Kurd đã bị kẹt giữa sự cứng rắn của [chính phủ] Syria và thế dồn ép của Thổ Nhĩ Kỳ," AFP trích lời chuyên gia về vấn đề Syria, ông Fabrice Balanche.
Các chiến binh SDF, với thành phần nòng cốt là Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - tổ chức bị Ankara xếp vào danh sách tổ chức khủng bố - đã đi đầu trong cuộc chiến chống IS tại Syria kể từ cuối năm 2014.
Sự hiện diện của lính Mỹ tại các khu vực do SDF kiểm soát sau đó đã trở thành lá chắn giúp người Kurd tránh khỏi đòn tấn công của người Thổ. Nhưng ông Trump vào tháng 12/2018 đã công bố kế hoạch rút toàn bộ 2.000 binh sĩ Mỹ, với lý do IS đã bị "đánh bại".
"Người Kurd đối mặt với tương lai bất ổn. Mối đe dọa bức thiết nhất đến từ Thổ Nhĩ Kỳ," nhà phân tích Mutlu Mutlu Civiroglu nói.
Sau tuyên bố trên, ông Trump có ý định làm dịu căng thẳng khi đề cập việc thiết lập một "vùng an toàn" 30km bên phía biên giới Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo nước ông sẽ tự đứng ra lập "vùng an ninh" này nếu như Mỹ thực hiện quá lâu.
Người Kurd ở Syria cho đến nay vẫn phản đối tất cả hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bởi lo sợ "vùng an ninh" sẽ bao phủ các thành phố chủ chốt của họ, đồng thời yêu cầu triển khai các lực lượng quan sát quốc tế.
"Kobane, Tal Abyad, Darbasiya, Qamishli, Dehik, Derbassiye - hầu hết thành phố do người Kurd kiểm soát đều nằm ở biên giới [Syria-Thổ]," ông Civiroglu nói.
Ankara cùng các nhóm vũ trang Syria mà họ tài trợ đã tiến hành hai chiến dịch tấn công bên trong lãnh thổ Syria, gần đây nhất là cuộc công kích vùng Afrin do YPG nắm giữ ở vùng tây bắc đất nước.
Nổ ra từ năm 2011 sau làn sóng biểu tình bạo động chống chính phủ, đến nay nội chiến Syria đang ở cục diện phức tạp khi Nga, Iran - các bên hậu thuẫn chính phủ Assad - và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành những nhân tố quyết định.
Civiroglu cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được Nga "bật đèn xanh" (hơn là từ Mỹ) trước khi tiến hành bất kỳ vụ tấn công nào tại Syria.
"Vị thế của Nga sẽ hết sức quan trọng bởi Nga có quyền lực mạnh đối với Thổ Nhĩ Kỳ," ông nói.
Chính quyền Assad hiện nay đã thu hồi lại 2/3 lãnh thổ Syria sau khi được Nga yểm trợ quân sự từ năm 2015, và Damascus có quyết tâm giành lại nốt vùng tây bắc giàu tài nguyên dầu mỏ còn lại. Để tự bảo vệ, người Kurd đã gửi các phái đoàn đến Washington và Moskva.
Trong các cuộc đàm phán đang diễn ra, người Kurd tỏ rõ lập trường hàn gắn liên hệ với chính phủ.
Sau nhiều thập kỷ cô lập, người Kurd đã phát triển hệ thống chính trị riêng ở đông bắc Syria, gồm tổ chức bầu cử, thu thuế, các trường học dạy tiếng Kurd...
"Tại một đất nước bị chiến tranh chia cắt, hệ thống của người Kurd đang vận hành tốt," Civiroglu bình luận. "Họ muốn điều này được công nhận."
Các chiến binh SDF chụp ảnh "selfie" ở ngôi làng Baghouz, tỉnh Deir Ezzor, Syria, ngày 24/3 - một ngày sau khi "vương quốc" của nhóm khủng bố IS bị SDF tuyên bố đánh bại hoàn toàn (Ảnh: AFP)
Mỹ là hy vọng cuối cho người Kurd
Các cuộc đàm phán Kurd-chính phủ Syria chưa thu được kết quả, và ông Balanche cảnh báo người Kurd đang ở thế "chiếu dưới".
"Chính phủ đòi hỏi một sự đầu hàng vô điều kiện. Damascus không muốn cho phép họ (người Kurd-ND) bảo lưu bất kỳ quyền tự trị nào," Balanche nhận định.
Bộ trưởng quốc phòng Syria Ali Abdullah Ayoub nói hôm 18/3 rằng chính phủ sẽ thu hồi toàn bộ các khu vực do SDF nắm giữ "theo một trong hai cách: Bằng thỏa thuận hòa giải, hoặc bằng vũ lực".
Dù cái kết của "vương quốc" IS đã được công bố, song nhóm khủng bố vẫn hiện diện ở vùng sa mạc Badia rộng lớn thuộc miền đông Syria. Bộ quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng nếu không duy trì được sức ép mạnh lên các phần tử cực đoan thì chúng sẽ hồi sinh tại Syria chỉ trong vài tháng.
Sau tất cả, theo nhà phân tích Nicholas Heras từ Trung tâm an ninh Hoa Kỳ mới (CNAS), tương lai của người Kurd phụ thuộc chủ yếu vào Mỹ.
"Tất cả những nhân tố khác ở Syria chưa thể hành động cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng hơn về quyết định cuối cùng của Mỹ," ông nói.
Ngay cả khi rút quân, Mỹ vẫn có thể duy trì hiện diện thông qua lực lượng bán quân sự. Ông Heras nói, "Hy vọng lớn nhất cho SDF là Mỹ và liên minh tiếp tục kiên trì dài hạn tại Syria."
Nhà Trắng cho biết, khoảng 200 binh sĩ "gìn giữ hòa bình" của Mỹ sẽ được duy trì tại Syria vô thời hạn. Quyền Bộ trưởng quốc phòng Patrick Shanahan thì cho biết sẽ thảo luận với các đối tác NATO về triển vọng thiết lập "lực lượng quan sát" trong khu vực.