Diễn biến mới ở Trung Đông
Chính sách đối ngoại mang tính chất đánh cược của chính quyền Tổng thống Donald Trump ở Trung Đông đang tiếp tục làm rung chuyển khu vực, gây ra sự nhầm lẫn, hoài nghi và gần đây, một cuộc chạy đua vũ trang mới đang hướng tới đổ máu nhiều hơn. Trong lúc IS đang suy tàn, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thể hiện sự mạnh mẽ chưa từng có, theo Strategic Culture.
Bất chấp lệnh trừng phạt của Iran, Tehran vẫn tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình trong khả năng gây dựng vị thế và tác động theo nhiều cách với các quốc gia khác trong khu vực.
Chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Iran ngỏ ý từ chức - Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có chuyến đi tới Iraq để nhắc nhở người Mỹ rằng: Tehran vẫn nắm giữ quyền lực và ảnh hưởng đáng kể tại đây, cũng như đối với Syria, Lebanon và cả Qatar lẫn Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang căng thẳng vì S-400.
Sự rung chuyển của khu vực là kết quả trực tiếp đến từ các quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Trump – điều đã dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới, giữa những tin đồn về việc Mỹ muốn bán vũ khí hạt nhân cho Saudi Arabia - mặc dù gần đây, Riyadh đang bị quốc tế chỉ trích cũng như đang chuyển hướng mua sắm vũ khí từ Nga và Trung Quốc.
Trong những tuần gần đây, đã có những báo cáo về các tên lửa mới của Hezbollah ở Lebanon đã được nâng cấp với khả năng tấn công chính xác hơn trước đây. Điều này đang trở thành mối lo ngại đối với người Israel với viễn cảnh lực lượng này có thể sử dụng chúng nếu Israel tiếp tục nhắm vào các chiến binh Hezbollah ở Syria.
Gần đây, tên lửa THAAD của Mỹ đã được triển khai ở Israel, theo sau những tuyên bố cảnh báo của lãnh đạo Hezbollah, bên cạnh khả năng tên lửa của Iran đang khiến người Israel cần phải cẩn trọng hơn. Israel muốn tìm những giải pháp toàn diện và chủ động thay vì chờ đợi vào các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Mối lo Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành cái tên được nhắc đến trong thời gian qua. Vào tháng 1, một tài liệu bí mật tiết lộ rằng Israel, Saudi Arabia và UAE coi Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa thực sự đối với quyền lực của họ trong khu vực.
Điều này đã thay đổi trọng tâm mục tiêu của các quốc gia này, chuyển sang chấp nhận chính quyền Assad và mở lại một số đại sứ quán ở thủ đô Syria. Phương Tây tin rằng việc giảm bớt sự cô lập có thể đưa Tổng thống Assad ra xa khỏi Iran và Nga, để liên kết với các siêu cường Ả Rập trong khu vực.
Ý tưởng này ban đầu đã thể hiện một số tính khả thi cho đến gần đây, khi có vẻ như nhà lãnh đạo cá tính của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục nâng mối quan hệ căng thẳng với Washington lên một cấp độ mới bằng cách nói rõ rằng thỏa thuận mới của Ankara với Nga về tên lửa hệ thống S-400 đáng được tôn trọng và thực hiện.
Tổng thống Erdogan quả quyết, sẽ không có gì ngăn cản thỏa thuận này diễn ra. Trong suy nghĩ của Israel, điều này đồng nghĩa với việc Ankara sẽ ngày tiến gần hơn tới cơ sở quyền lực Nga-Iran và quan trọng hơn cả, viễn cảnh mà các quốc gia Ả Rập đã tranh cãi trong nhiều tháng qua đang đến như một điều không thể tránh khỏi: Thổ Nhĩ Kỳ tìm cơ hội sâu sắc hơn trong quan hệ với chính quyền Assad.
Giả định cho rằng, một phần trong kế hoạch của Saudi-Israel là hỗ trợ người Kurd ở Bắc Syria trong một chiến dịch mới nhằm xóa bỏ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng đất rộng lớn mà người Kurd kiểm soát.
Tình hình này đã đẩy Tổng thống Erdogan cần phải tìm bước đi mới hơn, đó là xem xét hợp tác với chính quyền Assad, vì cả hai đều có một mục tiêu chung là đánh bại người Kurd, Israel và Saudi cùng một lúc. Một sự hợp tác mà mũi tên có thể trúng ba đích cho cả hai.
Kịch bản này nếu được xử lý (cho đến nay công chúng mới chỉ nghe báo cáo về các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Ankara và Damascus) sẽ gây tổn hại đối với Israel – quốc gia hiện đang tìm cách nhờ Nga làm việc với chính quyền Assad trước khi tấn công các mục tiêu của Hezbollah.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí chỉ là một đồng minh xa xôi của chính quyền Assad cũng có thể gây ra thảm họa cho Israel - quốc gia vốn không muốn đụng độ quá mức với Ankara.
Đó sẽ là tiền đề cho một cuộc xung đột hoàn toàn mới sau những âm ỉ nhiều năm giữa hai nước, bao gồm cả các cuộc khẩu chiến vào năm ngoái. Ông Erdogan công kích Thủ tướng Netanyahu về cách đối xử với người Palestine, trong khi nhà lãnh đạo Israel chỉ trích nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về việc bắt giữ các nhà báo trong nước.
Trong thực tế, cả hai chỉ dừng lại ở mức khẩu chiến. Nhưng sự kìm chế đó có thể thay đổi nếu chính quyền Assad gác lại quá khứ và đạt được thỏa thuận với chính quyền Erdogan.
Nếu điều đó xảy ra, chính quyền Trump cũng sẽ đóng sập hoàn toàn cánh cửa với Thổ Nhĩ Kỳ và biến nước này thành mục tiêu đối địch. Tổng thống Trump đã kiên nhẫn với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong hai năm qua và có thể sự nhẫn nại đó sẽ không còn sau khi "giọt nước" S-400 với Nga gần đây đã "tràn ly".
Một hiệp ước Assad-Erdogan có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng trong NATO và khiến Nga và Iran tự tin hơn bao giờ hết trong khu vực khi Tổng thống Trump từ chối tăng cường hỗ trợ cho các phe phái người Kurd ở miền Bắc Syria - cùng với việc đình chỉ chương trình máy bay chiến đấu F-35 – bùng nổ giữa Ankara và Washington là khó tránh khỏi.
Để Tổng thống Erdogan về cùng một nhà với Tổng thống Assad sẽ là một bước đi thông minh để đưa Tổng thống Trump vào vị trí bế tắc, khẳng định sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và làm suy yếu người Kurd chỉ trong một đòn đánh.