Một lời ủng hộ Israel, ông Trump làm Thổ Nhĩ Kỳ náo loạn, mở tiền lệ nguy hiểm ở biển Đông

Hải Võ |

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/3 tuyên bố trên Twitter rằng đã đến lúc Mỹ ủng hộ chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan mà Israel kiểm soát từ năm 1967.

Quan điểm này đánh dấu sự chuyển dịch lớn trong chính sách của Mỹ và tiếp sức cho chiến dịch tái tranh cử của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Các nhà phân tích cảnh báo hành động của ông chủ Nhà Trắng một lần nữa phát vỡ những chuẩn mực ngoại giao và tạo ra tiền lệ rủi ro để các nước khác có thể biện minh cho chủ nghĩa bành trướng.

AFP cho hay, Israel chiếm lĩnh cao nguyên Golan từ Syria trong Cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, và tuyên bố sáp nhập địa bàn này vào Israel năm 1981. Tuy nhiên cho đến nay, cộng đồng quốc tế chưa chấp nhận bước đi của Israel, với hy vọng vùng lãnh thổ tranh chấp này sẽ trở thành nội dung đàm phán tại các cuộc đối thoại hòa bình trong tương lai giữa các nước.

Nhưng dòng tweet của tổng thống Trump đã tạo ra bước ngoặt đột ngột trong ngoại giao. Tuyên bố sau 52 năm, "đã đến lúc nước Mỹ công nhận hoàn toàn" chủ quyền của Israel [đối với Golan], ông Trump đã gây xáo trộn trong chính các đồng minh Mỹ. Cả Pháp và Anh đều khẳng định vẫn coi cao nguyên Golan là lãnh thổ mà Israel "chiếm đóng".

Bộ ngoại giao Pháp nêu trong một thông cáo, rằng việc công nhận chủ quyền Israel ở Golan "đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là nghĩa vụ của các nước trong việc không công nhận những tình huống bất hợp pháp".

Richard Haass, chủ tịch tổ chức nghiên cứu Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), Mỹ, lo ngại những hậu quả của việc Mỹ từ bỏ Nghị quyết 242 Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - được thông qua sau Cuộc chiến 6 ngày, trong đó nhấn mạnh "không chấp nhận việc đạt được lãnh thổ thông qua chiến tranh".

Ông Haass nói quy định trên là "nguyên tắc cơ bản nhất trong trật tự quốc tế", cũng như là nền tảng để Mỹ đưa ra lập trường chống lại "những cuộc thôn tính như của Saddam [Hussein] đối với Kuwait" - đề cập cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Đây không phải lần đầu ông Trump bỏ qua các quy ước quốc tế. Vào tháng 12/2017, ông bất ngờ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, giúp nhà nước Do Thái này hoàn thành một trong những mục tiêu chủ chốt.

Một lời ủng hộ Israel, ông Trump làm Thổ Nhĩ Kỳ náo loạn, mở tiền lệ nguy hiểm ở biển Đông - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng bầu dục, Nhà Trắng, ngày 5/3/2018. Ông Trump khẳng định quan hệ hai nước "chưa bao giờ tốt hơn" (Ảnh: MANDEL NGAN / AFP)

Tiền lệ nguy hiểm cho biển Đông, Thổ Nhĩ Kỳ bất an

Cựu ngoại trưởng Thụy Điển ông Carl Bildt thì nói rằng tổng thống Trump đang gây ra một "thảm họa".

"Đây là sự xa rời thảm họa khỏi nền tảng cơ bản của luật pháp quốc tế. Điện Kremlin sẽ vỗ tay và áp dụng nguyên tắc tương tự với bán đảo Crimea. Bắc Kinh sẽ hoan hô và áp dụng với biển Đông," ông Bildt viết trên Twitter.

Syria cùng đồng minh Iran bày tỏ phản đối tổng thống Mỹ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lên Twitter cho biết ông bị sốc trước động thái này. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Iran Bahram Ghasemi lên án "những quyết định tự phát đã vén màn chính sách thực sự của Mỹ - những chính sách nguy hiểm cho toàn thế giới và sẽ đẩy khu vực nhảy cảm này đến khủng hoảng liên tiếp".

Ghasemi cam kết Tehran sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và "đưa ra chính sách cần thiết để phối hợp với chính phủ Syria.

Chính quyền tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thì luôn lo sợ một cuộc đổ vỡ ở Syria sẽ trao cho người Kurd cơ hội tìm kiếm độc lập. Ông Erdogan nói rằng ông Trump đã tạo ra "một cuộc khủng hoảng mới" và kêu gọi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) can thiệp.

Steven Cook, chuyên gia về Trung Đông tại CFR, phân tích trên tạp chí Foreign Policy rằng hành động công nhận chủ quyền Israel đối với cao nguyên Golan của Mỹ - nếu xảy ra - sẽ chỉ "thêm dầu vào lửa" cho làn sóng chống lại sự kiểm soát của Israel đối với địa bàn này.

"Trên thực tế, không cần phải công nhận gì cả. Israel có mặt tại Golan vì những lý do riêng của họ, và không có quyết định nào của chính quyền Trump sẽ làm thay đổi điều đó," Cook viết.

Chuyên gia Ilan Goldenberg Trung tâm an ninh Hoa Kỳ mới (CNAS), đánh giá quyết định của ông Trump giống như "chọc vào tổ ong".

"Điều này cũng khiến Mỹ khó có thể tiếp tục phản đối Nga sáp nhập Crimea theo nguyên tắc cưỡng chiếm lãnh thổ bị coi là bất hợp pháp. Chúng ta hiện không còn điểm tựa, và người Nga sẽ lợi dụng điều đó," ông Goldenberg tweet.

"Vậy tại sao [ông Trump] hành động như vậy? Vì điều đó rất tuyệt đối với vấn đề chính trị của ông Bibi (biệt danh của thủ tướng Israel Netanyahu-ND)," ông cho hay. Israel sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội vào ngày 9/4 tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại