Đã có nhiều cuộc thảo luận về khả năng chiến tranh sắp xảy ra với Iran. Mỹ đang tăng cường lực lượng quân sự ở Vịnh Ba Tư và những lời tuyên bố khoa trương của Washington ngày càng có xu hướng hiếu chiến.
Tuy nhiên, một cuộc xung đột trên quy mô toàn diện vẫn khó có khả năng xảy ra, bởi Iran – không giống như các quốc gia khác mà Mỹ đã tấn công – không phải là một mục tiêu "dễ xơi".
Mỹ đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một nhóm máy bay ném bom tới Trung Đông trong tháng này. Tiếp đó, Lầu Năm Góc tuyên bố một tổ hợp tên lửa Patriot, cùng tàu vận tải USS Arlington, đang trên đường tới vùng Vịnh.
Vài ngày trước, Washington cáo buộc Iran đã ngầm phá hoại 4 tàu chở dầu ở vịnh Ba Tư.
Phải chăng đó là những dấu hiệu cho thấy hai phía đang tiến đến một cuộc xung đột?
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ. Ảnh: US Navy.
Mỹ chỉ tấn công mục tiêu "dễ xơi"
Mặc dù không thể gạt bỏ hoàn toàn nguy cơ nhưng theo nhà báo Neil Clark (với các bài viết trên The Guardian, The Week, Daily Telegraph…), khó có khả năng Mỹ sẽ tấn công Iran.
Tất cả các quốc gia bị Mỹ và đồng minh "tấn công trực diện hoặc xâm lược" kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đều là những mục tiêu "dễ xơi". Họ có quân đội yếu, không có đồng minh mạnh đủ khả năng hỗ trợ, và/hoặc không có phương tiện răn đe đáng tin cậy để có thể ngăn chặn cuộc tấn công.
Nam Tư năm 1999 có lực lượng quân đội (JNA) mạnh, đáng nể trọng và năng lực phòng không tốt. Tuy nhiên, họ bị quốc tế cô lập, suy yếu dần bởi các lệnh trừng phạt và không có đồng minh hỗ trợ.
Nga đáng ra có thể bảo vệ Nam Tư trước cuộc tấn công nhưng Mỹ biết rằng, có thể dễ dàng mua chuộc chính quyền tham nhũng Boris Yeltsin, và quả đúng như vậy.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, JNA vẫn không bị đánh bại và Mỹ đã phải đe dọa phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng của nước này để dọn đường cho mình.
Chỉ 2 năm sau, Mỹ tấn công Afghanistan. Vào thời điểm đó, Không quân Afghanistan có năng lực rất tầm thường. Không ngạc nhiên, với sự chênh lệch khổng lồ trong năng lực quân sự, chính phủ Taliban ở Kabul đã bị lật đổ trong chưa đầy 2 tháng.
Mỹ chỉ tấn công các mục tiêu "dễ xơi".
Tháng 3/2003, Iraq bị tấn công dù không hề sở hữu Vũ khí hủy diệt hàng loạt như các cáo buộc.
Sau nhiều năm hứng chịu các biện pháp trừng phạt, quốc gia này trở nên yếu ớt. Hệ thống phòng không và cảnh báo sớm của họ đã bị hư hại nặng nề sau các cuộc tấn công liên tiếp của "lực lượng liên minh". Không quân Iraq chỉ còn 90 máy bay có khả năng hoạt động.
8 năm sau tới cuộc chiến tranh nhằm vào Libya, một mục tiêu "dễ xơi" khác. Chính phủ Gaddafi đã lựa chọn từ bỏ chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush gọi đó là một "lựa chọn khôn ngoan và có trách nhiệm" nhưng Gaddafi có lẽ đã phải hối hận về quyết định của mình.
Theo ông Clark, có thể thông qua thất bại của Mỹ trong chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Syria để thấy rõ rằng Washington chỉ tiến hành chiến tranh nhằm vào các mục tiêu dễ xơi. Đã rất nhiều lần xung đột có nguy cơ bùng nổ nhưng lần nào Washington cũng lùi bước.
Nga đã rút ra bài học từ Libya và sẽ không tái phạm sai lầm trong việc bảo vệ một đồng minh khác của mình.
Iran là mục tiêu "khó nhằn"
Nếu Syria đã "khó nhằn" thì Iran thậm chí còn "khó nhằn hơn". Trang mạng Global FirePower xếp hạng quân đội Iran đứng thứ 14 trên thế giới, cao hơn 2 bậc so với Israel.
Nếu Mỹ muốn tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ, thì họ cần phải nhớ rằng Iran có hơn 500.000 quân thường trực và 350.000 quân dự bị.
Đó là chưa kể đến những lực lượng gọi là "Trục đối kháng" của Iran, bao gồm tổ chức Hezbollah và Shia đang chiến đấu chống IS ở Iraq. Những lực lượng này hoàn toàn có thể được triển khai để tấn công các mục tiêu của Mỹ trong khu vực.
Global FirePower xếp hạng sức mạnh quân sự Iran đứng trên Israel 2 bậc.
Về không quân, Iran có hơn 500 máy bay, trong đó có 142 chiến đấu cơ. Tehran còn có 1.634 xe tăng chiến đấu, 2.345 xe bọc thép, và 1.900 hệ thống phóng rocket.
Nếu Mỹ muốn phát động một trận hải chiến thì Iran hoàn toàn có thể ứng phó. Tehran có gần 400 phương tiện hải quân, họ còn sở hữu các tên lửa đạn đạo tầm ngắn/trung có khả năng tấn công các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Israel và các quốc gia vùng Vịnh.
Hồi tháng Hai, Iran đã ra mắt tên lửa hành trình tầm xa phóng từ mặt đất Hoveizeh với tầm bắn hơn 1.350km.
Tuy nhiên, công cụ răn đe mạnh nhất của Tehran là khả năng "bóp nghẹt nền kinh tế thế giới" bằng cách phong tỏa eo biển Hormuz – tuyến đường mà 1/5 lượng dầu trên thế giới được vận chuyển qua, trong số này 90% là của Saudi Arabia.
Hãy thử tưởng tượng tác động của nó đối với giá dầu toàn cầu nếu xảy ra.
Mỹ có thể là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới và cũng không ai nghi ngờ rằng, nếu tiến đến chiến tranh với Iran, Mỹ rốt cuộc sẽ thắng.
Chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok cho rằng Mỹ có thể tấn công Iran từ khoảng cách xa, sử dụng phương thức tác chiến điện tử để làm tê liệt các hệ thống phòng không của đối phương.
Một cuộc tấn công quy mô lớn từ trên không và trên biển, phối hợp với Israel, sẽ khiến Iran choáng váng. Thế nhưng, rủi ro vẫn sẽ rất cao.
Các lực lượng ủy nhiệm của Iran vẫn còn là mối đe dọa lớn, và hoạt động cung cấp dầu của thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu muốn xâm chiếm và biến Iran thành thuộc địa, Mỹ sẽ phải triển khai bộ binh. Điều đó có thể khiến Washington hứng chịu thiệt hại lớn về nhân mạng. Liệu đây có phải là kết quả mà Mỹ mong muốn?
Nếu cân nhắc mọi yếu tố, sẽ thấy cuộc chiến tranh với Iran là một vấn đề rất khác so với các cuộc chiến tranh trước đây của Mỹ với Afghanistan, Nam Tư, Iraq và Libya. Đó là lý do tại sao theo ông Clark, khó có khả năng Mỹ tấn công Iran.
Thay vào đó, Mỹ sẽ tìm kiếm mọi biện pháp có thể để khiến Iran trở nên bất ổn, rối ren mà không cần phát động cuộc tấn công toàn diện.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Neil Clark
Sức mạnh quân đội Iran