Hàng Mỹ đấu hàng Mỹ: F-14 Iran có hạ gục nổi F-15C? - Đáp án nằm ở bí mật công nghệ Nga-TQ

Vy Lam |

Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, năng lực tác chiến không-đối-không của F-15 và F-14 được đặt lên bàn cân. Rất có thể trong tương lai, 2 mẫu máy bay do Mỹ chế tạo sẽ đối đầu.

Đợt triển khai gần đây của phi đoàn F-15C Eagle tới vịnh Ba Tư trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Iran đã làm dấy lên nhiều câu hỏi, như các tiêm kích chiếm ưu thế trên không tinh nhuệ của Mỹ sẽ đối phó với Không quân Iran như thế nào, nhất là khi F-14 Tomcat – mẫu chiến đấu cơ mạnh nhất của Tehran, với số lượng lên tới 40 chiếc, vẫn đang hoạt động.

F-15C không còn là mẫu tiêm kích chiếm ưu thế trên không tốt nhất của Mỹ, vị trí này đã nhường cho mẫu máy bay kế nhiệm thế hệ năm F-22 Raptor (gia nhập biên chế tháng 12/2005).

Tuy nhiên, các vấn đề về bảo dưỡng và tình trạng sẵn sàng chiến đấu thấp đã gây ra nhiều vấn đề cho phi đoàn Raptor quy mô nhỏ của Mỹ, khiến tháng 2 năm nay, Washington phải rút về một phi đội F-22 mà trước đó đã triển khai tới UAE. Ba tháng sau, chúng được thay thế bằng các tiêm kích F-15 Eagle thế hệ cũ.

Bên cạnh đó, do lệnh cấm xuất khẩu của Quốc hội Mỹ đối với F-22 mà F-15 Eagle vẫn là tiêm kích phương Tây chiếm ưu thế trên không mạnh nhất bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Chúng là trụ cột lớn đối với các quốc gia đồng minh của Mỹ, như Israel và Saudi Arabia, để đối phó với phi đoàn F-14 Tomcat của Iran trong trường hợp nổ ra xung đột khu vực.

Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại vịnh Ba Tư và trên khắp Trung Đông, năng lực tác chiến không-đối-không của F-15 và F-14 được đặt lên bàn cân. Rất có thể trong tương lai hai mẫu máy bay do Mỹ sản xuất sẽ phải đối đầu.

Hàng Mỹ đấu hàng Mỹ: F-14 Iran có hạ gục nổi F-15C? - Đáp án nằm ở bí mật công nghệ Nga-TQ - Ảnh 1.

Tiêm kích F-15C tại căn cứ không quân của Mỹ ở Trung Đông tháng 5/2019

F-14 chiếm ưu thế lớn…

F-14 và F-15 đều được thiết kế trong những năm 1960 với vai trò tương tự nhau, chúng đều là máy bay hạng nặng hai động cơ, được thiết kế để tác chiến không-đối-không và thay thế cho mẫu F-4 Phantom thế hệ 3 của không quân, hải quân Mỹ.

Ở thời điểm được đưa vào trang bị (1974 và 1976), thì Tomcat và Eagle là các chiến đấu cơ thế hệ 4 duy nhất phục vụ trên thế giới, mang lại cho Mỹ lợi thế lớn so với không quân Liên Xô, cho tới khi MiG-31 và Su-27 đi vào hoạt động trong năm 1981 và 1985.

Tuy nhiên, Tomcat là mẫu máy bay hạng nặng hơn và đắt đỏ hơn bất cứ mẫu chiến đấu cơ nào cùng thế hệ vào thời điểm đó. Điều này khiến nó trở nên kém cơ động hơn, động cơ F110 của Tomcat cũng có lực đẩy yếu hơn so với động cơ F100 của Eagle.

Sự kết hợp giữa tên lửa AIM-54 Phoenix (tầm bắn 190km) với radar AN/APG-71 mang lại cho F-14 khả năng tấn công ngoài tầm nhìn "không có đối thủ". Hệ thống radar của F-14 ban đầu có phạm vi phát hiện mục tiêu khoảng 200km – vô đối vào thời điểm đó – và sau này còn tiếp tục tăng lên nhờ các chương trình nâng cấp của cả Mỹ và Iran.

Khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn đã mang lại cho F-14 tỷ lệ tiêu diệt không-đối-không 160:3 trong chiến tranh Iran-Iraq, với 61 máy bay bị tiêu diệt bởi tên lửa AIM-54.

Với khả năng mang 6 tên lửa Phoenix trên một máy bay, F-14 được thiết kế chú trọng hơn vào khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn so với các mẫu máy bay hạng nhẹ khác trong biên chế Không quân Mỹ.

Trong khi đó, radar của F-15 không chỉ thiếu khả năng cung cấp nhận thức tình huống – điều cần có để tận dụng được hết tầm bắn của tên lửa AIM-54, mà tên lửa này còn quá nặng đối với Eagle. Mỗi tên lửa nặng 470kg – gấp 2 lần khối lượng tên lửa AIM-7 mà F-15 vốn được thiết kế để có thể triển khai.

Cảm biến và khả năng tác chiến không-đối-không của F-15 cũng đều thua kém F-14.

Hàng Mỹ đấu hàng Mỹ: F-14 Iran có hạ gục nổi F-15C? - Đáp án nằm ở bí mật công nghệ Nga-TQ - Ảnh 2.

Tiêm kích F-14 Tomcat của Iran

… nhưng gió đã xoay chiều

Song, tới cuối Chiến tranh Lạnh, sau khi Liên Xô sụp đổ và Mỹ có kế hoạch cho nghỉ hưu sớm F-14 do chi phí vận hành đắt đỏ, không đoàn F-15 được đầu tư nhiều hơn để tăng cường khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn.

Tới năm 1990, F-15 bắt đầu triển khai phiên bản mở rộng của tên lửa AIM-7 Sparrow với tầm bắn 70km (ngắn hơn 73% so với tên lửa AIM-54 của F-14).

Khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn của nó được cải thiện đáng kể từ những năm 1990 nhờ tên lửa không-đối-không AIM-120. Các phi đoàn Eagle là lực lượng đầu tiên của Không quân Mỹ được tích hợp mẫu tên lửa này.

Phiên bản mới nhất – AIM-120C được tích hợp các biện pháp chống nhiễu và có tầm bắn 105km. Nó tiên tiến hơn AIM-54 nhưng lại không có tốc độ siêu vượt âm (chỉ dừng ở Mach 4).

Mặc dù tiêm kích F-15C trong biên chế các quân đội nước ngoài vẫn gặp bất lợi lớn về khả năng nhận thức tình huống so với F-14 nhưng F-15 của Không quân Mỹ từ đầu những năm 2010 đã bắt đầu được tích hợp radar quét mảng pha điện tử chủ động Raytheon APG-63(V)3.

Song, những nâng cấp này được tiến hành với tốc độ rất thấp, chỉ 46 chiếc F-15 nâng cấp dự kiến được chuyển giao vào tháng 6/2021 trong tổng số 123 máy bay cần nâng cấp.

Những chiếc F-15 trang bị radar AESA đã được ưu tiên triển khai ở Thái Bình Dương để đối phó với năng lực không quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Do đó, khó có khả năng chúng có thể tham gia đợt triển khai dài hạn tới Trung Đông trong tương lai gần.

Iran không chịu ngồi yên

Mặc dù Mỹ đã nâng cấp các tiêm kích chiếm ưu thế trên không của mình nhưng ngành quốc phòng Iran cũng đã tích cực cải tiến lực lượng F-14 Tomcat để giúp chúng tăng khả năng sống sót – nhất là khi khả năng tác chiến không-đối-không của chúng đang ở trong tình trạng tồi tệ.

Trong số 17 phi đoàn máy bay chiến đấu của Iran, 2 phi đoàn F-14 là lực lượng duy nhất được trang bị cho nhiệm vụ tác chiến không-đối-không tầm xa.

Các máy bay chiến đấu thế hệ 3 mua từ Mỹ, Trung Quốc, và tiêm kích MiG-29 (Liên Xô) của Iran hiện không được trang bị các loại tên lửa không-đối-không hiện đại như R-77 hoặc AIM-120, cũng như các cảm biến thích hợp, khiến chúng gặp bất lợi rất lớn ngay cả khi đối đầu với các chiến đấu cơ hạng nhẹ hơn, và được trang bị ít hơn như F-16 của Israel/Mỹ.

Mỗi chiếc tiêm kích F-14 của Iran đã nhận được 250 cải tiến và nâng cấp, trong đó có tích hợp radar mới, buồng lái hiện đại, các thiết bị tác chiến điện tử vượt trội…

Tehran từng gửi một chiếc F-14 sang Liên Xô để phân tích và kể từ khi thiết lập mối quan hệ quốc phòng thân thiết với Trung Quốc, cò nhiều đồn đoán cho rằng Iran đã nhận được sự hỗ trợ công nghệ từ các bên thứ ba để nâng cấp mẫu tiêm kích do Mỹ chế tạo.

Cùng với việc mở rộng F-14, Iran đã loại biên tên lửa AIM-54 để phát triển mẫu tên lửa nội địa Fakour-90 với tầm bắn 250-300km, trang bị hệ thống dẫn đường và tác chiến điện tử vượt trội.

Một lần nữa, lại có nghi ngờ Iran nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài để phát triển mẫu tên lửa mới. Hiện vẫn chưa rõ Fakour-90 có tốc độ siêu vượt âm như AIM-54 hay không.

Hàng Mỹ đấu hàng Mỹ: F-14 Iran có hạ gục nổi F-15C? - Đáp án nằm ở bí mật công nghệ Nga-TQ - Ảnh 3.

Tên lửa không-đối-không Fakour-90 của Iran

Mèo nào cắn mỉu nào?

Theo trang mạng MW, không có gì có thể đoán chắc được kết quả nếu F-15C và F-14 đối đầu trên bầu trời vịnh Ba Tư. Mặc dù F-14 có phạm vi phát hiện mục tiêu và tầm tấn công xa hơn nhưng tên lửa Fakour-90 có đáng tin cậy như AIM-120C hay không? Hiện chưa thể chắc chắn được, nhất là khi các tiêm kích F-15 của Mỹ có lợi thế về tác chiến điện tử.

Tuy nhiên, sự thành công của Iran khi có được những công nghệ tiên tiến của Nga-Trung Quốc rồi tích hợp chúng vào trong các máy bay chiến đấu và tên lửa của mình có thể sẽ đóng vai trò quyết định xem họ có thể đánh bại được mẫu Eagle hay không.

Giả sử mức độ tin cậy của tên lửa không-đối-không hai phía là ngang ngửa nhau thì F-14 Tomcat vẫn duy trì được lợi thế lớn hơn và có thể bắn ra nhiều tên lửa Fakour-90 trước khi F-15 có thể đến gần và tấn công chúng.

Do Fakour dự kiến có tốc độ nhanh hơn và tầm bắn xa hơn so với AIM-120C nên nó sẽ khó bị phát hiện hơn mẫu tên lửa hạng nhẹ mà F-15 Eagle đang trang bị.

F-22 có thể được triển khai để phá vỡ lợi thế tầm bắn của Tomcat nhờ khả năng tàng hình và tên lửa AIM-120D (tầm bắn 180km) nhưng các máy bay F-15, do không có khả năng tàng hình, vẫn có thể gặp nguy hiểm trước các cuộc tấn công tầm xa.

Chỉ khi F-15 tiếp cận thành công F-14 Tomcat và vẫn duy trì được lợi thế thì tên lửa AIM-9X của chúng – vũ khí lý tưởng cho các trận cận chiến, với tốc độ cao hơn và tầm hoạt động lớn hơn – mới có thể mang lại cho Eagle lợi thế đáng kể trước các máy bay Tomcat Iran.

Sức mạnh tiêm kích F-14 Iran

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại