Suy gan nặng vì uống rượu gừng sau sinh: Chuyên gia y học cổ truyền cảnh báo nhiều tác hại

Ngọc Anh |

Giáo sư Sinh cho biết việc sử dụng rượu gừng sau sinh bằng đường uống vô cùng nguy hiểm cho sản phụ. Rượu gừng cũng không có tác dụng tan mỡ bụng như nhiều chị em lầm tưởng.

Mới đây, Bệnh viện 115 TP.HCM đã cấp cứu cho một sản phụ 26 tuổi (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng suy gan rất nặng, nghi do ngộ độc rượu. Dù các bác sĩ đã cố gắng điều trị nhưng nữ bệnh nhân không qua khỏi.

Theo lời khai ban đầu từ người nhà, từ sau khi sinh con mỗi ngày sản phụ đều uống một ly rượu gừng với mục đích làm ấm bụng như nhiều người xung quanh khuyên.

Rượu này do gia đình trực tiếp ngâm. Tính đến thời điểm tử vong, sản phụ này đã uống liên tục 2 tháng.

Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Phạm Xuân Sinh – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn dược học cổ truyền Trường đại học dược Hà Nội cho biết uống rượu gừng sau sinh là hoàn toàn sai lầm chưa kể sản phụ này còn uống quá nhiều như thế không tốt cho sức khỏe có thể làm mất sữa.

Giáo sư Sinh cho biết theo Đông y, củ gừng khô vị cay, tính ôn; vào các kinh tâm, tỳ, phế và vị. Có tác dụng ôn trung tán hàn, hồi dương thông mạch. Dùng cho các trường hợp đau vùng ngực bụng do lạnh; nôn ói, tiêu chảy; tay chân lạnh, trụy mạch, ngoài ra còn làm thuốc giải độc nam tinh và bán hạ.

Suy gan nặng vì uống rượu gừng sau sinh: Chuyên gia y học cổ truyền cảnh báo nhiều tác hại  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong gia đình, gừng là một gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người Việt, lại cho ta nhiều vị thuốc quý với tên sinh khương, can khương, bào khương.

Các chất trong gừng có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau và giảm ho, chống viêm, kích thích tiêu hóa và có hoạt tính miễn dịch. Phụ nữ sau sinh có thể cho gừng vào nấu các món ăn giống như nghệ và riềng có tính nóng nhưng chỉ ăn lượng rất ít.

Tuy nhiên, với bà đẻ thì không ai khuyến khích ăn nhiều gừng hay uống rượu gừng.

Giáo sư Sinh cho biết với một số người cảm lạnh sau sinh, người ớn lạnh thì có thể ăn cốm gừng, trà gừng với 1 lượng gừng rất nhỏ.

Trái lại, đối với những trường hợp cảm mạo thử nhiệt, cảm mạo phong nhiệt hoặc bị trúng nắng tuyệt đối không cho dùng gừng. Không nên ăn gừng tươi đã bị dập: củ gừng tươi sau khi bị dập sẽ sinh ra một loại độc tố mạnh có thể gây hoại tử các tế bào gan, lâu đàn sẽ biến thành ung thư gan, ung thư thực quản. Mặc dù gừng có nhiều tác dụng nhưng không nên quá lạm dụng.

Còn trường hợp như của sản phụ trên uống rượu gừng liên tục trong vòng 2 tháng thì không được gây hại cho cơ thể ít nhất cũng mất sữa với sản phụ sau sinh.

Theo Y học cổ truyền, rượu có vị cam khổ tân ôn, có độc, vào tâm, can, phế, vị. Có tác dụng thông kinh, khai vị, trợ tiêu hóa, khu phong tán hàn, thấp tý...Tuy nhiên, rượu lại cấm kỵ với những người âm hư, thấp nhiệt. Đó là còn chưa kể tới nguy cơ ngộ độc do rượu chứa cồn công nghiệp methanol.

Hơn nữa, uống thêm rượu gừng thì có thể sinh ra các chứng táo bón, nổi mụn, đau đầu, tức ngực, phiền muộn, tiểu nóng...Còn uống rượu gừng liên miên 2 tháng thì không nên dù ít nhiều.

Ngoài ra, giáo sư Sinh cũng cho biết nhiều người cho rằng sau sinh bôi rượu gừng, nghệ hạ thổ để tan mỡ bụng, giảm eo điều này hoàn toàn không đúng vì gừng nóng, nghệ nóng cũng không thể đánh tan được mỡ bụng nếu chỉ bôi ngoài da mà không có luyện tập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại