Ở giải M-150 Cup đang diễn ra tại Thái Lan, ngoài U23 Việt Nam và chủ nhà sử dụng đội hình mạnh nhất thì cả 4 đội tuyển còn lại gồm Nhật Bản, Triều Tiên (bảng A) và Myanmar, Uzbekistan (bảng B) đều chỉ mang sang xứ Chùa Tháp lực lượng rất mỏng và yếu so với tiềm lực của chính họ.
Đáng chú ý phải kể tới U23 Triều Tiên. Tưởng chừng quốc gia này sẽ đem sang Thái Lan lực lượng mạnh để cọ sát trước VCK U23 châu Á 2018 (khi cùng bảng với Thái Lan, Nhật Bản) thì rốt cục họ lại làm điều hoàn toàn trái ngược.
Trước khi tham dự giải M-150, việc tìm kiếm thông tin về U23 Triều Tiên luôn là điều gây khó khăn với các đối thủ. Tại vòng loại U23 châu Á 2018, Triều Tiên giành ngôi đầu bảng G với 7 điểm. Họ thắng đậm Đài Bắc Trung Hoa và Lào nhưng lại chỉ có trận hòa 1-1 trước Hong Kong.
U23 Triều Tiên (áo đỏ) tỏ ra quá yếu đuối khi để thua lứa U20 của Nhật Bản tới 0-4
Nhìn chung, vòng loại này chưa thể đánh giá hết trình độ của Triều Tiên và các đối thủ Thái Lan hay Nhật Bản có lý do để hy vọng rằng U23 Triều Tiên sẽ dự giải M-150 với một đội hình chất lượng và khả năng của họ sẽ được bộc lộ hết ở Buriram.
Song kịch bản đó lại bị phá sản khi U23 Triều Tiên đã sang Thái Lan mà không có 2 cầu thủ quan trọng nhất là tiền đạo So Jong Hyok và tiền vệ Kim Yu Song.
Ở trận mở màn với U23 Nhật Bản (thực chất là lứa U20), Triều Tiên sử dụng hàng công có phần chắp vá với 2 tiền đạo không được đánh giá cao là Kim Nam Il và An Song Il. Rốt cục, Triều Tiên đã để thua đội bóng trẻ của Nhật Bản tới 0-4, cho dù Nhật Bản cũng chẳng mạnh mẽ gì là mấy (để thua Thái Lan 1-2 ngày mở màn).
Đội hình của U23 Triều Tiên không có những ngôi sao nổi bật nhất.
Điều tương tự xảy ra với U23 Uzbekistan. Đội bóng này cũng có thành tích toàn thắng ở bảng D vòng loại U23 châu Á 2018 trước U23 UAE, U23 Lebanon và U23 Nepal. Họ ghi được 7 bàn và chỉ thủng lưới 1 lần duy nhất. Thế nhưng, màn trình diễn vừa qua trước Myanmar đã khiến người hâm mộ đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng họ sang Thái dự giải M-150 chỉ để "cho có"?
Về mặt lực lượng, U23 Uzbekistan sang Buriram mà không có một số trụ cột như tài năng trẻ Dostonbek Khamdanov (CLB Bunyodkor), cầu thủ lọt top 100 ngôi sao trẻ triển vọng nhất của thế giới năm 2016 và hậu vệ cánh Rustamjov Ashurmatov (CLB Bunyodkor).
Ở trận đấu mở màn gặp Myanmar, U23 Uzbekistan cũng không có sự góp mặt của tiền đạo được đánh giá khá cao là Andrey Sidorov hay hậu vệ Islomjon Kobilov.
Giống với Triều Tiên, U23 Uzbekistan cũng sang Thái Lan với dàn cầu thủ bị đánh giá có chất lượng không cao.
Việc thi đấu với đội hình không phải mạnh nhất đã khiến U23 Uzbekistan vô cùng chật vật trước một Myanmar cũng chắp vá. Hệ quả là Uzbekistan để Myanmar dẫn 2-0 và còn phải nhận 1 thẻ đỏ. May mắn là sau đó Myanmar đã có phần chủ quan và bị đuối về thể lực nên đội bóng xứ Trung Á mới kịp gỡ hòa 2-2.
Nhìn chung, có thể thấy cả U23 Triều Tiên và Uzbekistan đều đang tỏ ra không quá mặn mà với giải M-150 Cup và chỉ mang sang Thái dàn cầu thủ với chất lượng không cao. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với Việt Nam và Thái Lan khi cả hai đều sử dụng những quân bài tốt nhất.
Phải chăng, thay vì có thể cọ xát và thăm dò đối thủ, cả Việt Nam lẫn Thái Lan đều đang cùng chung số phận "bợm già mắc bẫy cò ke" trước hai đối thủ trên cơ là Uzbekistan và Triều Tiên?
Đội hình ra quân của Uzbekistan trước Myanmar không được đánh giá cao.
Chiều mai (13/12), U23 Việt Nam sẽ đối đầu với U23 Uzbekistan. Chỉ cần hòa là thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ giành nhất bảng B đồng nghĩa với suất tranh chức vô địch ở giải M-150.
Vòng bảng M150 Cup: U20 Nhật Bản 4-0 U23 Triều Tiên