Nội bộ chính quyền và xã hội Mỹ chia rẽ
Quyết định của Tổng thống Donald Trump ngày 6/12/2017 công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel đang làm chia rẽ trong nội bộ chính quyền và xã hội Mỹ. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến do hãng CNN tổ chức ngày 20/12/2017 cho biết, 45% người dân Mỹ bác bỏ việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, 44% ủng hộ quyết định của Tổng thống Donald Trump.
James Mattis, một nhân vật đầy quyền lực trong chính quyền Mỹ tại phiên điều trần trước Ủy ban quân sự Quốc hội Mỹ trước khi được phê chuẩn quyết định bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng đã bác bỏ việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Ông quả quyết: "Thủ đô của Israel mà tôi sẽ đến thăm là Tel Aviv". Ông James Mattis cũng đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ giải pháp hai nhà nước và bác bỏ các khu định cư Do Thái.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng có quan điểm khác với Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Paris mới đây, ông Rex Tillerson nói: "Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về Jerusalem không có nghĩa là quy chế cuối cùng của thành phố này đã được định đoạt. Quy chế cuối cùng của Jerusalem sẽ phải do Israel và Palestine thỏa thuận qua các cuộc đàm phán. Việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem cần phải có thời gian, không thể trong năm nay và cũng có thể không phải vào năm tới".
The New York Times số ra ngày 7/12/2017 cho biết 9 trong tổng số 11 Đại sứ của Mỹ đã từng làm việc ở Israel từ trước tới nay, trong đó có Đại sứ mới đây nhất Martin S. Indyk đã không tán thành và coi quyết định của Tổng thống Donald Trump coi Jerusalem là Thủ đô của Israel là một bước đi sai lầm nghiêm trọng và nguy hiểm.
Người dân Palestines dữ dội phản đối quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters
Quyết định gặp phải sự phản đối của chính người Israel
Theo báo Haretz của Israel số ra ngày 25/12/2017, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, 25 nhân vật có danh tiếng của Israel gồm các cựu Đại sứ Ilan Baruch, Alon Liel, Alie Barnavi, các viện sỹ hàn lâm và các nhà hoạt động hoà bình đã gửi thư lên Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt phản đối quyết định này.
Bức thư có đoạn viết: "Quy chế thành phố Jerusalem là vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột Palestine-Israel phải được quyết định trong khuôn khổ một giải pháp toàn diện. Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel là coi thường khát vọng của người Palestine, làm sâu sắc thêm các bất đồng giữa hai phía và có thể dẫn đến bùng nổ toàn khu vực".
Quyết định làm cho các nước Ả rập và Hồi giáo đoàn kết hơn
Sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Palestine đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi chưa từng có sau tuyên bố công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel của Tổng thống Donald Trump. Một làn sóng phản đối quyết định này đã bùng nổ tại khu vực Trung Đông và trên khắp thế giới.
Liên đoàn Ả rập AL, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo OIC, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã họp phiên khẩn cấp phản đối quyết định này của Tổng thống Donald Trump và khẳng định một giải pháp lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột phải bao gồm việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với Thủ đô là Đông Jerusalem bên cạnh Nhà nước Israel. Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu EU cũng ra tuyên bố với nội dung tương tự.
Đặc biệt ngày 18/12/2017 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel với 14 phiếu thuận và chỉ một nước duy nhất phủ quyết là Mỹ. Tiếp ngay sau đó, ngày 21/12/2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã bỏ phiếu phản đối Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel với 128 nước bỏ phiếu thuận, 9 nước phiếu chống 35 nước phiếu trắng và 21 nước không tham gia bỏ phiếu.
Đáng lưu ý là mặc dù Mỹ dọa cắt viện trợ và trừng phạt những nước bỏ phiếu không ủng hộ M, nhưng không vì thế mà các nước bán rẻ chủ quyền và danh dự quốc gia của mình. Chính những nước nhận viện trợ nhiều nhất của Mỹ là Afghanistan, Iraq, Ai cập, Jordan... bất chấp lời đe dọa của Mỹ đã bỏ phiếu phản đối quyết định của Mỹ.
Trong khi đó ngoài Mỹ và Israel chỉ có 7 nước bỏ phiếu chống, ủng hộ Mỹ. Đây là những nước rất nhỏ bé như Nauru với dân số chỉ có 9.500 người, Palau 21.198 người, Marshall Islands 71 ngàn người và Micronesia 105 ngàn người. Những nước này hầu như không có vai trò gì đáng kể trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Mỹ là một nước mạnh nhất thế giới, không ai có thể trừng phạt Mỹ nhưng với quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, Mỹ đã tự cô lập mình và tự đặt mình đối đầu với toàn thế giới. Mỹ đã mất hết niềm tin với tư cách mà người bảo trợ cho tiến trình hoà bình Trung Đông giữa Israel và Palestine.
Người đời có câu danh ngôn "Mất tiền là mất ít, mất niềm tin là mất tất cả". Có thể nói Mỹ đang phải chịu một thất bại lớn về ngoại giao.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.