Su-35 "khóa chết" F-22 ở Syria: Lời nói dối trắng trợn của phi công Nga?

Trung Phạm |

Nếu hình ảnh chụp chiếc tiêm kích F-22 bị "khóa chặt" là thực, thì rõ ràng phi công lái Su-35 Nga đã vi phạm nguyên tắc bí mật khi công bố dữ liệu quân sự mà không hề được phép.

Thông tin chấn động: Su-35 "tóm sống" F-22 ở Syria!

Cuối tháng 9/2018, mạng Internet, nhất là các trang tin về quân sự - quốc phòng thế giới lan truyền một câu chuyện khá thú vị.

Một người tự xưng là phi công Nga (có thể đã nghỉ hưu), lái một trong những chiếc tiêm kích hiện đại nhất của Moscow - Su-35, tuyên bố đã khóa chặt (và giành chiến thắng) trong một cuộc đối đầu với chiếc F-22 Raptor, loại máy bay chiến đấu tàng hình đầu bảng của Mỹ.

Vụ đụng độ này, nếu có thực, chắc chắn phải diễn ra ở Syria bởi đây là địa bàn duy nhất mà cả hai loại máy bay trên được triển khai.

Để minh chứng cho tuyên bố của mình, viên phi công Nga đã cho đăng tải trên tài khoản Instagram cá nhân hình một bức ảnh của chiếc F-22 do hệ thống Tìm kiếm và Theo dõi hồng ngoại (IRST) OLS-35 Su-35 chụp được. Đó là một bức hình mờ rất đặc trưng của các ảnh chụp bằng hồng ngoại.

Su-35 khóa chết F-22 ở Syria: Lời nói dối trắng trợn của phi công Nga? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-22 bị hệ thống OLS-35 trên Su-35 "tóm sống". Ảnh: Reddit

Trong phần bình luận đăng kèm, phi công Nga nói rằng tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ đã bay rất "ngạo mạn" và phải bị "trừng phạt" bởi thái đội này!

Khi đưa tin về câu chuyện trên, truyền thông phương Tây tập trung khai thác theo khía cạnh, nếu bức ảnh đó là thực, thì Su-35 có thể sẽ trở thành mối lo ngại rất lớn với Không quân Mỹ vì F-22 vẫn được đánh giá ưu việt hơn.

Còn tại Nga, giới truyền thông "hồ hởi" cho rằng báo chí phương Tây đã thừa nhận Su-35 là loại chiến đấu cơ tốt hơn. Từ quan điểm chính thức, Lầu Năm Góc tuyên bố họ không hề biết gì về vụ việc.

Lật tẩy những bằng chứng phi lý

Thế nhưng, sau tất cả, vẫn có cái gì đó "sai sai" khi xem xét kỹ chính bản thân bức ảnh và không gian được chụp xung quanh nó. Dường như có điều gì đó khá kỳ dị.

Đầu tiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa hoàn toàn rõ liệu hệ thống IRST OLS-35 của Su-35 có thực sự chụp được các ảnh hồng ngoại hay không. Thực tế, chỉ có rất ít hệ thống có thể làm được điều đó, còn các hệ thống khác chỉ sử dụng cảm biến hồng ngoại để phát hiện điểm nhiệt rồi ra tín hiệu cho một camera thông thường kiểu TV chụp ảnh mục tiêu.

Các tài liệu kỹ thuật của Janes Defence Weekly - tuần báo quốc phòng uy tín trên thế giới khi rà soát chi tiết rất nhiều IRST đều cho rằng, mặc dù một vài hệ thống có khả năng cung cấp ảnh hồng ngoại nhưng OLS-35 của Nga thì lại không thấy đề cập tới.

Su-35 khóa chết F-22 ở Syria: Lời nói dối trắng trợn của phi công Nga? - Ảnh 2.

Hệ thống OLS-35 là ống kính hình cầu bên phải buồng lái của phi công

Bộ phận hồng ngoại của OLS-35 được mô tả là một dải đầu dò, phù hợp với hệ thống phát hiện điểm nhiệt hơn là hệ thống chụp ảnh. Nhưng hãy cứ cho là OLS-35 có khả năng chụp ảnh hồng ngoại đi thì bản thân nội dung bức ảnh cũng có vấn đề.

Ở phông nền, người xem có thể nhìn thấy rất rõ các con đường, nghĩa là Su-35 phải soi rọi F-22 từ trên cao. Một chi tiết nữa cũng hiển thị rõ nét là hình chữ nhật mờ mờ trên tiêm kích F-22 của Mỹ, dường như là cửa hút khí động cơ dưới thân cánh.

Tuy nhiên, muốn chụp được cửa hút khí dưới cánh thì chiếc F-22 phải bay lộn ngược. Nhưng tại sao phải làm như vậy khi "giao chiến" với một máy tiêm kích phản lực Nga đang hoạt động tại địa bàn thù địch ở Syria?

Có thể, cuộc đụng độ đã buộc chiếc Raptor phải bay đảo ngược để "tỏ lòng tôn kính" với phi công siêu đẳng Maverick trong phim Top Gun chăng? Nếu như vậy, thì tại sao chỉ chụp được một cửa hút khí trong khi F-22 có tới 2 cửa? Hay chiến thuật phi công Nga siêu phàm tới mức chúng buộc máy bay Mỹ phải tiêu tan?

Su-35 khóa chết F-22 ở Syria: Lời nói dối trắng trợn của phi công Nga? - Ảnh 3.

Hình ảnh trên tài khoản Instagram của phi công Nga cho thấy rất rõ cửa hút khí dưới thân cánh chiếc F-22

Nhưng giả sử cứ cho đó chỉ là lỗi không tương xứng về kỹ thuật hình ảnh đi, thì điều này lại dẫn tới vấn đề thứ 3: Tại sao phía Mỹ không thừa nhận thông tin gì cả?

Thông thường, Lầu Năm Góc chẳng hề ngần ngại phản đối ngay lập tức những pha bay lượn thiếu chuyên nghiệp của các máy bay Nga khi ngăn chặn chiến cơ Mỹ. Với những vụ kiểu như thế này, chắc chắn Mỹ sẽ phát đi hàng loạt phản đối chứ không thể im lặng như vậy.

Nhưng cứ cho là điều này vẫn có thể giải thích được với lý do: Mỹ không dám lên tiếng là lo sợ "Gấu" Nga! Nhưng đến đây thì lại nảy sinh vấn đề thứ tư: Thiếu tính chuyên nghiệp, không chỉ với riêng vụ chụp ảnh.

Nếu hình ảnh trên là thực, thì rõ ràng một quân nhân của Các lực lượng Vũ trang Nga đã công bố dữ liệu cảm biến quân sự mà không hề được phép.

Những thông tin như vậy luôn được coi là bí mật và chỉ được công khai sau khi các cơ quan chức năng đã rà soát kỹ lưỡng, bởi nếu không, nó sẽ có nguy cơ để lộ các khả năng cảm biến mà nhờ đó đối phương sẽ tìm được cách đánh bại.

Một bức ảnh đăng tải trên Instagram dường như để chứng tỏ rằng, một trong những máy bay hiện đại nhất của Nga đã phát hiện được một trong những phương tiện nhạy cảm nhất của Mỹ "tốt tới mức nào".

Thế nhưng, đó sẽ chỉ là hành động vô cùng thiếu chuyên nghiệp khi một quân nhân lại dám đem cả sự an toàn của các phi công đồng nghiệp đánh đổi lấy trò "câu view" trên mạng xã hội. Vậy thì có thể tin nổi không?

Một phi công Nga, sử dụng các cảm biến mà chắc gì máy bay của anh ta đã có, để chụp ảnh một chiến đấu cơ bay lộn ngược rồi biến mất, trong một vụ đụng độ mà người Mỹ nói rằng chưa bao giờ xảy ra, rồi sau đó phát tán bằng chứng lên Internet gây rủi ro cho tính mạng của đồng đội và có thể là cả bản thân anh ta. Tin nổi không?

Thế nên, trước khi quá lo lắng về khả năng vượt trội của Su-35 so với F-22 Raptor, có lẽ trước hết cần phải ứng xử với bức ảnh được công bố một cách rất cẩn trọng, thậm chí còn phải cẩn trọng hơn cả điển tích "con ngựa thành Troy".

Những pha nhào lộn ngoạn mục của Su-35

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại