Sputnik: Việt Nam quan tâm tàu hộ vệ Dự án 20385 tối tân của Nga, đóng thêm Molniya 1241.8

Sao Đỏ |

Trên trang Sputnik tiếng Việt, tác giả Dmitry Shorkov đã tổng kết tình hình mua sắm vũ khí Nga của Việt Nam trong năm 2017 vừa qua.

Theo ông Dmitry Shorkov, trong năm 2017, Nga và Việt Nam đã hoàn thành hợp đồng cung cấp 4 tàu hộ vệ tên lửa 2.000 tấn lớp Gepard 3.9, chúng ta đã nhận chiếc thứ ba vào tháng 10 và dự kiến chiếc thứ tư sẽ về đến cảng Cam Ranh vào giữa tháng 1 năm 2018.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tiếp nhận nốt vào biên chế 2 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 được thi công tại Nhà máy đóng tàu Ba Son theo hợp đồng ký với Rosoboronexport từ năm 2006, đưa số lượng chiến hạm này của Hải quân Việt Nam lên tới con số 8.

Sputnik: Việt Nam quan tâm tàu hộ vệ Dự án 20385 tối tân của Nga, đóng thêm Molniya 1241.8 - Ảnh 1.

Số lượng Gepard 3.9 của Việt Nam có thể sẽ dừng lại ở con số 4

Sau khi điểm lại hợp đồng vũ khí đã hoàn thành, tác giả Dmitry Shorkov còn thông tin thêm về các thương vụ được đánh giá là triển vọng trong tương lai.

Theo đó, Việt Nam có thể sẽ chỉ đặt hàng 4 tàu Gepard 3.9 do chúng có hệ thống phòng không không đủ mạnh để đảm bảo an toàn trước các cuộc tập kích đường không ở ly xa. Do vậy mà Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm tới chiến hạm thuộc Dự án 20380 và 20385 với khả năng tác chiến chống tàu ngầm và phòng không vượt trội.

Ông Dmitry Shorkov cũng dẫn lại phát biểu của Chuẩn Đô đốc Vladimir Bogdashin với ý kiến tương tự rằng hệ thống phòng không của Gepard 3.9 mới chỉ dừng ở mức tự vệ, Việt Nam cần có chiến hạm với tầm bao quát trên không trong khoảng 150 - 180 km và trong tất cả các khả năng thì tàu hộ vệ Dự án 20385 lớp Gremyashchiy tỏ ra là phương án hợp lý nhất.

Sputnik: Việt Nam quan tâm tàu hộ vệ Dự án 20385 tối tân của Nga, đóng thêm Molniya 1241.8 - Ảnh 2.

Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 của Hải quân Việt Nam

Trái ngược lại với Gepard 3.9 là trường hợp các tàu Molniya 1241.8, tác giả Dmitry Shorkov thông tin rằng hợp đồng năm 2006 bao gồm điều khoản bổ sung xây dựng thêm 4 tàu loại này tại Việt Nam, và từ năm 2015 đã trở thành hợp đồng "cứng".

Điều đó cũng trùng khớp với thông tin được trang Sputnik đăng tải hồi tháng 11 năm 2017, khi hãng thông tấn này dẫn lại lời của đại diện Nhà máy đóng tàu đóng tàu Vympel của Nga cho biết, họ đang thảo luận với Việt Nam về việc cung cấp thêm 4 tàu tên lửa Molniya 1241.8 tiếp theo.

Như vậy sau nhiều dự đoán xung quanh số phận dự án Molniya 1241.8 như Việt Nam có thể bỏ qua lớp tàu trên để tiến thẳng lên Buyan-M hay thậm chí là Karakurt thì với diễn biến trên, dễ nhận thấy rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng mới thêm 4 tàu tên lửa tấn công nhanh "Tia chớp".

Việc được bổ sung các lớp chiến hạm cỡ trung bình và nhỏ có hỏa lực mạnh mẽ và năng lực tấn công lẫn phòng thủ đa dạng trong tương lai chắc chắn sẽ khiến cho sức mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam có bước phát triển vượt bậc.

Tàu hộ vệ tên lửa Gremyashchiy - Dự án 20385 được hạ thủy tại Nhà máy đóng tàu Severnaya Verf

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại