Hình ảnh lúc 6h sáng chen nhau chờ khám ở Bệnh viện K Hà Nội.
Ung thư ngày càng trẻ hoá
Theo mạng lưới phòng chống ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mới mắc ung thư và 75.000 người tử vong vì căn bệnh này, tức 205 người chết mỗi ngày và con số này dự báo sẽ ngày càng tăng cao.
Nguyên nhân chính khiến số người Việt chết vì ung thư tăng cao có liên quan đến lối sống hàng ngày.
Các bác sĩ đều cho rằng 90% ung thư do môi trường, lối sống như ăn quá mặn, ăn nhiều đồ ăn fasfood, ăn đồ chiên rán, dưa khú, uống bia rượu, hút thuốc lá, môi trường ô nhiễm, ô nhiễm hoá chất.
Còn lại 10% là do di truyền (đột biến gen).
Cùng đó, Giáo sư Mai Trọng Khoa- Giám đốc Trung tâm ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người Việt chủ yếu mắc các bệnh ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng, gan, vú và ung thư vòm họng.
Trong số đó, các bệnh ung thư vùng đầu - cổ gặp khá nhiều, nổi bật là ung thư vòm, hạ họng - thanh quản, lưỡi và khoang miệng.
Những bệnh ung thư này gắn chặt với lối sống quá gấp, ăn uống bừa phứa của người Việt hiện nay.
Còn Bác sĩ Phạm Xuân Dũng – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì lo lắng, dù chưa có thống kê cụ thể nào nhưng đã đến lúc cần cảnh báo bệnh ung thư đang ngày càng trẻ hoá.
Các bác sĩ đã ghi nhận nếu như ngày xưa bệnh ung thư chỉ gặp ở người già, trung niên thì đến nay bệnh đã gặp ở người trẻ.
Ví dụ, ung thư vòm họng 30 tuổi đã bị, ung thư phổi, ung thư gan và ung thư dạ dày 19 – 20 tuổi đã có.
Dù bệnh ung thư phải có thời gian dài hình thành và phát triển nhưng nó đã thể hiện rõ tình trạng mô hình bệnh tật ở Việt Nam đã thay đổi.
Tiểu đường tăng gấp 3 lần
Phó giáo sư Tạ Văn Bình – Nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương chia sẻ, nếu như 20 năm trước đây bệnh tiểu đường rất ít người quan tâm thì đến nay nó trở thành “đại dịch”.
Không chỉ thế, bệnh nhân còn trẻ hoá đến mức kinh khủng bởi vì có những bệnh nhân mới có 9 – 10 tuổi đã bị tiểu đường tuýp 2.
Anh Nguyễn Văn Khương, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội, dù mới 40 tuổi nhưng đang mang trong mình vô số bệnh mãn tính tiểu đường, tăng huyết áp…
Anh Khương cho biết mình phát hiện bệnh tiểu đường 3 năm nay khi thấy bản thân mệt mỏi thường xuyên.
Khi đi khám thử, đường huyết, bác sĩ thấy đường huyết khi đói của anh rất cao, 13 ml/mol, nên khuyên anh theo dõi. Cộng với đó, triệu chứng huyết áp cao khiến da anh lúc nào cũng đỏ au.
Giọng anh trĩu nặng bởi vì trước đến nay anh không bao giờ quan tâm tới sức khoẻ của mình. Lúc còn khoẻ anh làm tất cả để có tiền nhanh nhất.
Anh chưa bao giờ dành cho mình một bữa cơm đúng nghĩa. Buổi trưa gọi tạm mấy thứ nào đó về ăn cho thật nhanh.
Hai mươi năm trôi qua, anh giật mình vì chưa khi nào có ý thức tập thể dục, luyện tập sức khoẻ.
PGS Bình cho biết như anh Khương không phải hiếm. Có những người chỉ khi mắc bệnh rồi mới thấy hối tiếc.
Hiện nay, bữa ăn đầy năng lượng đã khiến cơ thể dư thừa chất, trong khi năng lượng tiêu hao cho hoạt động thể lực thì giảm đi.
Chính năng lượng dư thừa đó đã tạo ra những bệnh chuyển hóa, trong đó đặc biệt là bệnh đái tháo đường.
PGS Bình nhấn mạnh bệnh tiểu đường sẽ tiếp tục tăng hơn nữa khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng và càng ngày càng nhiều người tại Việt Nam chuyển sang lối sống thành thị hiện đại.
Số người chết vì ăn quá nhiều đang gia tăng thay vì chết do đói.