Sốt cao, vẫn nhập cảnh bình thường
Ông B - chủ DN ở Đà Nẵng, người đã đầu tư và đưa LĐ Việt Nam sang Conakry (Guinea) làm việc - cho biết, từ khi xuất hiện và bùng phát dịch bệnh Ebola ở Guinea, từ tháng 2-3.2014 đến nay, ngoài ông, Cty này đã có ít nhất 4 người phải lần lượt trở về nước. Dù là nơi xuất hiện dịch bệnh Ebola đầu tiên rồi bùng phát, lây lan sang các nước khác trên thế giới, nhưng không khí lo âu dịch bệnh tại Guinea không thái quá như ở Mỹ và cả Việt Nam. Người dân vẫn sống, sinh hoạt bình thường. Dẫu vậy, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN, phần khác lo âu cho sức khoẻ NLĐ, nên từ tháng 3.2014 đến nay, ông B đã lần lượt cho các công nhân (CN) của mình về nước.
Tháng 4.2014, có 2 CN về VN qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Dù không sốt và không có biểu hiện nào về dịch bệnh, song sau khi khai báo là họ trở về từ Guinea, lập tức ngành y tế đã tiếp cận, lên lịch theo dõi chặt chẽ, liên tục điện thoại để nhắc họ đo thân nhiệt, kiểm khám sức khoẻ, phòng có biểu hiện sốt…
Còn lần này, 2 CN của ông B tiếp tục trở về VN, xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đã khai báo rõ là về từ Conakry (Guinea), trong đó C đang sốt cao, song không có bất cứ sự kiểm soát nào của bộ phận kiểm dịch y tế tại sân bay. Ông B bức xúc: “Tôi không chỉ có trách nhiệm lo cho nhân viên của mình, mà còn ngại cho cộng đồng. Nếu C bị nhiễm Ebola thì khó kiểm soát kịp bởi C đã phải ngủ lại 1 đêm ở TPHCM, bay về Đà Nẵng, ngủ tại một KS khác, đến khi tái sốt mới vào BV Hoàn Mỹ… Với việc về nước, di chuyển và tiếp xúc nhiều người, nếu nhiễm bệnh thì rất nguy hiểm cho cộng đồng.
Kiểm dịch tại sân bay lỏng lẻo?
T - người đã cùng C trở về từ Conakry (Guinea) - kể: “Lịch bay bọn em là 25.10, song sân bay Conakry bị sự cố, chuyến bay hoãn đến 26.10, hành khách phải ngủ lại KS tại sân bay. Đến 4 giờ 27.10 mới bay sang Marocco. Vì trễ cả ngày, nên bọn em bị lỡ chuyến bay chuyển tiếp sang Doha - Qatar để về VN. Vì các hãng đổ lỗi cho nhau nên bọn em đã phải ngủ lạnh một đêm tại ghế phòng chờ.
Ngành Y tế Đà Nẵng đã “báo động đỏ” về ca nghi nhiễm bệnh Ebola.
Có lẽ do bị nhiễm lạnh, nên C đã sốt cao. Em cho C uống 2 viên Paradol. Hôm sau, 28.10 bọn em được bố trí khách sạn và C đỡ sốt. Sáng 29.10, khi lên chuyến bay sang Doha (Qatar), C bị sốt lại. Từ đó, bọn em chờ thêm 2 tiếng để bay tiếp về TPHCM. Từ Doha đến khi xuống Tân Sơn Nhất, C đều sốt cao, nhưng không hiểu sao vẫn được nhập cảnh bình thường”.
T kể, khi làm tờ khai nhập cảnh, bọn em ghi rõ hành trình trở về từ Conakry, Guinea. Trên bàn kiểm dịch y tế tại SB Tân Sơn Nhất cũng thấy có máy đo thân nhiệt giống súng như các SB khác, song cán bộ y tế ở đây không dùng, gí vào đầu từng người để đo như các SB trước bọn em đã qua. Đêm 29.10, T và C ngủ lại KS Thịnh Thành (10/11A, Xuân Diệu, Q.Tân Bình, TPHCM), C đã sốt cao cả đêm, T đã phải mua thuốc hạ sốt để hôm sau cả 2 bay về Đà Nẵng. Đến trưa 1.11, khi tái sốt, C mới vào nhập viện Hoàn Mỹ.
Lúc đó T đến thăm, khai báo là họ đã cùng về từ Conakry, Guinea. Lúc này BV Hoàn Mỹ mới hốt hoảng, di tản hết bệnh nhân ở phòng cấp cứu, đưa C vào khoa Y học nhiệt đới, BV Đà Nẵng để điều trị cách ly. Ngành y tế Đà Nẵng bị báo động đỏ. “Em đã chứng kiến các em bé bị nghi nhiễm Ebola ở Conakry, dù sau đó được kết luận không bị bệnh, song cộng đồng kỳ thị, xa lánh. Vì vậy, bọn em rất sợ bị công bố danh tính bệnh nhân vừa mới nghi nhiễm bệnh cho báo chí. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho bọn em.
Bệnh nhân nghi nhiễm Ebola tại Đà Nẵng: Âm tính với virus Ebola
Lúc 16h40 ngày 2.11, BS Ngô Thị Kim Yến - Phó GĐ Sở Y tế TP.Đà Nẵng - cho biết, kết quả 2 lần xét nghiệm Real time PCR của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho thấy, bệnh nhân C (SN 1988, quê xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá) âm tính với virus Ebola. “Bệnh nhân này đang được điều trị theo phác đồ điều trị sốt rét và đến khi nào sức khoẻ ổn định, hết sốt thì sẽ xuất viện” - BS Yến nói.
PHƯỚC TÍN