Xem phản ứng "sởn gai ốc" của lá phổi khi hút thuốc lá

G.M |

Thí nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về tác hại của thuốc lá đến lá phổi của chúng ta.

Chỉ cần hút thuốc lá  trong vòng 5 phút, bạn đã đưa vào cơ thể khoảng 4.000 hợp chất khác nhau, trong đó có tới gần 70 chất hóa học có khả năng gây ung thư.

Trước đây, một giáo viên sống tại Hồng Kông đã tiến hành cuộc thử nghiệm với hai mẫu phổi heo khỏe mạnh đã chỉ ra sự nguy hiểm của việc hút thuốc lá.

Theo đó, thầy giáo đã đưa hai mẫu phổi vào hai lồng kính riêng biệt mô tả cách hít thở của con người.

Phần cuống phổi "hút" 60 điếu thuốc có nhiều mảng tối.
Màu sắc khác biệt của hai lá phổi hút thuốc (bên phải) và không hút thuốc lá (bên trái).

Các mẫu phổi đều được bơm không khí vào và hút ra, một mẫu được thử nghiệm hút 60 điếu thuốc lá, mẫu còn lại để bình thường.

Kết quả là, mẫu phổi "hút" 60 điếu thuốc sẽ có cuống phổi chuyển màu cùng những mảng đen đọng lại; màu sắc của lá phổi này cũng chuyển từ hồng sang xám.

Mới đây, một thí nghiệm khác cũng được đưa ra nhằm đem đến cho người xem cái nhìn rõ nét hơn về sức tàn phá của thuốc lá đến lá phổi con người.

Tác giả thí nghiệm đã thổi khí vào hai lá phổi được chuẩn bị sẵn và so sánh quá trình hô hấp của lá phổi bình thường và lá phổi đã đổi màu đen do hút thuốc lá.

Qua đó, người xem có thể nhận thấy lá phổi đen có độ căng kém hơn khi được bơm không khí so với lá phổi còn lại.

Cùng với đó, nhịp đập hô hấp của lá phổi màu đen - đại diện cho lá phổi của người hút thuốc lá cũng yếu và chậm hơn lá phổi hồng của người khỏe mạnh, không hút thuốc.

Các chuyên gia lý giải rằng, hệ thống hô hấp trong cơ thể chúng ta có một số hàng rào bảo vệ để chống lại virus, vi khuẩn, chất gây kích ứng từ ngoài vào trong phổi.

Khí quản và tổ chức phổi sản xuất ra chất nhầy, hỗ trợ cho việc "quét" các chất bẩn ra ngoài. Hỗn hợp chất nhầy này được hệ thống lông nhỏ li ti gọi là lông mao chịu trách nhiệm lay động và chuyển các chất bẩn ra ngoài.

Tuy nhiên, khi khói thuốc đi vào qua miệng, người hút thuốc đã vô tình bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất đó là quá trình lọc ở mũi.

Cùng với đó, người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút thuốc, việc loại bỏ, hút chất đờm này ra khỏi đường hô hấp cũng không đơn giản.

Điều này là do hệ thống lông mao trong khí quản đã trở nên quá yếu ớt và bị giết chết bởi khói thuốc.

Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc tuyến tiết nhầy, khiến cho chất nhầy ở những người hút thuốc bị tắc lại, làm giảm khả năng bài tiết đờm.

Hậu quả là chất nhầy ở những người hút thuốc càng bị nhiễm bởi chất độc hại, lưu giữ trong phổi nhiều hơn, cản trở quá trình lưu thông khí.

Không những thế, phổi của người hút thuốc lá bị giảm diện tích bề mặt và mao mạch, điều này đồng nghĩa với việc, dòng máu lưu thông qua phổi giảm.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lượng oxy, chất dinh dưỡng cung cấp tới phổi và tổ chức khác trong cơ thể yếu đi.

Chưa hết, khói thuốc lá còn khiến cho đường thở bị co thắt, dẫn đến việc luồng khí hít vào, thở ra của người hút thuốc bị cản trở. Đây là nguyên nhân khiến cho người hút thuốc đôi khi bị khó thở, nghẹt tiếng, chóng mặt...

Bạn có biết, 90% ca ung thư trên thế giới có liên quan tới thuốc lá. Do đó, thời gian bỏ thuốc lá càng dài, cơ thể càng trở nên khỏe mạnh. Có một sự thật ít ai ngờ rằng, cơ thể bạn sẽ "hồi sinh từng phút" ngay khi bạn bỏ thuốc lá.

Chỉ sau 20 phút bỏ thuốc, nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ trên bàn tay, bàn chân đã trở lại mức độ bình thường. Sau một năm từ bỏ thuốc lá, nguy cơ về các bệnh động mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim sẽ giảm một nửa so với người hút thuốc lá.

Trong vòng 5 năm tiếp theo, nguy cơ đột quỵ sẽ trở lại mức như người không hút thuốc lá. Sau 10 năm, nguy cơ bị ung thư phổi sẽ chỉ còn 30 - 50% so với người vẫn hút thuốc. Bởi vậy, bạn hãy từ bỏ thuốc lá trước khi quá muộn.

* Share bài viết này tới những người hút thuốc lá xung quanh bạn để có thể giúp mọi người hiểu thêm phần nào tác hại của hút thuốc.

Một số gợi ý cho việc cai thuốc lá:

1. Ấn định ngày bỏ thuốc lá trước một vài tuần, từ từ cắt giảm dần. Tránh đến những nơi mà bạn từng thích hút thuốc.

2. Vào ngày bạn muốn “cai” thuốc lá, giữ cho mình luôn bận rộn. Vứt bỏ hết các gói thuốc lá.

3. Mặc dù một số loại thay thế nicotine như kẹo cao su hoặc miếng dán có thể giúp bạn bỏ thuốc, nhưng bạn vẫn sẽ phải nỗ lực chống lại cơn thèm thuốc lá.

4. Đừng bao giờ tự cho phép mình hút, cho dù chỉ là một điếu.

5. Luôn dặn lòng không bao giờ bỏ cuộc và tìm đến thuốc lá.

6. Tìm kiếm sự giúp đỡ, chẳng hạn như một chương trình cai nghiện thuốc lá, nếu bạn thấy cần thiết.

(Theo VNAC/Health)

(Nguồn: Mic, IFLSciecne,Health)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại