Sỏi thận là căn bệnh do sỏi hình thành bên trong thận khi nồng độ các khoáng chất như canxi, oxalat, muối urat phốt phát tăng cao trong nước tiểu.
Bệnh do các nguyên nhân: Uống ít nước, không ăn sáng, ăn thực phẩm nhiều chất béo, ít vận động…
Sỏi thận không chỉ gây đau đớn cho người mắc bệnh mà nếu không được điều trị kịp thời, căn bệnh này còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh sỏi thận có nhiều cách chữa như uống thuốc làm tan sỏi, tán sỏi qua da, phẫu thuật… Tuy nhiên có đến 60% số bệnh nhân xuất hiện sỏi trở lại sau đó.
Trong dân gian vẫn lưu truyền một phương pháp chữa sỏi thận rất hiệu quả mà dễ làm, đó là trị sỏi thận bằng cây rau ngổ (ngò om).
Dược tính của cây rau ngổ:
Cây rau ngổ còn có tên là ngò om, ngổ hương, ngổ thơm, ngổ điếc…, có tên khoa học là Limnophila aromatica.
Đây là cây thân thảo có chiều cao khoảng 20 cm, thân xốp có nhiều lông. Lá nhẵn, mọc đối, không cuống, hơi ôm thân.
Theo Đông y, rau ngổ có vị cay, thơm, hơi chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khái, giải độc, tiêu thũng, trừ viêm, chống sưng, giảm đau, sát trùng đường ruột.
Ngoài ra, rau ngổ còn được dùng trị bệnh đường tiểu, trị sỏi thận, sốt nóng, chống lão hóa, ngừa ung thư… rất hiệu nghiệm.
Bài thuốc trị sỏi thận từ rau ngổ:
- Dùng rau ngổ giã nhỏ, lấy nước pha ít hạt muối, uống ngày 2 lần vào sáng và chiều (uống liền trong 7 ngày).
- Lấy từ 50 - 100 g rau ngổ tươi xay làm sinh tố uống mỗi ngày (uống trong 15 - 30 ngày) hoặc nấu với 2 chén nước, sôi 20 phút để uống.
Lưu ý:
Rau ngổ có nhiều tác dụng khá hay. Tuy nhiên thân cây có nhiều lông tơ, khó rửa sạch vi khuẩn gây bệnh nên khi chế biến các món ăn sống hoặc dùng làm thuốc cần phải rửa thật sạch, ngâm thuốc tím, nước muối nhằm tránh ngộ độc thức ăn từ rau ngổ.
Ngoài ra, rau ngổ dễ bị lẫn với rau ngổ trâu (Enhydra fluctuans Lour.) thuộc họ Cúc (Compositae), là loại cây sống nổi trên mặt nước hay ngập nước. Vì vậy khi dùng làm thuốc phải chú ý để không nhầm lẫn.