Các nhà khoa học Mexico đã tìm ra một giải pháp độc nhất vô nhị cho vấn đề đó: sử dụng bỉm bẩn để trồng nấm .
Các nhà nghiên cứu phát hiện, nấm sinh trưởng nhờ “ăn” cellulose, một thành phần cấu tạo bỉm. Bằng cách nghiền nát những miếng bỉm đã qua sử dụng, họ đã tạo ra “phân bón bỉm” cho nấm phát triển.
Tính trung bình, một đứa trẻ dùng tới hơn 8.000 miếng bỉm trước khi học được cách đi vệ sinh vào bô hoặc bồn cầu, tạo ra tới 2 tấn rác phân hủy chậm. Trong khi đó, Mexico hiện là nước tiêu dùng bỉm, cả loại dành cho trẻ em và người lớn, lớn thứ 3 trên thế giới.
Thực tế trên khiến một nhà khoa học Mexico thiết kế nên một công nghệ có thể phân hủy các chất liệu làm bỉm nhờ loài nấm Pleurotus ostreatus.
“Ý tưởng nảy sinh sau khi tôi cân nhắc việc nấm ăn cellulose, một chất liệu có trong bỉm, nhưng cũng lưu ý việc bỉm còn chứa các thành phần nhân tạo không thể phân hủy sinh học như polyethylene, polypropylene và gel siêu thấm (sodium polyacrylate) chuyên hút chất lỏng”, nhà nghiên cứu Rosa María Espinosa Valdemar thuộc Đại học Tự trị thủ đô (Mexico) giải thích.
Bà Valdemar Espinosa cho biết, bước đầu tiên là thu thập các bỉm đã qua sử dụng, nhưng chúng phải là bỉm chỉ chứa chất lỏng thải loại như nước tiểu. Số bỉm này sau đó được tiệt trùng bằng nồi hấp, nghiền và trộn với vài vật liệu khác chứa một chất gọi là lignin (chất nấm cũng cần để sinh trưởng) từ cỏ, bã nho, cà phê hay chồi ngọn dứa.
Toàn bộ quá trình trên gọi là khâu chuẩn bị chất nền để trồng nấm. Tiếp đến, bà Valdemar Espinosa và các cộng sự lấy một nắm hạt giống nấm – bào tử nấm đã phát triển trên lúa mì hoặc lúa miến – và rắc chúng trên chất nền, rồi đặt hỗn hợp vào một túi chất dẻo.
Các túi trồng nấm sau đó được giữ trong bóng tối 2 – 3 tuần, trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát, rồi chuyển sang giai đoạn tiếp xúc với ánh sáng. Sau 2,5 – 3 tháng, bỉm phân hủy và giảm thể tích cũng như khối lượng tới 80%.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu họ áp dụng công nghệ trồng nấm của mình với 1kg bỉm, cuối quá trình, họ sẽ thu được 200 – 300g nấm.
Sau khi thu hoạch nấm theo phương pháp mới, các chuyên gia đã tiến hành phân tích và phát hiện, nấm trồng từ bỉm không chứa chất độc hại hay mầm bệnh truyền nhiễm do bỉm đã được tiệt trùng. Họ cũng nhận thấy hàm lượng protein, chất béo, vitamin và các khoáng chất trong nấm sinh trưởng trên vật liệu bỉm tương đương với nấm trồng theo các cách bình thường khác.
Tuy nhiên, bà Espinosa Valdemar thừa nhận, nhiều khả năng, người tiêu dùng sẽ e ngại việc ăn nấm trồng từ bỉm. Dẫu vậy, nấm thu hoạch theo công nghệ này có thể được sử dụng làm nguồn bổ sung thức ăn cho gia súc, gia cầm. Và chất gel siêu thấm trong bỉm có thể được tái sử dụng để tăng khả năng giữ chất ẩm cho đất trồng trọt.