Tiết lộ 'thần dược' thổi bùng trọng lượng thủy sản trong vài giờ

Thanh Lâm – Trọng Nghĩa |

Chỉ cần hòa tan trong nước, rồi ngâm thủy sản vào, chúng sẽ tăng trọng gấp rưỡi chỉ trong vài giờ. PV đã trực tiếp tìm về địa phương, lăn lộn với người dân nơi đây để truy tìm nguồn gốc thực sự.

“Thần dược” giúp tăng trọng gấp rưỡi

Có mặt tại đất Mũi Cà Mau, chúng tôi đã trực tiếp trò chuyện với những người nuôi trồng và kinh doanh thủy hải sản tại đây.

Trò chuyện với PV, ông T. – chủ một đại lý kinh doanh tôm, mực ở Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết, ông từng sử dụng loại hóa chất “lạ” để làm tăng trọng mực.

Từ 1kg mực ban đầu, sau khi ngâm hóa chất, sẽ tăng lên khoảng 1,5kg. Dù lấy làm lạ nhưng ông T. cũng không biết đấy là hóa chất gì, bởi chất “lạ” được chính người lấy hàng cung cấp và yêu cầu ông ngâm vào trước khi giao.


Rất khó phân biệt thủy, hải sản ngâm hóa chất (ảnh minh họa).

Rất khó phân biệt thủy, hải sản ngâm hóa chất (ảnh minh họa).

Tại đại lý, ông T. luôn căn dặn các nhân công không được lấy mực đã ngâm để ăn. Không biết việc ngâm cá, mực vào chất “lạ” có độc hay không, nhưng cứ đề phòng.

Từ nguồn tin mà ông T. cung cấp, PV đã tiếp cận một số doanh nghiệp thủy sản ở miền Tây chuyên xuất khẩu cá da trơn. Và sự thật về loại hóa chất trên đã được tiết lộ. Đó là chất sử dụng để giúp thủy sản tăng trọng lượng.

Có 2 loại: 1 loại không có phosphate (nonphosphate) và 1 loại có phosphate. Hóa chất này được nhập về từ nước ngoài với giá chỉ hơn 30.000 đồng/kg.

Tính ra, chỉ cần tốn hơn 300 đồng để ngâm hóa chất (100kg thủy sản chỉ xài 1kg hóa chất), người bán đã thu được lượng cá, mực tăng thêm 1/2 so với trọng lượng ban đầu.

“Hóa chất ấy thực ra giới thủy sản không lạ gì. Chúng tôi đã sử dụng từ lâu nay và đúng là nó làm tăng trọng thủy sản rất nhanh, chỉ sau 2 giờ đồng hồ.

Nếu để đông đá, thủy sản sẽ giữ mức tăng trọng đến hơn 1 năm”, một người trong giới kinh doanh thủy sản mà chúng tôi gặp tiết lộ.

Cũng theo lời ông này, sau khi cá được chế biến thành miếng phi lê, sẽ được đưa đi ngâm hóa chất để tăng trọng. Mỗi mẻ hơn 200kg, được ngâm vào nước chứa hóa chất, sau đó đưa vào 1 thùng lớn tựa như máy trộn bê tông để trộn.

Thao tác trộn giúp hóa chất ngấm đều và đẩy nhanh quá trình tăng trọng. Ông này cũng nhấn mạnh, cứ sau 2 giờ trộn như vậy sẽ giúp cá tăng trọng khoảng 40-50%. Nếu muốn tăng 50% trọng lượng thì cứ 100kg cá sử dụng 1kg hóa chất là đủ.

Khó phát hiện và quản lý

Thông tin về “thần dược” tăng trọng cho thủy, hải sản khiến người tiêu dùng và giới kinh doanh thủy sản các tỉnh ĐBSCL không khỏi hoang mang, lo lắng. PV đã có cuộc khảo sát, ghi nhận thực tế tại nhiều tỉnh, thành.

Ông N.T. – lãnh đạo công ty TNHH Hùng Cá (đóng tại huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) cho biết: “Từ trước đến nay chưa từng nghe đến loại hóa chất sodium tripoly phosphate dùng làm tăng tỉ trọng thủy sản”.

Cũng trao đổi tin tức với PV, ông Mai Xuân Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Bình An (thuộc khu Công nghiệp Trà Nóc 2, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) chia sẻ, do bận nhiều việc nên thực sự ông cũng không quan tâm đến vấn đề hóa chất “lạ” làm tăng trọng thủy sản.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng khẳng định, Công ty Bình An không hề sử dụng đến loại hóa chất sodium tripoly phosphate cho các sản phẩm của công ty.

Trong khi đó, trao đổi với PV vào chiều 25/11, ông Nguyễn Hữu Nguyên – thành viên Ban chấp hành Chi hội nghề cá tỉnh An Giang cho biết: “Hóa chất sodium tripoly phosphate, từ xưa đến nay đã được các công ty chế biến thủy sản sử dụng.

Mục đích là để tăng trọng, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường nhập khẩu trên thế giới như: Mỹ, châu Âu...

Trước khi chế biến sẽ đem cá ngâm hóa chất, sau đó mạ băng cho đến khi tan băng là hoàn thành. Tuy nhiên, các thị trường trên thế giới không đồng ý cách làm này, nhưng một số công ty chế biến vẫn thực hiện”.

Theo ông Nguyên, nói đến hóa chất này, gần như công ty chế biến nào cũng dùng, vì sẽ giúp tăng trọng từ 10 đến 30% trọng lượng sản phẩm.

“Tất nhiên, mỗi công ty có cách làm khác nhau, mỗi nơi một cách, nhưng đó là điều tuyệt mật, là yếu tố sống còn của mỗi công ty, nên không ai dại gì thừa nhận và tiết lộ điều này”, ông nói.


Ông Phạm Hoàng Dũng, Phó trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản (trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp) đang trao đổi với PV.

Ông Phạm Hoàng Dũng, Phó trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản (trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp) đang trao đổi với PV.

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoàng Dũng – Phó trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản (trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp).

Ông Dũng cho biết: “Hiện, cơ quan chưa nắm được thông tin về loại hóa chất trên. Tuy nhiên, về việc tăng trọng sản phẩm, hay nói đúng hơn là tỉ lệ mạ băng thì Nghị định 36 có cho phép các nhà máy sản xuất thực hiện tỉ lệ là 10%.

Nhưng mạ băng sản phẩm chủ yếu là nước, còn ngâm sản phẩm với chất gì thì cơ quan chức năng khó quản lý và phát hiện”.

Theo một kỹ sư chuyên về hóa thực phẩm, trong thực phẩm, sodium tripoly phosphate được sử dụng để duy trì độ ẩm và đương nhiên giúp tăng trọng. Nó là hóa chất thực phẩm nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi ăn vào.

Tuy nhiên, nếu ngoài chất tăng trọng, người ta còn trút vào những loại hóa chất công nghiệp khác thì không ai lường trước được hậu quả. Như chính sodium tripoly phosphate vẫn có loại chỉ sử dụng trong công nghiệp để chế biến xà phòng.

Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc sử dụng hóa chất để tăng trọng lượng sản phẩm, được xem là hành vi gian lận thương mại.

Bởi, người kinh doanh đã thu lợi bất chính từ trọng lượng tăng thêm. Tuy nhiên, nếu họ tự thỏa thuận và biết ngâm, ướp sodium tripoly phosphate làm tăng tỉ trọng thủy sản, thì khó có cơ sở xử lý.

Sẽ kiểm tra, rà soát thông tin

Chiều ngày 25/11, trao đổi với PV, Ths. Phạm Thị Thu Hồng – chi Cục trưởng chi cục Thủy sản Vĩnh Long cho biết: “Trên địa bàn tỉnh, đơn vị chưa nghe thông tin phản ánh việc người nuôi cá dùng chất sodium tripoly phosphate để ngâm, ướp nhằm tăng tỉ trọng trước khi bán tiêu thụ nội địa.

Riêng sản phẩm dành cho xuất khẩu thì việc sử dụng các phụ gia trong khâu chế biến, người nuôi không sử dụng.

Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận thông tin trên từ cơ quan báo chí, qua đó sẽ kiểm tra, rà soát nhằm bảo đảm quyền lợi và kinh tế cho bà con nuôi trồng thủy sản tại địa phương”.

Phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm

Theo Ths. Lê Thi Hạ – chuyên gia phân tích Hóa – Lý, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), phosphate là phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm: Bánh nướng, xúc xích, jambon, pho mát...

Công dụng chính của phosphate là tương tác với protein của thịt, qua đó làm phục hồi khả năng giữ nước của thịt, tăng khả năng liên kết với mỡ.

Vì thế, phosphate là phụ gia đầu tiên được cho vào xay chung với thịt nạc trước khi cho các thành phần mỡ và nước đá vào.

Protein thịt sau khi được phosphate kích hoạt sẽ ngậm nước, mỡ và các nguyên liệu khác. Trong chế biến thủy sản, phosphate có công dụng làm tránh thất thoát nước trong quá trình trữ đông và rã đông.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại