‘Bẩn’ – từ khóa vạn năng
‘Thực phẩm bẩn’ bây giờ trở thành một danh từ phổ biến và mang ý nghĩa bao trùm.
Nó được sử dụng ở khắp mọi nơi. Hàng loạt cơ quan truyền thông tuyên chiến với ‘thực phẩm bẩn’. Một giáo sư đầu ngành lên tuyên bố rằng ‘thực phẩm bẩn’ là nguyên nhân gây ung thư.
Ngay cả bộ trưởng bộ NNPTNT cũng sử dụng khái niệm ‘bẩn’-‘sạch’ ở nghị trường.
Thế cuối cùng thế nào là ‘bẩn’ và thế nào là ‘sạch’. Chưa ai có ý định làm rõ nghĩa cái khái niệm chung chung ấy.
Thậm chí trên một tờ báo, người ta còn viết rằng ‘thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh có khả năng gây ung thư’.
Sự mơ hồ về mặt khái niệm được đẩy lên một tầm cao mới. Bây giờ cả thiếu vệ sinh cũng gây ung thư.
Có phải ‘bẩn’ nghĩa là gây hại cho sức khoẻ, hoặc cụ thể hơn là ‘gây ung thư’.
Nếu vậy thì trong rau thịt có chứa hóa chất nào thì có thể gây hại cho sức khoẻ, loại hóa chất nào gây ung thư, hay là chỉ cần có chứa vi khuẩn e-coli – tức là mất vệ sinh ở mức cơ bản nhất – thì đã gây ung thư rồi.
Và nếu xét khái niệm ‘bẩn’ ở góc độ này thì có bao nhiêu loại hóa chất cần cấm, bao nhiêu loại hóa chất nông dân cứ tự nhiên mà sử dụng.
Hay là ‘bẩn’ nghĩa là được tạo ra bằng phương pháp canh tác sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, chất hóa học trong nuôi trồng của nông dân nước ta hiện nay.
Nếu thế thì phải chăng là sản phẩm nông nghiệp tự nhiên, chỉ gieo hạt trên đất không chăm bón gì thì mới được coi là ‘sạch’.
Đến cuối ngày người ta tuyên chiến với thực phẩm ‘bẩn’ mà không hề chỉ rõ được ra thế nào là ‘bẩn’.
Chuẩn ‘bẩn’ của Mỹ có khác chuẩn ‘bẩn’ của Việt Nam không; vì nông sản xuất khẩu nước ta thường xuyên bị nước bạn trả lại vì dư lượng kháng sinh.
Và chuẩn ‘sạch’ của Trung Quốc có cùng chuẩn ‘sạch’ với Việt Nam không, vì một lượng lớn nông sản nước ta nhập từ nước này.
Thế nào là "thực phẩm bẩn", "thực phẩm sạch"?
Chuẩn nào cho ‘sạch’
Không có chuẩn về ‘bẩn’, không ai chỉ rõ ra ‘bẩn’ là thực phẩm gồm loại hóa chất nào, loại thuốc chăn nuôi nào. Chỉ một vài trường hợp, như salbutamol được gọi tên chính xác.
Còn lại là một nỗi sợ bao trùm. Đến cả các nhà khoa học giờ cũng lên báo dùng khái niệm ‘thực phẩm bẩn’ một cách phi khoa học, bởi ‘bẩn’ không phải là một tính từ định lượng.
Đáng ra nhà khoa học cần nói, ‘thực phẩm có chứa hóa chất A, loại thuốc B có khả năng gây ung thư’ thì ở đây lại nói là ‘bẩn’.
Thế ăn bốc có khả năng gây ung thư không, nhà khoa học cần giải thích, vì thật ra theo một cách nhìn nào đó thì ăn bốc khá là bẩn.
Hoặc là cả nhà dùng đũa chấm chung một bát nước mắm có khả năng gây ung thư không. Một vị khách phương Tây nào đó sẽ nói với bạn rằng cách ăn uống đấy không ‘sạch’ đâu.
‘Bẩn’ trở thành một từ khóa vạn năng. ‘Bẩn’ trở thành một con ngáo ộp vô hình. ‘Bẩn’ trở thành một khái niệm che lấp đi những kẻ thù thực sự của chúng ta.
Kẻ thù của chúng ta là những loại hóa chất có tên tiếng Latin đàng hoàng, thì bây giờ ẩn nấp dưới cái chữ ‘bẩn’ vô nghĩa này.
Và bởi thế, cũng không có chuẩn nào về ‘sạch’. Cuối cùng chúng ta đang tuyên chiến với cái gì. Và chúng ta sẽ tuyên chiến với thứ khái niệm ‘bẩn’ rộng lớn mơ hồ này như thế nào nếu không nhận diện được kẻ thù.
Cuộc chiến đấu với ‘thực phẩm bẩn’ đang trở thành một cuộc chiến thiếu nhiều cơ sở khoa học. Nó thiếu cơ sở khoa học cơ bản, như là hóa học hay sinh học.
Và vì thế, nó thiếu cả cơ sở khoa học quản lý, bởi để cấm, để quản, thì người ta cần cấm và quản những thứ cụ thể.
Hiện tại, chúng ta cũng có danh sách các chất cấm trong chăn nuôi, và ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả được cho phép.
Nhưng danh sách này do Bộ NNPTNT ban hành. Và bây giờ, Bộ cũng bị nghi ngờ về khả năng xác tín thế nào là ‘bẩn’.
Năm 2014, khi ông Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng cục Bảo vệ thực vật tuyên bố rằng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hoa quả Trung Quốc dù cao, nhưng vẫn an toàn khi ăn, ông này đã nhận một sự phản kháng kịch liệt từ người dân và truyền thông.
Năm 2013, một văn bản hướng dẫn chọn mua thực phẩm của Bộ Y tế bị phản bác. Các tiểu thương nói rằng chính loại thực phẩm mà Bộ mô tả, đẹp đẽ chuẩn mực, mới là loại ‘đã xử lý qua thuốc’.
Nói chung, không một bên nào trong cuộc chiến này từ nhà quản lý, nhà sản xuất đến dư luận xã hội đang tỏ ra nhận diện được cái sự ‘bẩn’.
Cần biết rằng để kiểm tra hàm lượng một chất hóa học trong thịt, người ta cần gọi tên chất ấy ra trước.
‘Tôi muốn kiểm tra xem trong miếng thịt này hàm lượng chất X, chất Y’ là bao nhiêu – bài toán là như vậy. Ta cần biết mình đang nói đến thứ gì.
Cuộc chiến đấu với ‘thực phẩm bẩn’ khi không nhận diện được kẻ thù chỉ tạo ra một sự hoang mang ở tầm xã hội.
Khi ta không biết kẻ thù là ai, nỗi sợ càng tăng lên. Và nỗi sợ ấy có thể tạo ra những hệ lụy kinh khủng cho nền sản xuất.
Như một con người đang nhắm mắt đấm đá ra tứ phía, nhiều đối tượng có thể bị tổn hại. Cụ thể nhất, là các nhà sản xuất, tức người nông dân.
Chính họ cũng đang không hiểu rằng xã hội tuyên chiến với thực phẩm bẩn là đang muốn họ làm gì với chuồng trại, ruộng vườn của mình, bỏ loại thuốc nào hay là… tăng loại thuốc nào.