Tất cả thông tin đầy đủ nhất về ung thư đại trực tràng

Phan Lê Vũ |

Ung thư đại trực tràng đang là nỗi ám ảnh với không ít người, sau sự ra đi của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập.

* LTS: Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập đã qua đời ở tuổi 41 vì căn bệnh ung thư đại trực tràng. Sự ra đi của anh như một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ tới xã hội về "vấn nạn" ung thư đang rình rập khắp nơi, với bất kỳ ai.

Nguy cơ đến từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng đặc biệt trong đó là tình trạng thực phẩm bẩn, ô nhiễm nguồn nước, không khí, và lối sống.

Trong bài dữ liệu bệnh bên dưới, chúng tôi xin cung cấp đến quý độc giả thông tin đầy đủ nhất về ung thư đại trực tràng, dựa trên nhiều tài liệu của Mỹ, Việt Nam... Nếu thấy có ích, quý độc giả hãy chia sẻ cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè để phòng chống...

Ung thư đại trực tràng là một loại ung thư phát triển ở thành trong đại tràng và trực tràng (còn gọi là ruột già). Vì ung thư đại tràng và ung thư trực tràng tương tự nhau, chúng được gọi chung là ung thư đại trực tràng (hay ung thư ruột già).

Một bệnh ung thư đại trực tràng có thể là lành tính hay ác tính. Lành tính có nghĩa là khối u sẽ không lây lan, trong khi một khối u ác tính gồm các tế bào có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Hiểu về ung thư đại trực tràng

PHỔ BIẾN THỨ 2 TRÊN THẾ GIỚI, VIỆT NAM NGÀY CÀNG GIA TĂNG

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nói rằng ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 2 trên thế giới, chỉ sau ung thư phổi.

Theo ước tính của WHO, trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 11 triệu ca mắc mới và gần 7 triệu ca tử vong do ung thư đại trực tràng.

Hiệp hội Ung thư Mỹ thấy rằng khoảng 1/20 người ở Mỹ mắc bệnh ung thư đại trực tràng trong suốt cuộc đời của họ, với nguy cơ bị mắc ở nam cao hơn so với nữ.

Cũng theo CDC, trong năm 2012 đã có:

• 134.784 người ở Mỹ được chẩn đoán bị ung thư đại trực tràng, trong đó có 70.204 đàn ông và 64.580 phụ nữ

• 51.516 người ở Mỹ chết vì bệnh ung thư đại trực tràng, trong đó có 26.866 đàn ông và 24.650 phụ nữ.

Tại Việt Nam, theo Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân bệnh viện Bạch Mai, các thống kê cho thấy ung thư đại trực tràng là loại ung thư đứng hàng thứ 5 trong các ung thư đường tiêu hóa, và ngày càng tăng do vấn đề ăn uống (thói quen ăn uống không lành mạnh, thực phẩm nhiễm hóa chất...)

Trung bình cứ 100.000 người thì 13 trường hợp mắc bệnh này, trong đó nam giới mắc nhiều hơn nữ giới.

Các nghiên cứu tại Bệnh viên K cho thấy, bệnh thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, nhưng gần đây bệnh đang có xu hướng trẻ hóa với nhiều trường hợp mắc ung thư đại trực tràng ở độ tuổi 18-20, cá biệt là trường hợp mới có 12 tuổi.

Có những thanh niên đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn nên phải mang hậu môn nhân tạo suốt quãng đời còn lại.

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Mặc dù đến nay chưa có kết luận nguyên nhân chính xác gây nên ung thư đại trực tràng, nhưng theo các nghiên cứu và các chuyên gia thì chính thói quen ăn uống không lành mạnh là 1 trong số các yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới các căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.

Bởi đại tràng và trực tràng là nơi chứa đựng, bài tiết các chất thải tiêu hóa (phân), vậy nên khi chúng ta ăn uống không hợp lý và khoa học, các chất thải này sẽ không thải ra kịp thời mà tích tụ lại trong cơ thể, từ đó gây ra nhiều bệnh và tăng nguy cơ mắc ung thư.

Trong cuốn sách Điều trị ung thư của bác học Golzen người Đức có đoạn nói rằng: “Ung thư là sự trả thù của tự nhiên, bởi con người sử dụng thức ăn sai lầm.

Trong 10.000 trường hợp ung thư thì 9.999 trường hợp là do sự đầu độc từ phân của chính mình. Chỉ có 1 trường hợp là do sự biến đổi mà thoái hóa mà thôi".

Phân tích của Lương y, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai, Tổng giám đốc Bảo Long Đường thì: Đối với thói quen ăn đồ ăn thường ép và tinh lọc (có những người mỗi bữa ăn chỉ vài lát thịt, một lát bánh mì với bơ sữa) thì sau mỗi bữa như thế thì gần như không tạo thành phân mà chỉ tồn tại một lớp váng phân bên trong đại tràng.

Những váng phân này bám vào vách đại tràng giống như người ta trát dần các lớp vữa lên tường. Cứ như thế một thời gian dài các cục phân bám ở vách đại tràng ngày một to lên.

Tới tuối 40 trở đi, nhiều người bên trong đại tràng có những cục phân to như hạt nhãn, rắn như đá, bám vào vách đại tràng làm đại tràng rúm lại, gây cản trở lưu thông tiêu hóa.

Đối với thói quen ăn đồ ăn ít chất xơ (rau, củ, quả) sẽ không cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng, chất xơ cho những vi khuẩn có lợi trong trực tràng (các vi khuẩn nay tạo ra nhiệt làm ấm đại tràng và toàn bộ khung bụng bao gồm cả các dòng máu chảy qua), dẫn tới các vi khuẩn này chết dần đi

Ngoài ra, nhiều người có thói quen nhịn đại tiện hoặc táo bón không đại tiện hàng ngày được. Những độc tố ở phân sẽ thấm vào mạch máu rồi trở về gan, tạo thành các u cục trong gan làm cho mặt gan thô , làm giảm chức năng gan và gây nhiều bệnh khác.

Tổng Giám đốc Y dược Bảo Long
Lương y, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai
Muốn không bị ung thư, hãy biết cảm thương 2 mét đại tràng của chính mình! (Đọc bài viết rất hay này của Lương y Nguyễn Hữu Khai ở đây)

Bên cạnh thói quen ăn uống không lành mạnh, các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra những yếu tố nguy cơ chắc chắn làm bệnh nhân dễ mắc bệnh ung thư đại trực tràng như:

- Các polyp trực tràng: Các polyp mọc trên thành bên trong của đại tràng hoặc trực tràng và thường gặp ở người trên 50 tuổi. Hầu hết các polyp là lành tính (không phải ung thư), nhưng một số polyp (u tuyến) có thể trở thành ung thư.

- Viêm loét trực tràng hoặc bệnh Crohn: Một người đã bị một bệnh lý gây ra viêm trực tràng (như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn) trong nhiều năm sẽ có nguy cơ ung thư tăng cao.

- Tiền sử cá nhân từng bị ung thư: Một người đã bị ung thư trực tràng có thể phát triển ung thư trực tràng lần thứ hai. Ngoài ra, phụ nữ có tiền sử ung thư buồng trứng, tử cung (nội mạc tử cung), hoặc ung thư vú có nguy cơ cao hơn một chút bị phát triển ung thư trực tràng.

- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư trực tràng: Nếu bạn có một tiền sử gia đình dương tính của bệnh ung thư trực tràng, bạn có nhiều khả năng hơn những người khác bị phát triển căn bệnh này, đặc biệt là nếu người thân của bạn đã bị ung thư khi còn trẻ.

Một số yếu tố sau cũng có thể dẫn tới ung thư trực tràng là:

• Là người lớn tuổi - tuổi càng cao nguy cơ mắc càng cao hơn. Hơn 90% số người mắc bệnh này được chẩn đoán sau tuổi 50 và lớn hơn.

• Một chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa và calo, ít chất xơ

• Uống nhiều rượu, nghiện rượu

• Những phụ nữ mắc ung thư vú, buồng trứng và cổ tử cung

• Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng.

• Thừa cân / béo phì.

• Hút thuốc lá: Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá có liên quan đáng kể với tăng nguy cơ ung thư đại tràng và tử vong.

• Ít hoạt động thể chất, lười vận động

TRIỆU TRỨNG UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Ung thư đại trực tràng có thể khởi phát ở bất cứ vị trí nào, từ lớp trong cùng của thành ruột (niêm mạc đại – trực tràng), sau đó xâm lấn ra phía ngoài qua các lớp khác của thành ruột.

Ung thư ở mỗi vị trí trên đại - trực tràng sẽ có biểu hiện triệu chứng khác nhau, thông thường là có máu trong phân.

Trong đại đa số các trường hợp, ung thư đại trực tràng phát triển âm thầm trong nhiều năm. Trên 95% các trường hợp ung thư đại trực tràng là loại ung thư tế bào tuyến, nó bắt nguồn từ tế bào của niêm mạc ruột già.

Ở giai đoạn sớm, triệu chứng thường không rõ, nhiều khi người bệnh chỉ đau bụng nhẹ, cũng có khi bị trướng hay đầy bụng, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn.

Các triệu chứng thường gặp và có giá trị chẩn đoán là:

• Đi ngoài ra máu - nhất là ở những người ở độ tuổi 45 - 55

• Rối loạn tiêu hóa, có ngày bị táo bón, có ngày lại bị đi lỏng kiểu tiêu chảy.

Những triệu chứng này thường bị người bệnh nhầm với bệnh trĩ hay rối loạn tiêu hóa do ăn uống. Do vậy, có tới 85% bệnh nhân nhập viện đã bị ung thư đại trực tràng giai đoạn giữa hay đã bị di căn.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ, muốn phát hiện sớm ung thư đại trực tràng cần thử phân, khi xuất hiện triệu chứng như có thay đổi thói quen đi vệ sinh, đau bụng dưới, mệt mỏi.

Do căn bệnh nguy hiểm này rất phổ biến, nên mọi người ở tuổi 45 - 55 đi kiểm tra xét nghiệm định kỳ, như thử phân, nội soi đại tràng

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khoảng 58% bệnh nhân bị ung thư giai đoạn II và di căn khi được chẩn đoán lần đầu tiên. Trên 85% số bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng bị di căn và tử vong do phát hiện chậm.

Do đó, khi thấy xuất hiện thường xuyên những triệu chứng sau nhất là ở tuổi trên 40, thì cần khẩn trương đi khám:

• Táo bón

• Tiêu chảy

• Cảm giác cần phải đi cầu không mất hẳn sau khi đã đi cầu

• Có máu trong phân

• Đau ở bụng, đầy hơi

• Đau dạ dày đều đều hoặc co rút từng cơn

• Nôn, buồn nôn

• Yếu sức và mệt mỏi

• Giảm cân không rõ nguyên nhân

CHUẨN ĐOÁN BỆNH UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Nếu có bất cứ lý do nào để nghĩ là mình có thể bị ung thư, thì bạn cần có kết quả một vài thử nghiệm để kiểm lại cho chắc chắn, hoặc xem tình trạng ung thư có lan rộng hay không.

Các xét nghiệm kiểm tra giúp bác sĩ tìm thấy bướu thịt (các polyp) hoặc ung thư trước khi có các triệu chứng rõ ràng. Phát hiện sớm ung thư đại trực tràng sẽ làm tăng hiệu quả của việc điều trị.

Sau đây là một vài thử nghiệm có thể được thực hiện:

- Xét nghiệm máu trong phân (FOBT): Đôi khi các ung thư hay các bướu thịt (polyp) gây chảy máu, và FOBT có thể phát hiện một lượng nhỏ máu trong phân.

Nếu xét nghiệm này cho thấy có máu, khi đó các xét nghiệm khác là cần thiết để tìm nguồn gốc của máu. Các tình trạng lành tính (như bệnh trĩ), cũng có thể gây ra máu trong xét nghiệm này.

- Sự bơm thụt bari tương phản kép: Thủ pháp này liên quan đến việc làm đầy đại tràng và trực tràng với một chất lỏng màu trắng (bari) để nâng cao chất lượng các hình ảnh X-quang. Các bất thường (chẳng hạn như các bướu thịt – polyp) có thể được nhìn thấy rõ ràng.

- Soi trực tràng sigma: Bác sĩ kiểm tra trực tràng và phần dưới của đại tràng với một ống sáng (ống soi trực tràng sigma). Sự phát triển tiền ung thư và ung thư trực tràng và phần dưới của đại tràng có thể được tìm thấy và hoặc được lấy ra hoặc được sinh thiết.

- Nội soi đại trực tràng ảnh thực: Trong xét nghiệm này, thiết bị X-quang đặc biệt được sử dụng để đưa ra các hình ảnh của đại tràng và trực tràng. Một máy tính tập hợp những hình ảnh này thành các hình ảnh chi tiết mà nó có thể hiển thị các bướu thịt (polyp) và các bất thường khác

- Siêu âm: Các sóng siêu thanh được sử dụng để giúp dò tìm ung thư và để hiểu rõ tình trạng ung thư đã lan rộng hay chưa.

- Chụp cộng hưởng từ: Điều này cho phép tạo hình ảnh 3 chiều của ruột qua đó giúp bác sỹ chuẩn đoán tìm ra ung thư.

* Các giai đoạn của ung thư đại trực tràng

- Giai đoạn 0: Ung thư chỉ được tìm thấy ở lớp niêm mạc trong cùng của đại - trực tràng. Ung thư biểu mô tại chỗ là một tên khác cho ung thư đại - trực tràng giai đoạn đầu.

- Giai đoạn I: Khối u đã phát triển vào thành trong của đại - trực tràng. Khối u chưa phát triển vượt qua thành.

- Giai đoạn II: Khối u phát triển sâu hơn vào trong hoặc xuyên qua thành đại - trực tràng. Nó có thể đã xâm lấn các mô lân cận, nhưng các tế bào ung thư chưa lây lan đến các hạch bạch huyết.

- Giai đoạn III: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó, nhưng chưa đến các bộ phận khác của cơ thể.

- Giai đoạn IV: Ung thư đã lan ra các bộ phận khác của cơ thể, như gan hoặc phổi.

Tái phát: Đây là ung thư đã được điều trị và tái phát trở lại sau một khoảng thời gian khi ung thư không thể được phát hiện. Bệnh có thể tái phát trở lại trong đại trực tràng, hoặc trong một bộ phận khác của cơ thể.

PHÒNG NGỪA UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hầu như tất cả các bệnh ung thư đại trực tràng đều bắt đầu từ các khối polyp (tăng trưởng bất thường) ở đại tràng hoặc trực tràng.

Phát hiện sớm có thể tìm thấy các polyp để loại bỏ trước khi chúng trở thành ung thư. Bằng cách này, ung thư đại trực tràng là hoàn toàn có thể ngăn ngừa. Sàng lọc cũng có thể tìm thấy ung thư đại trực tràng sớm, khi đó điều trị sẽ có hiệu quả nhất.

Nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra kết quả rất lạc quan rằng: có thể phòng ngừa ung thư bằng thực phẩm.

Các chuyên gia dinh dưỡng thuộc WHO đưa ra lời khuyên để giảm tỷ lệ ung thư đại trực tràng là: Nên hạn chế tiêu thụ đạm động vật, giảm các chất béo nguồn gốc động vật, và gia tăng nguồn đạm từ thực vật, tăng lượng chất xơ từ trái cây và rau xanh.

Một nghiên cứu gần đây của Singapore cho thấy, nguyên nhân khiến nhiều người Hoa sống tại nước này hay bị ung thư đại trực tràng chính là chế độ ăn có nhiều thịt đỏ và ít rau xanh. Nguy cơ này đã giảm đáng kể khi tăng lượng thực vật trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Dưới đây là một số thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng:

• Dầu ô liu: Trong dầu ô liu có chứa chiết xuất zyflamend có khả năng kiềm chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư.

Gần đây các nhà khoa học thuộc Đại học Granada (Mỹ) còn phát hiện ra loại acid maslinic trong dầu ô liu và đã chứng minh được rằng nó có tác dụng điều hòa tăng sinh tế bào và có thể dùng điều trị ung thư đại tràng.

Bằng cách ức chế tăng sinh tế bào, acid maslinic còn phát huy tác dụng phá hủy các tế bào ung thư đại tràng HT29. Đây là nghiên cứu đầu tiên về tác dụng phòng chống ung thư đại tràng của acid maslinic được công bố.

• Đậu nành và ngũ cốc họ đậu: Đậu nành và các quả họ đậu là loại thực phẩm giàu chất xơ hàng đầu.

Ngoài dồi dào về chất xơ - có tác dụng kích thích nhu động ruột phòng ngừa ung thư đại tràng, hạt đậu nành còn chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15 - 25% chất glucose, 15 - 20% chất béo, 35 - 40% chất đạm và nhiều axít amin và sinh tố khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Sữa đậu nành nguyên chất, bảo đảm về chất lượng và vệ sinh thực phẩm, là một trong những thực phẩm rất tốt cho việc ngăn ngừa ung thư đại tràng và các loại ung thư khác.

• Cà rốt sống và rau sống: Theo một nghiên cứu mới đây tại Italy, cà rốt sống chứa một lượng lớn các hợp chất có khả năng chống lại bệnh ung thư đại tràng, trực tràng và ung thư vú.

Rau sống cũng đem lại hiệu quả cao làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư này. Nghiên cứu trên cũng cho thấy, những người ăn cà rốt và rau sống 12 lần mỗi tuần đã giảm được 29% nguy cơ ung thư đại tràng, 18% ung thư trực tràng so với những người chỉ ăn 2 - 3 lần mỗi tuần.

• Các sản phẩm làm từ bơ, sữa: Trong những sản phẩm này rất giầu chất béo thực vật và axit linoleic giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại - trực tràng hơn người dùng chất béo động vật.

Một nghiên cứu tại Thụy Điển cho biết, người có lượng axit linoleic cao thì nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng giảm tới trên 30% so với người có lượng axit này thấp. Đặc biệt, những người tiêu thụ nhiều pho-mai thì nguy cơ mắc bệnh rất thấp.

• Dứa: Trong dứa có chứa hai phần từ hợp chất CCZ và CCS có khả năng kích thích hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư, kìm hãm khả năng di căn của các loại ung thư đại tràng ung thư vú, phổi và ung thư da.

• Rau xanh và trái cây: Các loại rau xanh như bắp cải, súp lơ xanh, cải xoong và trái cây như táo, lê, kiwi, mận, đào, nho, dâu tây, dưa hấu… ngoài việc cung cấp chất xơ, vitamin cùng khoáng chất cho cơ thể còn có nhiều hợp chất có khả năng kìm hãm sự phát triển những tế bào ung thư đại tràng, và hạn chế khả năng di căn của loại ung thư này.

• Hành, tỏi: Chứa nhiều chất allicin có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đang xem xét vai trò của một số thuốc và thực phẩm bổ sung, bao gồm cả aspirin, canxi, vitamin D, và selen trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.

 

* Tham khảo từ nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại