“Trăm phương” tuyệt vọng
Từ một người phải sống khổ sở trong nhiều năm liền vì bệnh tật, ông Nguyễn Văn Nhứt (còn gọi là Hai Nhứt, SN 1936, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã trở lại sống vui, sống khỏe bên con cháu gần 30 năm nay nhờ ăn gạo lứt muối mè.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được diện kiến để nghe ông chia sẻ về phương pháp ăn thực dưỡng, ông vui vẻ đồng ý. Và như để chứng minh sức khỏe bản thân, ông bảo: “Tôi có người quen ở trên Sài Gòn, đi mấy chặng xe bus tiện thể lên thăm rồi gặp cô luôn”.
Đúng hẹn, chúng tôi gặp ông Hai Nhứt tại nhà người quen của ông.
Dù đã gần bước sang tuổi bát tuần, ông vẫn còn rất dẻo dai và minh mẫn. Sự chân chất của người nông dân Nam bộ hiện rõ qua cách nói chuyện mộc mạc.
Ông cười hiền bảo: “Tôi ăn gạo lứt muối mè nay đã được gần 30 năm. Từ ngày ăn cái món “thực dưỡng” này, tôi không chỉ khỏi hẳn bệnh tật mà sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Giờ đi Sài Gòn hay Bình Dương hơn 80 km, tôi cứ tự bắt mấy chặng xe bus rồi đi chứ chẳng muốn làm phiền đến con cái, miễn sao đi về trong ngày là được rồi”.
Ngoài câu chuyện về cuộc sống thường nhật, ông Nhứt không quên chia sẻ về những căn bệnh từng ám ảnh ông suốt một thời gian dài.
Hồi trẻ, ông Nhứt từng tham gia hoạt động cách mạng. Sau năm 1975, ông về quê Long An lập gia đình và xây dựng kinh tế. Cuộc sống yên bình bên những thửa ruộng cứ thế trôi qua cho đến năm 1978, ông phát hiện có ba lỗ thủng trong phổi.
Suốt 7 năm liền, mỗi ngày ông đều đặn uống 3 viên thuốc Tây nhưng không thấm thía vào đâu, bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm. Sau những cơn ho, ông đều khạc ra máu, người nặng nề khó ngủ.
Vì uống thuốc Tây lâu ngày, ông Nhứt còn mắc thêm chứng xuất huyết bao tử, ăn vào không tiêu còn nôn ra máu.
Năm 1985, lúc này ông Nhứt đã gần 50 tuổi thì phát hiện một cục bướu ngoài mí mắt phải ngày càng to ra, làm cản trợ tầm nhìn. Nhận thấy sức khỏe có dấu hiệu bất thường, ông lên bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) kiểm tra và điều trị song song hai bệnh.
Ông hồi tưởng: “Tại đây, bác sĩ chẩn đoán tôi bị bướu lành tính nên tiến hành phẫu thuật. Còn bệnh phổi thì tôi vẫn uống thuốc Tây theo toa của bác sĩ kê cho. Nhưng đúng một năm sau, khắp người tôi tay chân lở loét, mọc nhiều mụt nhọt có mủ ở đầu.
Đến lúc này, tôi khổ sở lắm, lại gom góp tiền bạc trong nhà lên bệnh viện Bình Dân. Bác sĩ bảo do khối u ở mắt đã di căn nên giới thiệu tôi đến Trung tâm Ung bướu Gia Định (nay Bệnh viện Ung bướu TP. HCM)”.
Ông Hai Nhứt đã vô cùng bàng hoàng khi một lúc đón nhận tin “sét đánh ngang tai” về tình trạng bệnh tật của mình. Sau nhiều năm mắc bệnh không chữa trị kịp thời đã để lại hậu quả nghiêm trọng, ông đã bị ung thư da, ung thư đại tràng và ung thư phổi.
Lúc này đối với ông, việc uống thuốc như ăn cơm, no đến nỗi chẳng còn nuốt thêm được thứ gì, tối đến bệnh tật càng hành hạ dữ dội khiến ngủ không yên, người ốm tiều tụy. Căn bệnh ung thư phổi làm lồi lên một cục bướu to bằng trứng ngỗng phía sau lưng.
“Người ta bảo tôi phải cắt một lá phổi. Nhưng sau ba tháng theo dõi tình trạng bệnh, thầy thuốc lại kết luận không thể mổ để lấy hết gốc rễ tế bào ung thư vì bệnh đã di căn đến giai đoạn cuối. Hơn một tháng sau, tôi đành ngậm ngùi khăn gói về quê”, ông Nhứt kể.
Những ngày sau đó là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời ông Nhứt. Do ông bị ung thư đại tràng nên “đi cầu” rất khó khăn, da nổi mụn, chảy nước, đau nhức, còn phổi suốt ngày bị hành hạ bởi những cơn ho dai dẳng.
“Biết bệnh tình của mình đã hết cách rồi nhưng thú thật, tôi vẫn rất sợ khi nghĩ tới cái chết. Lúc này, tôi lại tới gặp một bác sĩ người Pháp khám tại phòng mạch tư bên cạnh Chợ Lớn nhờ điều trị nhưng vẫn không có kết quả.
Đến lúc này, tôi đành phải nghĩ tới các phương pháp khác. Vậy là đầu tiên, tôi lựa chọn Đông y. Tôi không thể nhớ hết mình đã uống bao nhiêu thang thuốc nhưng cũng chỉ như “muối bỏ biển” thôi”, ông Nhứt nhớ lại.
Uống thuốc Bắc không đỡ, ông lại chuyển sang uống thuốc Nam. Thậm chí có người mách đi “cắt lễ” (dùng lưỡi dao lam rạch lên cơ thể để nặn máu “bệnh”), ông cũng nghe theo và tìm đến một bà lang vườn gần nhà.
Trong một tuần lễ, ông được bà lang vườn chích lấy máu độc ra nhưng không kết quả mà bệnh nặng thêm, khiến ông kiệt sức, không đi đứng nổi mà phải bò...
Hiệu quả sau một đêm
Những tưởng đến đây, bệnh tật của ông Hai Nhứt đã “vô phương cứu chữa”. Nhưng điều may mắn đã đến với ông vào lúc tuyệt vọng nhất.
Nghe tin ông Nhứt chẳng còn được sống được bao lâu, ông Tư Sanh (anh vợ ông Nhứt - PV) vội vã tìm đến và và cho biết, ông có mấy người bạn bị ung thư nhưng vẫn sống khỏe nhờ ăn gạo lứt muối mè.
Không hi vọng nhiều nhưng là “cánh cửa” cuối cùng, ông Nhứt liền nhờ người đi mua cuốn sách hướng dẫn ăn “thực dưỡng” của GS Ohsawa. Sau khi xem xong cuốn sách, ngay chiều hôm đó, ông đã đi mua gạo lứt muối mè về áp dụng ngay.
Lần đầu áp dụng, ông Nhứt vấp phải sự phản đối từ chính người mẹ già (nay đã quá cố).
“Nhưng đến nước này, tôi chẳng có gì mà không làm cả. Thôi thì “phước chủ may thầy”, mặc kệ ai nói ra nói vào, tôi vẫn quyết định thử áp dụng phương pháp ăn gạo lứt muối mè chữa bệnh.
Tôi áp dụng ngay công thức “thực dưỡng” số 7, 100% gạo lứt muối mè, nếu khát nước thì uống nước trà gạo lứt rang.
Thật không thể ngờ chỉ sau một đêm, các nốt mụn ngoài da đã không còn chảy nước, không ngứa, không nhức”, ông Nhứt kể.
Ông nấu cơm bằng nồi đất trên bếp củi, mỗi miếng cơm khi đưa vào miệng được nhai thật nhuyễn rồi mới nuốt. Ông nhai kỹ tới mức có khi một chén cơm lưng ăn từ lúc 3h chiều mà đến 6h chiều vẫn chưa hết.
Sau khi nhận thấy những tín hiệu khả quan ban đầu, dù chưa quen với cách ăn “thực dưỡng” nhưng ông đã bắt đầu nhen nhóm hi vọng. Và thật kỳ diệu, chỉ qua ngày thứ 4, những mụn nhọt do ung thư da đóng vảy đã không ra mủ mà bắt đầu khô két lại.
Nửa tháng sau khi ăn theo phương pháp số 7, ông đã “đi cầu” được bình thường, ăn cơm vào thấy ngon miệng và đặc biệt hiện tượng xuất huyết bao tử đã không còn.
Ông Nhứt cho biết: “Trong số các bệnh tôi mắc phải chỉ có ung thư phổi là kéo dài nhất, phải ăn “thực dưỡng” theo công thức số 7 khoảng 2-3 tháng mới ăn “nới rộng” số 6.
Lúc chưa ăn gạo lứt muối mè, tôi đã bị bệnh tật hành hạ sụt 20 kg rồi, sau khi ăn cơ thể càng thiếu chất nên chỉ còn da bọc xương. 7 năm sau khi ăn gạo lứt muối mè, khối u trong phổi mới tan hết.
Trong suốt thời gian đó, những lần đi tái khám, các bác sĩ ai cũng ngạc nhiên vì tôi đã từ cõi chết trở về, một loạt các căn bệnh được đẩy lùi một cách kỳ diệu. Giờ đây, tôi cảm thấy mình rất khỏe mạnh, tinh thần thoải mái”.
Hiện tại, thực đơn mỗi ngày của ông Hai Nhứt đều không thể thiếu đi chén cơm gạo lứt. Sáng ăn bột gạo lứt, trưa thì ăn 1,5 chén cơm gạo lứt cùng với rau tự trồng và tương tamari tự làm. Chiều ông ăn súp, bún, mì cũng được chế biến từ gạo lứt.
Kể từ khi ăn gạo lứt muối mè đến nay đã gần 30 năm, chế độ ăn uống của ông không hề có thịt, trứng, sữa, mật ong. Thỉnh thoảng, ông có ăn một vài loại trái cây.
“Tôi duy trì ăn “thực dưỡng” như vậy để bệnh tật không tái phát và đảm bảo sức khỏe được ổn định. Ngoài ra sáng nào, tôi cũng đi bộ 10 km từ 4 giờ sáng đến 7 giờ mới về nhà.
Giờ già rồi nhưng có sức khỏe, tôi muốn đi đâu cũng được. Một tháng vài ba lần, tôi lại đi 4 chặng xe bus với đoạn đường 80 km để đến Dầu Tiếng, Bình Dương thăm bạn bè. Những lần đi về giữa Sài Gòn - Long An thì không biết bao nhiêu nữa”, ông Nhứt chia sẻ.