Ông bố đeo smartphone trên trán kể về hành trình chữa hiếm muộn

Ph. Thúy |

Sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang, anh Lê Xuân Lịch trở thành người cha nổi tiếng trên cộng đồng mạng khi anh sáng tạo ra cách đeo smartphone trên trán, tay cầm bát bột cho con ăn.

Hành trình chữa vô sinh gian nan

Ít ai biết rằng người cha 48 tuổi này đã trải qua biết bao thử thách mới có được hạnh phúc như thế.

Anh Lịch thoải mái khi kể câu chuyện chữa vô sinh của vợ chồng mình được khá nhiều người quan tâm. Khi chúng tôi hỏi anh cưới năm nào, anh cười “cưới năm 1998 còn “sống thử” năm 1996”. Kể từ đó đến khi đón đứa con đầu tiên chào đời là 18 năm.

Anh kể trong thời gian đó vợ chồng anh đi chữa vô sinh từ nam ra bắc, từ đông y sang tây y, anh cũng gặp rất nhiều người có hoàn cảnh khắc nghiệt hơn anh.

Trong đó có những người không bao giờ có thể làm mẹ vì tuổi họ quá cao và họ còn khổ hơn vợ chồng anh rất nhiều.

Anh Lê Xuân Lịch nổi tiếng với bức ảnh đeo điện thoại trên đầu dụ con ăn.

Nói một hồi rồi anh mới trầm tư kể lại câu chuyện chữa vô sinh của vợ chồng mình. Năm 28 tuổi anh kết hôn, cũng giống như bao chàng trai khác anh hi vọng có con ngay.

Hơn nữa, lúc ấy bố mẹ anh đã nhiều tuổi, anh lại là con út nên các cụ càng sốt ruột mong ngóng cháu hơn. Anh bảo cứ từ từ chờ đợi thêm hi vọng. Nhưng hai năm liền không có tin vui. Vợ chồng anh mới đi khám.

Anh kể “lúc ấy tôi chỉ khám ở Tuyên Quang thôi, làm gì nghĩ đến Hà Nội hay TP.HCM”. Khi đi khám ở đó bác sĩ kết luận hai vợ chồng anh bình thường. Thế là anh lại về nhà chờ đợi. Kết quả vẫn không có tin vui nào.

Chờ đợi mòn mỏi mãi, đến năm 2001, sau 5 năm khi chung sống, chị Nhung vợ anh Lịch bị đau bụng. Đi khám bác sĩ cho biết chị bị u nang buồng trứng phải xuống tuyến trung ương phẫu thuật.

Vì có ý định đi chữa vô sinh ở Bệnh viện Từ Dũ, nên vợ chồng anh Lịch quyết định khăn gói vào Sài Gòn làm phẫu thuật rồi chữa vô sinh luôn. Đến đây khám, bác sĩ cho biết chị Nhung chỉ bị u xơ bình thường mà hầu như phụ nữ nào cũng có nên không phải mổ.

Anh Lịch và vợ là xét nghiệm tìm nguyên nhân vô sinh luôn. Lúc này, bác sĩ cho biết chị Nhung bị tắc cả hai vòi trứng, còn anh Lịch bình thường. Vợ anh phải mổ để tách dính hai vòi trứng.

Sau khi mổ, vợ chồng anh quay lại Tuyên Quang chờ đợi trong mòn mỏi. Càng chờ đợi niềm vui có thai càng không thấy đâu. Nặng nề nhất đối với vợ chồng anh Lịch đó là những lời dị nghị, dèm pha của những người xung quanh mình.

Anh kể có lúc anh và vợ mệt mỏi những lời đùa ác ý như họ bế đứa trẻ rồi hỏi anh chị “có thèm không”. Có người ác miệng còn nói “cây khô không lộc, người độc không con”. Họ còn bảo vợ chồng anh là “cau điếc”, cá rô đực.

Lúc vợ mang bầu anh chăm sóc vợ từng centimet

Những lúc như thế, thấy vợ buồn anh luôn ở bên động viên vợ: “Kệ người ta, mình cứ nắm chặt tay nhau rồi mình sẽ có con”.

Cứ như thế đẵng đẵng hơn mười năm trời. Nhiều lần vợ anh Lịch ghen nhưng anh thấy vui vì vợ vẫn yêu mình. Nhớ lại quãng thời gian ấy, anh kể vợ chồng anh uống thuốc đông y.

“Có khi bã thuốc chất nửa xe tải. Ở đâu có ông lang nào chữa đông y là tôi đến lấy thuốc, từ miền Trung ra miền Bắc. Rồi kết hợp với cầu cúng từ chùa Hương đến Đền Hùng. Còn chùa nhỏ chưa kể đi đâu tôi cũng cầu xin cho mình được làm cha.

Người ta bảo có bệnh thì vái tứ phương mà” - Anh Lịch cười nói.

Trong suốt hành trình chữa bệnh, vợ chồng anh Lịch chưa bao giờ buông tay nhau ra. Anh kể mọi người nghĩ gì cũng được nhưng vợ chồng sẽ yêu thương nhau đến trọn đời.

Cuối cùng, vợ chồng anh Lịch quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. Qua ba lần làm thụ tinh trong ống nghiệm và may mắn đã đến với họ.

Có thai đã khó, có con còn khó hơn

Anh Lịch kể đến khi biết vợ mình có thai, anh đã không giấu được nước mắt của mình. Thời gian nằm vợ “treo chân”, anh Lịch đảm nhiệm hết tất cả công việc ở nhà cũng như ở xã hội. Anh chăm sóc vợ từng centimet.

Kể về quãng thời gian ấy, giọng anh tràn đầy hạnh phúc. Mọi thứ cứ trôi qua khi hết giai đoạn 12 tuần. Vợ chồng anh thở phào nhẹ nhõm. Nhưng thật không ngờ, đến tuần thứ 15 thì vợ anh bị dọa sẩy.

Anh nhớ như in ngày hôm đó, anh đi làm xa thì nhận được điện thoại của vợ vừa nói vừa khóc “anh ơi chảy máu nhiều lắm”. Anh vội gọi xe cứu thương rồi phi thẳng vào bệnh viện.

Trên đường về, anh vừa đi vừa khóc chỉ mong không có gì xảy ra. Về đến nơi, bác sĩ thông báo tim thai còn nhưng cổ tử cung đã mở và có thể sảy thai bất cứ lúc nào. Bệnh viện Tuyên Quang khuyên anh đưa vợ xuống Hà Nội cấp cứu.

Trong giây lát không nghĩ được gì. Anh vội gọi điện cho Giáo sư Nguyễn Viết Tiến (lúc ấy là Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) để xin tư vấn. Bác sĩ Tiến đã khuyên vợ anh không nên di chuyển, nằm điều trị cầm máu trước.

Anh Lịch kể rằng “Tôi đã nói với bệnh viện dùng thuốc tốt nhất, ơn trời 3 ngày sau không còn ra máu. Tôi lại kiếm những thứ an thai bổ dưỡng nhất cho vợ ăn như củ gai, bắp bi chuối ở rừng. Được một hôm rồi lại bị chảy máu.

Lúc này, bác sĩ thông báo cổ tử cung mở rộng muốn đẩy thai ra ngoài. Tôi đã khóc rồi cả đêm ấy, tôi quỳ dưới sân bệnh viện tay cầm nhang cầu trời hay cho con ở lại vớ chúng tôi.

Hai đầu gối thâm toét vì đau, tôi vào viện quỳ xuống cầm chặt tay vợ. Cô ấy sợ mất con nên cũng khóc và hoảng loạn. Tôi cầm chặt tay vợ và nói dù thế nào em cũng không được nản lòng.

Chúng mình sẽ có con”. Lúc ấy, chị Nhung đau bụng vì tử cung co bóp dọa đẻ non. Chị và chồng ôm nhau khóc. Một lúc sau cơn co bóp tử cung giảm dần nên thai vẫn được giữ.

 Chị Nhung và con trai.

 Chị Nhung và con trai.

Sau đó, anh Lịch đưa vợ xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tại đây bác sĩ thông báo chị Nhung bị viêm nhiễm cổ tử cung, thiếu ối, cổ tử cung ngắn… đủ các nỗi lo chồng chất nỗi lo.

Chị phải treo chân, anh Lịch hàng ngày chăm sóc vợ nhưng cũng không quên nói chuyện với con. Đến khi thai nhi được 32 tuần, chị Nhung bị vỡ ối. Anh Lịch vội vàng thuê cứu thương đưa vợ xuống Hà Nội mổ sinh.

Cháu bé ra đời vào ngày 5/11/2014, nặng 2,4 kg.

Ngày đó đã thay đổi cuộc đời vợ chồng anh Lịch. Gần 20 năm chờ đợi, anh mới được gặp mặt con. Cậu bé kháu khỉnh và điều đặc biệt dường như bé nhớ giọng ba mình. Anh kể: "Tôi xuống thăm con và nói “con ơi, bố đến thăm con đây”.

Thế là cậu bé khóc như cảm nhận được bé đang tủi thân. Những ngày ở cữ cháu bị thiếu cân nên hết vàng da bệnh lý rồi viêm phổi, vợ chồng tôi trăm ngàn vất vả. Nhưng đêm nào tôi cũng thức chăm con".

Đến nay, bé đã được 8 tháng nhưng đều do anh chăm sóc là chính. Anh kể cháu chỉ thích ăn khi bố bón.

Sáng tác ra “tác phẩm” đeo smartphone lên trán để cho con ăn, anh Lịch kể anh không muốn cho con đi ăn rong như nhiều gia đình khác vì bụi bẩn. Anh để điện thoại ở chế độ máy bay và tải các clip trên mạng về trước đó cho con xem.

Như thế, theo anh Lịch bé sẽ không bị các sóng wifi hay sóng di động ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh Lịch vui vẻ cho biết trong tương lai anh chị dự kiến sinh thêm một bé nữa.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại