Nỗi khổ tột cùng của phụ nữ mà bác sĩ không tìm hết nguyên nhân

Quang Hào |

PGS. TS Nguyễn Viết Tiến cho biết hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu và cũng có nhiều trường hợp thai chết lưu mà không tìm ra được nguyên nhân.

Một năm hai lần thai lưu

Chúng tôi gặp chị Vũ Thị Phượng trú tại Tây Hồ, Hà Nội tại trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Chị Phượng gương mặt buồn và ủ rũ vì đây là lần thứ 3 chị bị thai lưu.

Năm ngoái, chị bị thai lưu hai lần. Đến năm nay chị đã chuẩn bị tinh thần làm mẹ, thai được 13 tuần rồi chị vẫn không được may mắn bế con.

Chị Phượng kể chị cưới năm 2010 nhưng 1 năm sau chị mới có tin vui. Khi đó, vợ chồng chị mừng đến rơi nước mắt. Niềm vui chưa tầy gang khi đi siêu âm lúc 7 tuần chị được báo thai khỏe, tim thai tốt.

Nhưng khi sang đến tuần thứ 8, vợ chồng chị về quê ăn cưới chị thấy bị ra máu âm đạo. Chị nghĩ chắc tại vận động nhiều nên ra máu. Anh chị lên ngay Hà Nội đi siêu âm thì bác sĩ báo không có tim thai, có dấu hiệu bất thường.

Không tin vào kết quả đó, chị Phượng đến Bệnh viện Phụ sản trung ương khám. Với phương châm cố hết sức nên bác sĩ cho chị thuốc về nhà uống, sau 3 ngày kiểm tra lại.

Kết quả, ba ngày sau chị nhận thông báo phải hút lấy thai vì thai đã chết lưu, không có khả năng phát triển tiếp.

Lần thứ hai vào tháng 8 năm ngoái. Vợ chồng chị Phượng nghe lời khuyên từ bác sĩ sau 6 tháng có bầu lại. Lần này, chị Phượng cố giữ gìn sức khỏe để không ảnh hưởng đến thai nhi.

Thai phát triển tốt, 5 tuần đã có tim thai. Tuần nào chị Phượng cũng đi kiểm tra. Nhưng khi thai được 9 tuần bác sĩ khuyên chị không nên đi kiểm tra và theo lịch 3 tuần khám 1 lần. Chị chưa kịp yên tâm, lần này chị thấy máu đen xuất hiện ở vùng kín.

Kể lại giây phút đó, chị lại khóc nấc lên: "Tôi sợ quá nghỉ việc đến ngay phòng khám để kiểm tra. Kết quả không khác lần trước tý nào. Nhưng hôm đó là thứ 7 nên tôi đến nhà hộ sinh định hút thai.

Khi đến nhà hộ sinh B, các bác sĩ khuyên tôi phải vào thẳng bệnh viện vì thai đã chết lâu và vôi hóa. Lần thứ hai tôi phải nằm theo dõi ở Bệnh viện Phụ sản trung ương 2 ngày sau đó các bác sĩ mới hút thai.

Thai chết lưu bị vôi hóa còn được mang đi xét nghiệm phòng trừ gây ung thư".

Đến lần mang thai thứ ba, chị Phượng vẫn không tin mình kém may mắn như thế. Qua giai đoạn 12 tuần, ai cũng bảo lần này an toàn. Chị theo khám định kỳ của một bác sĩ trong Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Nào ngờ, nay hơn 14 tuần mà thai vẫn không sống được.

Chị Phượng buồn tủi "Cách đây 10 ngày đi siêu âm bác sĩ vừa bảo có khả năng giống bố nhiều, vậy mà". Giống như các lần trước, vợ chồng chị lại đau khổ nhìn đứa con thứ 3 không ở lại bên mình.

Khi biết đích xác là mình sẽ làm mẹ, cảm giác ấy thật hạnh phúc biết bao, thế nhưng niềm vui ấy nhường chỗ cho nỗi buồn quá lớn vì chị biết rằng không thể giữ lại mầm sống của mình.

Có thể do rối loạn nhiễm sắc thể

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu và cũng có nhiều trường hợp thai chết lưu mà không tìm ra được nguyên nhân.

Việc dự phòng thai chết lưu là một vấn đề rất phức tạp. Rất nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân làm cho thầy thuốc và bệnh nhân lúng túng trong những lần có thai tiếp theo.

Hiện nay, nguyên nhân thai chết lưu được xem xét và tìm hiểu nhiều nhất là có thể do người mẹ có điều kiện kinh tế thấp kém, ăn uống thiếu chất, suy dinh dưỡng.

Một nguyên nhân nữa là do mẹ bị các bệnh lý nội khoa mạn tính hay cấp tính, bệnh nhiễm khuẩn hoặc sử dụng một số dược chất nguy hiểm cho sự phát triển và sự sống của thai nhi…

Còn nguyên nhân do thai nhi thường gặp nhất là bất thường nhiễm sắc thể, xung khắc nhóm máu mẹ và con, dị dạng thai nhi hoặc do nhiễm khuẩn trong bụng mẹ. Tỉ lệ thai chết lưu thường giảm dần theo tuổi thai.

Đối với thai phụ như trường hợp của chị Phượng không phải hiếm gặp và có khả năng do rối loạn nhiễm sắc thể và chị Phượng cần thiết phải khám tìm nguyên nhân trước khi mang thai lại.

Khi có thai phải đi khám thai sớm, ngay khi trễ kinh và khám thai đều đặn, theo dõi sát để phát hiện kịp thời những trường hợp thai kỳ có nguy cơ cao, thai nhi bị suy dinh dưỡng trong tử cung,…

Người mẹ cũng cần có chế độ dinh dưỡng đúng mức và hợp lý trong khi mang thai, giữ vệ sinh thân thể vệ sinh thai nghén tốt. Không nên sử dụng bất kỳ một dược phẩm, các loại thuốc uống nào nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

Đồng thời hãy đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, nhức đầu, mờ mắt, ra huyết…Không tiếp xúc với môi trường độc hại, ô nhiễm, tránh ăn thực phẩm nhiễm hóa chất bảo quản để tránh nguy cơ thai chết lưu.

Tình trạng thai chết lưu, chết chu sinh (sau sinh đến ngày thứ 28) gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các cặp vợ chồng, gia đình họ và quan trọng hơn còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, tình trạng thai chết lưu và chết chu sinh tăng rất nhanh, giới khoa học đã có tính toán đến nguyên nhân do ngộ độc thức ăn và ô nhiễm môi trường. Vấn đề này, PGS Tiến cho rằng Việt Nam vẫn đang hợp tác với quốc tế để nghiên cứu sâu hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại