Có thể bạn thấy lạ nhưng thực tế có những người không thể ăn chuối vì họ bị... dị ứng chuối. Theo Viện Khoa học sức khỏe môi trường Mỹ, khoảng 11-16% dân số thế giới, bao gồm cả trẻ em, bị dị ứng chuối. Mặc dù cũng giống như các loại trái cây khác, chuối là một nguồn cung cấp năng lượng, dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể nhưng nó cũng là một nguồn "nguy hiểm" cho những ai bị dị ứng chuối tức là cơ thể không thể thích nghi khi ăn chuối.
Dị ứng với một thực phẩm là một phản ứng miễn dịch bất thường với các chất có trong thực phẩm đó cho dù chất đó không có khả năng gây hại. Trong một phản ứng dị ứng, cơ thể giải tạo ra các hóa chất nhất định, được gọi là histamin để chống lại các chất gây dị ứng. Những dị ứng gây ra một loạt các triệu chứng dị ứng.
Trong trường hợp của chuối, protein được gọi là chitinase có thể kích hoạt một phản ứng miễn dịch quá mức gây ra các triệu chứng như chảy nước mũi, chảy nước mắt và ho... Ngoài ra, hầu hết những người bị dị ứng chuối còn có thể gặp các triệu chứng khác như dưới đây:
- Cảm giác ngứa trong miệng: Những người bị dị ứng với chuối thường cảm thấy ngứa trong miệng tại bất cứ lúc nào họ ăn trái cây này. Thông thường, cảm giác ngứa xuất hiện trong vòm miệng. Ngoài cảm giác ngứa trong miệng, người bị dị ứng có thể thấy có cảm giác bỏng rát trong miệng và ngứa trong cổ họng.
- Gặp vấn đề trong tiêu hóa: Ăn các loại thực phẩm mà bạn bị dị ứng có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Nếu bạn bị dị ứng với chuối mà vẫn ăn nó thì bạn có thể sẽ bị đau bụng, buồn nôn , nôn mửa và tiêu chảy do hệ tiêu hóa không tiết ra các chất để tiêu hóa được lượng chuối mà bạn vừa ăn.
- Gặp vấn đề về da: Tiêu thụ các thực phẩm không thích hợp với cơ thể bạn dẫn đến dị ứng có thể dẫn đến sự phát triển của vấn đề về da như phát ban và bệnh chàm với biểu hiện rõ rệt nhất là ngứa ngoài da. Nếu bạn bị dị ứng với chuối, bạn cũng có thể bị các dấu hiệu ngoài da như trên khi ăn chuối. Phát ban hoặc có thể lan rộng hoặc khu trú giới hạn tại một vùng da nào đó của cơ thể.
- Gây sưng: Ngoài cảm giác ngứa trong miệng, ngoài da, nếu bị dị ứng với chuối, bạn có thể thấy xuất hiện kèm theo triệu chứng sưng môi, lưỡi, mắt, và thậm chí cả cổ họng. Triệu chứng sưng có thể gây ra rắc rối trong việc nuốt thức ăn. Lúc này bạn cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
- Sốc phản vệ: Đây là một phản ứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm tính mạng do nó làm thu hẹp đường hô hấp. Sốc phản vệ gây tắc nghẽn đường thở do sưng mô đột ngột, dẫn đến khó thở. Người bị dị ứng có thể có cảm giác như cổ họng bị căng hoặc có khối u trong họng, cản trở luồng không khí dẫn đến khàn tiếng. Huyết áp cũng có thể giảm mạnh, khiến bệnh nhân mất ý thức. Mạch nhanh, chóng mặt và kém minh mẫn là một số triệu chứng khác của sốc phản vệ. Phản ứng nghiêm trọng này có thể xảy ra trong vài giây sau khi cắn một miếng chuối và đòi hỏi người bệnh phải được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Những người đã được chẩn đoán bị dị ứng với mủ cao su thường có xu hướng bị dị ứng với chuối. Cao su là một sản phẩm thường được sử dụng để làm cho bóng bay, dây cao su và găng tay... Tuy nhiên, các protein tự nhiên có trong mủ cao su gần giống với protein được tìm thấy trong chuối và các loại thực phẩm khác như bơ, cà chua, hạt dẻ, kiwi, đu đủ... Tương tự như vậy, những người phản ứng tiêu cực với phấn hoa sẽ có nguy cơ cao phát triển dị ứng với chuối, dưa hấu, dưa đỏ...
Nếu các phản ứng dị ứng đơn giản như ngứa thì có thể điều trị bằng các loại thuốc bôi. Còn với các triệu chứng nặng hơn thì người bệnh cần phải được đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời.