Ở Việt Nam, phương tiện giao thông chủ yếu vẫn là xe máy. Môi trường bị ô nhiễm bởi khói bụi gây ra những tác hại rất lớn đến sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Chính vì vậy, khi chở con nhỏ bằng xe máy, việc che chắn gió bụi cho con là một việc làm hết sức cần thiết.
Nhiều bố mẹ Việt có thói quen trùm khăn voan, hay còn gọi là khăn bông bay cho bé trước khi ra đường với suy nghĩ vừa để tránh gió bụi, vừa để giữ ấm khi thời tiết lạnh.
Tuy nhiên, đôi khi những bất cẩn của cha mẹ vô tình gây nên những tác hại không đáng có cho con mình.
Một số tác hại khi cho trẻ dùng khăn voan che mặt
Trẻ mất tập trung khiến bố mẹ xao nhãng việc lái xe, gây mất an toàn
Khi đi trên đường, khăn voan rất dễ bị vướng vào mũi hay miệng của trẻ.
Trẻ nhỏ lại chưa có ý thức hay chưa biết nói với bố mẹ nên rất dễ bị khó chịu, dẫn đến thường ngọ nguậy, ngồi không vững, gây khó khăn cho bố mẹ khi lái xe.
Không cẩn thận có trường hợp vừa lái xe vừa giữ con, bị mất tập trung khi gặp tình huống bất ngờ dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và da
Trẻ tuổi tập nói hay đang mọc răng thường hay bị chảy nước dãi, đôi khi cảm sốt còn bị chảy nước mắt, nước mũi. Những chất lỏng này dễ dàng bám vào khăn cùng với bụi đường có thể gây nhiều bệnh về hô hấp và da cho trẻ.
Khăn voan có thể khiến trẻ bị ngạt thở
Dễ bị ngạt thở
Trong cơ thể con người, não rất mẫn cảm với nhu cầu oxy. Nhu cầu lượng oxy của trẻ con lớn hơn của người lớn rất nhiều.
Nếu như lượng tiêu hao oxy ở tổ chức não của người lớn chiếm 21% lượng oxy của toàn cơ thể, nhưng ở trẻ con chiếm tới 51%.
Khăn voan, ni lông tưởng rằng rất thoáng vì mỏng, trong suốt, thông hơi, nhưng thực ra độ thông hơi rất kém.
Nếu dùng khăn voan che lên mặt trẻ, thán khí do trẻ thở ra không thoát được ra ngoài, không khí trong lành không qua được tấm khăn để cung cấp cho trẻ, dẫn đến việc não trẻ không được nhận đủ lượng oxy cần thiết, dễ gây ngạt thở cho trẻ.
Hơn nữa việc bị gió tạt vào mặt khiến trẻ bị chảy nước mắt nước mũi.. Tất cả dịch lỏng này khi chạm vào lớp khăn voan che mặt sẽ lan nhanh và khiến không khí cũng ko thể lọt qua.
Khi xe chạy, gió tạt dính lớp dù ướt này vào mặt bịt luôn mũi và miệng khiến trẻ không thể thở nhưng cũng không thể kêu la cho bố mẹ biết. Vì vậy trường hợp ngạt thở rất dễ xảy ra.
Một số lưu ý khi che chắn gió, bụi cho trẻ:
- Nếu con còn quá nhỏ thì tốt nhất bố mẹ nên lựa chọn phương án đi taxi nếu quãng đường di chuyển xa.
- Xe máy của bố mẹ nên được trang bị tấm kính chắn gió bụi chuyên dụng.
- Nếu phải trùm khăn voan cho con khi đi xe máy thì không đi quá nhanh khiến khăn dính chặt vào mặt bé, khiến bé khó chịu, vướng víu. Nếu đi đường dài thì cần dừng lại để kiểm tra con phòng tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
- Nên chọn loại khăn có mũ bên trong để duy trì khoảng cách giữa mặt bé và khăn, tránh trường hợp trẻ ngậm phải khăn hay khăn dính vào mặt do bị chảy nước nhãi, nước mũi, mồ hôi… vừa khó chịu, ngứa ngáy, vừa không tốt cho sức khỏe.
- Nếu bé đã cứng cáp hơn, nên tập cho bé thói quen đeo khẩu trang và kính mắt để tránh gió bụi. Phải đảm bảo kích cỡ của khẩu trang và kính mắt phù hợp với bé.