LTS: Đối với nhiều người, ung thư chính là án tử, chính vì vậy khi phát hiện bản thân mắc bệnh ung thư, họ đã suy sụp dẫn đến không còn ý chí chiến đấu với bệnh tật nữa.
Các chuyên gia hàng đầu về ung thư đều nhấn mạnh, tinh thần là yếu tố rất quan trọng giúp bệnh nhân chiến thắng căn bệnh ung thư. Trường hợp dưới đây là một minh chứng rất cụ thể cho điều này.
Bệnh viện trả về vì bệnh nặng
Chị Lê Hải Ninh - trú tại thị trấn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng năm nay 36 tuổi, trò chuyện với chị mọi người đều cảm nhận được lối sống, tinh thần của chị.
Nói về căn bệnh ung thư, bà mẹ trẻ không né tránh mà đối diện với nó ở bất cứ hoàn cảnh nào. Chị Ninh nhớ lại hơn 3 năm về trước, chị bị đau nhức chân thậm chí không đi lại được.
Chị đi kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ cho biết chị bị ung thư phần mềm, khối u đã lan rộng thậm chí choán hết cả vùng xương cụt. Chị Ninh đã được phẫu thuật ở Bệnh viện Viện Đức. Các bác sĩ đã cắt bỏ khối u 15cm.
Khi có kết quả giải phẫu bệnh học, chị Ninh như “chết đứng”, ung thư phần mềm giai đoạn muộn.
Hình ảnh ung thư phần mềm (Ảnh minh họa)
Chị chuyển sang bệnh viện K1 ở Quán Sứ, Hà Nội rồi họ lại chuyển về K3. Khi về K3, bác sĩ điều trị cho chị không có khả quan nên khuyên chị Ninh về nhà thích ăn gì thì ăn.
Nghe bác sĩ nói thế, chị Ninh nghĩ mình cầm chắc cái chết rồi. Chị về nhà hai vợ chồng suốt ngày lo lắng không biết ra sao khi con chị còn quá bé. Cháu mới được 15 tháng tuổi. Nhìn con, chị Ninh nước mắt lại lã chã rơi.
Chị bảo chồng rằng hai bệnh viện K1 và K3 bác sĩ đã nói không chữa được, hay thử xuống K2 xem thế nào còn hơn ở nhà chờ đón cái chết.
Vợ chồng chị Ninh lại gửi con và khăn gói xuống Bệnh viện K3. Lúc đó, chị nghĩ đi cho giải phóng tư tưởng chứ hai cơ sở kia đã trả về thì còn ít cơ hội lắm.
May mắn cho chị Ninh, lúc đó bác sĩ Phạm Thị Việt Hương nhận hồ sơ bệnh án của chị. Những lời chia sẻ của vị bác sĩ đó đã là động lực để chị Ninh vượt qua bệnh tật.
Chị kể bác sĩ nhẹ nhàng bảo: “Thôi bệnh của em nặng rồi, giai đoạn muộn nhưng chị em mình cùng nhau đi phát quang rừng rậm. Ngày mai em chết thì mai hãy tính còn hôm nay cứ phải sống và chữa bệnh”.
Rồi chị Ninh được bác sĩ tư vấn tâm lý để giải phóng tư tưởng, không coi ung thư là cái chết.
Chiến thắng nỗi sợ hãi mang tên hoá chất
Chị Ninh bước vào đợt xạ trị và truyền hoá chất. Có lẽ với chị đây là khoảng thời gian khó khăn nhất. Tác dụng phụ của hoá chất khiến chị bị quật ngã.
Có những liệu trình tryền hoá chất, 2 tuần liền lúc nào chị cũng sốt cao 40 – 41 độ không ăn uống được gì. Nhìn bất cứ cái gì chị cũng nôn oẹ.
Cảm giác chán ăn là nỗi ám ảnh của những bệnh nhân như chị. Nhưng nghĩ về con nhỏ, nghĩ về gia đình và điều đặc biệt là bác sĩ đang cùng chị vượt qua bệnh tật.
31 mũi xạ trị, 6 liệu trình hoá chất rồi cũng đi qua. Những tác dụng phụ kinh hoàng của hoá chất chị đã chiến thắng nổi. Lúc đó, chị Ninh kể không ăn được gì thì chị cố húp cháo loãng, nôn ra lại húp tiếp vì chị nghĩ phải ăn, phải khoẻ mới chiến thắng được bệnh tật.
Có những hôm, ăn cơm trắng mỗi miếng cơm nuốt xong chị lại ăn kèm miếng sữa chua để cơm không bị nôn ra. Chị nghĩ đủ cách làm thế nào để ăn được thật nhiều, không bị nôn ra.
Hết liệu trình hoá chất, chị Ninh yếu quá. Chị không kiêng bất cứ cái gì cứ có chất dinh dưỡng là chị ăn.
Tư tưởng của chị là ngày mai chưa biết thế nào nhưng hôm nay phải sống, phải khoẻ, có lẽ nhờ thế, sức khoẻ của chị dần hồi phục.
Sau 4 lần tái khám, chị Ninh cho biết sức khoẻ vẫn rất tốt. Niềm vui và nghị lực để chiến thắng căn bệnh dường như đã được chị thấm nhuần.
Chị Ninh chia sẻ chị không có kinh nghiệm gì mà chỉ tuân trị theo bác sĩ và yếu tố tâm lý. Bây giờ nghĩ lại chị vẫn thấy thực sự tâm lý đã giúp chị chiến thắng 50 % bệnh tật. Nhờ tâm lý chị đã quên đi cái chết theo đuổi mà cố gắng nghĩ về sự sống về tương lai.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương –cán bộ khoa Nhi của Bệnh viện K Trung ương cho biết khi đến bệnh viện K2, chị Ninh mang theo suy nghĩ “bệnh viện trả về” còn rất ít cơ hội. Nhưng là thầy thuốc, bác sĩ Hương không cho bất cứ một bệnh nhân nào đầu hàng.
Lúc đó, khối u đã lớn khiến bệnh nhân không đứng thẳng được, không ngồi được, đi ngoài khó khăn vì khối u vùng cùng cụt sắp che lấp được đại tiện, tiểu tiện.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị viêm gan vi rút B hoạt động, có thời điểm vi rút hoạt động cao gấp chục ngàn lần so với ngưỡng cho phép. Nhờ nỗ lực quyết liệt của bác sĩ và bệnh nhân, sau 6 đợt hoá chất u tan dần và bệnh nhân khoẻ mạnh ra viện.