Nghiên cứu của Trường Đại học College London, Anh cho thấy những người đàn ông có thu nhập thấp nhất, tức là ít hơn 6.000 bảng Anh/năm, có nồng độ testosterone ít hơn 10% so với những người kiếm được 30.000 bảng Anh/năm hoặc nhiều hơn.
Testosterone thấp liên quan đến trầm cảm, loãng xương, tăng cân và teo cơ.
Nghiên cứu này được thực hiện ở 1.880 người ở cả 2 giới.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn tiết lộ những người phụ nữ được sinh ra trong gia đình có bố mẹ là lao động phổ thông có nồng độ testosterone cao hơn 15% so với phụ nữ mà cha mẹ làm công việc chuyên môn.
Điều này khiến họ có nguy cơ dậy thì sớm, vô sinh và bị buồng trứng đa nang.
Bên cạnh đó, những người có trình độ học vấn thấp cũng có nồng độ cortisol thấp. Điều này đồng nghĩa với việc họ luôn phải đối mặt với đau đớn, trầm cảm, mất ngủ và tim đập nhanh và suy giảm nồng độ protein IGF (yếu tố sinh trưởng giống như insulin).
Phụ nữ không có bằng cấp có nồng độ IGF thấp hơn 16% so với những người có trình độ chuyên môn.
Tương tự, đàn ông với trình độ học vấn thấp có IGF ít hơn 8% so với đàn ông có học vấn.
"Những sự khác biệt về mặt xã hội-kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong sự mất cân bằng sức khỏe, đặc biệt là khi họ về già.
Các hóc môn trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố trong cuộc sống hàng ngày như căng thẳng, bệnh béo phì, lối sống không lành mạnh như ít vận động, hút thuốc, lối sống và ăn uống không đầy đủ….”, Giáo sư Diana Kuh, thuộc Trường Trường Đại học College London cho biết.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy nghèo đói có mối quan hệ với nguy cơ mắc bệnh hô hấp, tim mạch, thấp khớp, tâm thần cũng như trọng lượng và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Theo Dailymail