Một bệnh nhân bị hội chứng “ăn” tế bào máu gây xôn xao

Lành Nguyễn |

Từ những cơn sốt bình thường, nếu không để ý, người bệnh có thể mắc hội chứng “ăn” tế bào máu hay còn gọi là hội chứng thực bào máu gây nguy cơ tử vong rất cao.

Ngày 13/10 Bệnh viện đa khoa khu vực Gò Công (Tiền Giang) cho biết vừa tiếp nhận một ca bệnh hiếp gặp và chuyển lên TP.HCM điều trị.

Đó là bé Phạm Văn D. (8 tháng tuổi, nhà ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) được gia đình đưa vào bệnh viện khu vực Gò Công (Tiền Giang) vì cháu bị sốt.

Sau khi thăm khám các bác sĩ kết luận D. mắc phải Hội chứng “ăn” tế bào máu và phải chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM để tiếp tục điều trị.

Sau khi xảy ra vụ việc, người nhà hoang mang lo lắng cho sức khỏe của con khi gặp bệnh hiếm này. May mắn cho bé D, đến nay, bé đã được chữa khỏi bệnh và về nhà.

Bác sĩ Nguyễn Thành Úc, Phó Khoa Nhi, cho hay: “Thông thường, với bệnh sốt xuất huyết thì đến ngày thứ 7 hoặc chậm nhất là ngày thứ 10, biểu hiện sốt đã chấm dứt.

Nhưng với cháu D., sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn sốt cao, gan sưng chắc, lách to, thử máu thấy các tế bào máu bị giảm thấp, men gan và dự trữ sắt trong máu tăng bất thường, bệnh nhân bị thiếu máu.

Với những kết quả xét nghiệm này cho thấy, bệnh nhân có các dấu hiệu của Hội chứng thực bào máu sau khi nhiễm siêu vi trùng sốt xuất huyết Dengue”.


Bệnh nhân D. tại bệnh viện đa khoa Tiền Giang

Bệnh nhân D. tại bệnh viện đa khoa Tiền Giang

Tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang bùng phát dịch sốt xuất huyết, do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên nhập viện điều trị sớm để phát hiện kịp thời căn bệnh hiếm gặp này.

Trao đổi với PV, bác sĩ chuyên khoa 2, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM, Phù Chí Dũng khẳng định: “Đây là căn bệnh hiếm gặp, phức tạp và nguy cơ tử vong cao nên khi có những biểu hiện liên quan bệnh nhân cần nhập viện sớm để có phác đồ điều trị kịp thời.

Thông thường, những bệnh nhân sốt cao kéo dài như số từ 38oC trở lên và thời gian kéo dài một tuần trở lên kèm theo những biểu hiện như nhiễm trùng, có thể kèm theo thiếu máu, sốt xuất huyết da niêm (hầm da), sốt xuất huyết niêm mạc, các biểu hiện về gan, lách to… thì cần nhập viện theo dõi ngay”.

Cần theo dõi và nhập viện sớm

Tuy nhiên để khẳng định bệnh nhân sốt cao có mắc hội chứng “ăn” tế bào máu hay không thì đòi hỏi các bác sĩ phải tiến hành làm nhiều xét nghiệm khác nhau như xét nghiệm huyết đồ, có tình trạng giảm 2 -3 tế bào gốc, có tình trạng triglyceric máu, tăng ferrin máu, giảm fibrinogen, làm chọc hút tủy xương có hiện tượng thực bào các tế bào máu.

Phải có các tiêu chuẩn này thì mới kết luận bệnh nhân có mặc bệnh hiếm gặp hay không.

Bệnh xuất hiện ở hai dạng, nguyên phát và thứ phát. Nguyên phát là do tính chất gia đình, bác sĩ cần tìm đột biến gen để chẩn đoán điều trị.

Thứ phát gồm ba yếu tố thứ nhất, bệnh nhân nhiễm trùng như nhiễm siêu vi, nấm. Thứ hai là do tự miễn. Và thứ ba là do mắc phải sau khi bệnh nhân bị ung thư…


Bác sĩ Dũng nói về quá trình phát hiện hội chứng “ăn” tế bào máu đối với bệnh nhân D., ảnh Lành Nguyễn

Bác sĩ Dũng nói về quá trình phát hiện hội chứng “ăn” tế bào máu đối với bệnh nhân D., ảnh Lành Nguyễn

Để điều trị theo phác đồ thích hợp, bệnh nhân cần theo dõi và nhập viện sớm nhất để tiến hành xét nghiệm kịp thời, vì khi bệnh nhân mắc hội chứng này, nguy cơ tử vong rất cao, khó điều trị. Một số trường hợp cần ghép tế bào gốc điều trị.

Khuyến cáo người dân, cần phải theo dõi đặc biệt khi có người nhà bị sốt. Sau 2 -3 ngày không giảm bớt sốt nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để điều trị, chẩn đoán bệnh.

Hiện tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang là cao trào của dịch sốt xuất huyêt, nên người dân cần phải theo dõi tích cực hơn và nhập viện sớm nhất để được theo dõi điều trị kịp thời.

Đặc biệt, người dân không được tự ý mua thuốc bên ngoài để tự điều trị. Tại Việt Nam căn bệnh này rất hiếm nên khi nói những vấn đề quan, có thể nhiều người dân sẽ không hình dung được đặc điểm của bệnh.

Đáng nói, căn bệnh này còn mới mẻ với người dân Việt Nam nên việc nhắc tới khái niệm chữa bệnh cho họ cũng hiếm người hiểu được.

Thậm chí đội ngũ y bác sĩ cũng nhiều người chưa biết đến hội chứng này. Mỗi một trường hợp nhiễm trùng khác nhau. Do đó để chẩn đoán chính xác căn bệnh này cũng rất khó khăn và phức tạp.

Bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết thêm: “Tại Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM, mỗi tháng có từ 1 -2 ca mắc hội chứng này.

Hiện nay tại bệnh viện chúng tôi, có một bệnh nhân đang nghi ngờ mắc hội chứng bệnh này. Tất cả những bệnh nhân mắc hội chứng nay đều chuyển từ tỉnh thành khác tới TP.HCM chữa trị."

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại