Từ sàn nhảy đến khách sạn
Chị Lê Thảo Phương ở quận Tân Bình (TP HCM) là một góa phụ. Chồng chị mất đã được 5 năm, từ khi chị mới bước vào độ tuổi 45.
May mắn cho chị, chồng chị trước khi qua đời cũng để lại một cơ ngơi vững vàng, con cái cũng lần lượt trưởng thành nên cuộc sống của chị cũng nhẹ nhàng, không phải lo gánh nặng kinh tế.
Nỗi đau mất chồng qua đã lâu, lại thêm con cái đã phương trưởng, chị Phương nghĩ đến chuyện chăm sóc bản thân, hưởng thụ cuộc sống. Nhu cầu của chị được con cái ủng hộ nên chị Phương rất tự tin khẳng định sự thức thời của mình.
Chị Phương đăng ký các lớp thể dục thẩm mỹ, yoga, bơi lội để rèn luyện sức khỏe và chăm sóc vóc dáng. Ngoài ra, hàng tuần chị còn tham gia khóa học khiêu vũ để vừa có thêm niềm vui, vừa có thêm các mối quan hệ xã hội.
Bi kịch của chị cũng bắt đầu từ lớp học khiêu vũ này. Ở đây, chị gặp 1 anh chàng "gà trống" nuôi con, tức là cũng góa vợ nhưng có bề ngoài rất phong lưu, thu hút phụ nữ.
2 người kết thành 1 cặp ở lớp khiêu vũ rồi còn gắn bó với nhau trong 1 hội thỉnh thoảng giao lưu với nhau tại các bar khiêu vũ cổ điển.
Sự lịch lãm của anh chàng góa vợ khiến chị Phương như ăn phải bả (Ảnh minh họa)
Không chỉ đồng cảm cảnh mất vợ mất chồng, chị Phương còn say mê anh chàng gà trống bởi vẻ ngoài lãng tử, ga lăng, biết chiều lòng phụ nữ. Chuyện từ sàn nhảy đến khách sạn là chuyện tất yếu xảy ra khi mà chị nghĩ cả 2 không có gì ràng buộc, giờ chỉ sống cho bản thân.
Mối quan hệ giữa chị và anh ta kéo dài được gần nửa năm. Sau đó, không nói 1 lời chia tay, anh ta lặn mất không 1 lời từ biệt.
Quá đau khổ, chị Phương vật vã tìm kiếm, thăm hỏi mới được biết ngoài chị, anh ta còn có nhiều mối quan hệ khác. Anh ta chủ động bỏ chị vì đã no xôi chán chè.
Rước bệnh xã hội
Tưởng rằng bị bỏ rơi đã là tận cùng của nỗi đau ở tuổi xế chiều, vậy mà hơn 1 năm sau ngày bị bỏ rơi, chị Phương đi làm xét nghiệm máu thì bị bác sĩ thông báo chị bị nhiễm bệnh giang mai.
Đau đớn hơn, vì không được phát hiện kịp thời, bệnh đã ăn sâu vào tận xương. Bác sĩ cho biết, giai đoạn này, việc điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn, có thể bệnh nhân sẽ phải chung sống cả đời với căn bệnh nguy hiểm này.
Bác sĩ Phạm Long Thành, người trực tiếp điều trị cho chị Phương giải thích, do giang mai ở nữ giới thường khó phát hiện hơn nên có thể đến khi phát hiện ra thì thường bệnh đã nặng, bỏ qua giai đoạn vàng có thể chữa khỏi dứt điểm.
Hình ảnh xoắn khuẩn giang mai
Bác sĩ Thành cũng cho biết, giang mai có 4 giai đoạn
Giai đoạn thứ nhất là thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 3 - 4 tuần đến 3 tháng. Giai đoạn này rất nguy hiểm vì bệnh dễ lây lan sang người khác nhất. Những triệu chứng của bệnh ở giai đoạn này là những vết trợt, loét hình bầu dục, đỏ, không nứa và không đau.
Giai đoạn thứ 2 xuất hiện sau 6 - 8 tuần sau khi có loét. Đây là giai đoạn nhiễm trùng máu với các triệu chứng nổi ban màu hồng đối xứng, có thể xuất hiện mảng sần, vết loét ở cơ quan sinh dục, hậu môn, phỏng nước...
Nếu phát hiện bệnh ở 2 giai đoạn này việc điều trị rất thuận lợi, có thể điều trị dứt điểm được căn bệnh.
Đến giai đoạn thứ 3 khi giang mai đã bước vào giai đoạn tiềm ẩn là sau 2 - 6 tháng có những triệu chứng của giai đoạn 2 tuy người bệnh không có triệu chứng gì nhưng bệnh vẫn dễ lây lan.
Đến giai đoạn 4, giang mai biến thành củ, gôm giang mai, những tổn thương đã ăn sâu vào cơ, xương, hệ thần kinh... việc điều trị rất khó khăn, người bệnh có khi phải chung sống cả đời, thậm chí tử vong vì căn bệnh này.
Giang mai là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, vì vậy, bác sĩ Thành lưu ý, nên chủ động phòng tránh bằng cách thận trọng trong khi quan hệ tình dục, đảm bảo tình dục an toàn và cần nắm vững kiến thức về bệnh nhằm có phát hiện kịp thời nếu không may bị nhiễm bệnh.