Lạ kỳ những giếng nước chữa bệnh ở ngay trên đất Việt

Phong (Tổng hợp) |

Dù chưa ai lý giải được vì sao những nguồn nước này làm nên điều kỳ diệu, nhưng hàng ngày, nhiều người dân vẫn tới đây để xin nước về chữa bệnh.

“Giếng sữa" giúp sản phụ "gọi" sữa về

Nằm khép mình dưới tán cây cổ thụ bên cạnh con đường món dẫn đến đồi Nghẽn và núi Cấm thôn Cam Lâm (thuộc làng cổ Đường Lâm, Hà Nội), trông bề ngoài, giếng sữa không khác gì những cái giếng cổ khác được xây từ đá ong. Giếng rất nhỏ,  chỉ rộng chừng 80cm, sâu khoảng hơn 1m nhưng nước trong vắt và luôn đầy ắp suốt  bốn mùa. Nằm ngay cạnh là một ngôi miếu nhỏ chừng vài mét vuông cũng được làm từ đá ong phủ rêu xanh ngắt. Tương truyền miếu được lập ra để thờ “mẹ sữa”. Những người đến “xin sữa” thường thành tâm khấn vái ở miếu rồi ra uống nước lấy lên từ giếng sữa. Chỉ cần như vậy thôi là nguồn sữa lại về ăm ắp.

"Giếng sữa" nằm bên miếu "mẹ sữa" (Ảnh: Lao động)

Sự tích về giếng sữa cũng nhuốm đầy màu sắc huyền thoại. Chuyện kể rằng, năm đó loạn lạc, dân chúng đói khổ, lầm than. Có bà lão ăn mày bỗng dưng nhặt được đứa trẻ sơ sinh bị bỏ ngang đường. Thương tình bà đem theo nuôi nấng nhưng không có sữa cho đứa nhỏ. Đi ngang qua địa phận đất Chuông Sa, nay là làng cổ Đường Lâm, bà cắm cây gậy xuống đất thì bỗng thấy dòng nước mát trào ra. Vui mừng, bà lấy nước đó cho đứa trẻ uống thì nó không còn kêu khóc và ngủ ngon lành. Kể từ đó, bà ở lại mảnh đất này sinh sống và nuôi đứa nhỏ. Nơi có dòng nước phun lên được khơi ra thành giếng nước. Nước ở giếng đó đặc biệt không bao giờ cạn, lúc nào cũng đầy ắp và trong xanh. Đến khi bà lão ăn mày mất đi, dân làng lập miếu thờ ngay bên cạnh giếng. Vì thế mới có giếng sữa và miếu thờ mẹ sữa đến tận bây giờ.

2 bài thuốc chữa bệnh tiểu đường thể nặng chỉ từ cây cỏ vườn nhà 2 bài thuốc chữa bệnh tiểu đường thể nặng chỉ từ cây cỏ vườn nhà

Về điều trị bệnh tiểu đường, nhiều thầy thuốc cũng sử dụng cây chuối hột. Trong đó phổ biến nhất là bài thuốc: Đào lấy củ cây chuối hột, rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống.

Trải qua hàng nghìn năm, không biết đã có bao nhiêu bà mẹ mất sữa đến xin lại nguồn sữa để nuôi con? Chỉ biết rằng, ngay trong thời hiện đại, khi con người được trang bị thành quả của khoa học đến tận chân răng, thì giếng sữa vẫn tấp nập những người đến xin sữa. Họ là người dân sinh sống tại địa phương, ở vùng lân cận và có cả người tận Thanh Hóa, Nghệ An… cũng về xin sữa. Người dân ở đây cho biết, muốn xin được sữa, chỉ cần làm lễ khấn vái ở miếu rồi uống nước múc lên từ giếng là có thể giúp cho người mẹ bầu sữa căng đầy. Công dụng chính của giếng nước là mang lại sữa cho những người bị tắc sữa hay mất sữa. Không ít người dân Đường Lâm tin đó là sự thật và dòng người đổ về xin sữa đã chứng minh niềm tin ấy không phải không có cơ sở.

Chị Thành, quê ở tỉnh Thái Nguyên sau khi nghe lời mách của người thân đã quyết định tới đây để thử vận may và quả thật sau lần xin sữa tại “giếng sữa”, đứa con của chị đã được hưởng những dòng sữa mẹ ngọt ngào. “Làm lễ khấn vái ở miếu rồi uống nước dưới giếng có thể giúp người phụ nữ căng đầy bầu sữa để nuôi con, tránh được việc khan, thiếu hoặc mất sữa sau khi sinh” – chị Thành tâm sự.

Theo những người dân địa phương thì hàng ngày, có không ít bà mẹ đến “xin” sữa cho con. Họ là những người trong vùng và lân cận, thậm chí còn có người ở các tỉnh xa nhưng nhiều nhất vẫn là ở Hà Nội. Chị Loan, ở Láng Hạ, Hà Nội, sau khi sinh con không có sữa đã đến đây “xin” sữa cho biết: “Tôi sinh con được 7 tháng nhưng tắc sữa 3 tháng nay, không có tí sữa nào. Khi cháu bú, ngực không có sữa thì cháu đẩy ra và khóc. Lúc đó nhìn con khóc, mẹ cũng chỉ biết khóc. Nhờ mọi người mách bảo, tôi đã đến xin nước giếng mẹ ở Đường Lâm. Và kỳ lạ đến ngày hôm sau tôi thấy bầu sữa ở ngực đã căng, cho con bú thì cháu bú được”.

Có lẽ những câu chuyện như của chị Thành, chị Loan,… không phải hiếm gặp nếu như ai từng một lần ghé qua “giếng sữa” Đường Lâm. Cứ thế ngày càng nhiều hơn những câu chuyện đồn thổi của người dân về “giếng sữa” có thể chữa được bệnh mất sữa của sản phụ.

Cụ Phan Thị Sót, người lâu nay đảm tránh việc trông coi giếng sữa và miếu thờ cho biết: Không ai biết giếng sữa có từ bao giờ. Chỉ biết trong dân lưu truyền rằng giếng này có từ thời Ngô Quyền. Các bà mẹ trong giai đoạn cho con bú, nếu không may không có sữa, hay bị ít sữa, tắc sữa đều tìm về đây xin nước uống. Thủ tục xin nước cũng đơn giản. Người xin sữa chỉ việc thành kính dâng lên miếu một lễ vật nhỏ gồm hoa quả, bánh trái và tiền lẻ rồi xưng rõ họ tên, quê quán. Sau đó, người xin sữa có thể dùng gáo dừa múc nước từ giếng để uống hoặc mang về nấu chin. Cứ làm như vậy thì lời cầu nguyện sẽ được thần chứng và ban cho dòng sữa ngọt lành.

Dù nằm giữa cánh đồng nhưng giếng lúc nào cũng đầy nước và trong vắt. (Ảnh: Lao động)

Tuy nhiên, cụ Sót cũng cho biết, thủ tục xin sữa bắt buộc người xin không được mang lễ về. Thay vào đó, nếu lễ vật được trẻ con đến ăn thì lời cầu xin sẽ được linh ứng. Vì thế từ lâu người đến xin sữa đã quen dần với thủ tục trên, thậm chí có người còn thuê cả trẻ con đến ăn lễ để thêm phần linh ứng.

Người dân Đường Lâm luôn coi giếng sữa là một “báu vật” đáng tự hào. Nhưng để lý giải vì sao nước giếng lại giúp lợi sữa thì không một ai giải thích được. Cụ Sót cho biết, những năm 65 của thế kỷ trước, cũng đã từng có một đoàn các nhà khoa học về lấy mẫu để nghiên cứu hiện tượng lạ này nhưng sau đó không biết kết quả nghiên cứu ra sao. Người dân cũng rất mong nhà nước tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những luận cứ khoa học, tránh những lời đồn thổi mang tính dị đoan làm ảnh hưởng đến chứng tích văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này chưa được các nhà khoa học thực sự quan tâm.

Cũng nói về hiện tượng giếng nước kỳ lạ có khả năng “gọi” sữa về tại làng cổ Đường Lâm, Hà Nội, báo Pháp luật xã hội có dẫn lời các nhà phong thủy để lý giải về hiện tượng kỳ lạ này.

Theo đó, nhà phong thủy Nguyễn Thế Thụ cho rằng: giếng nước ở Đường Lâm dẫu kỳ lạ nhưng không phải hiếm gặp vì trong tự nhiên luôn ẩn chứa nhiều điều huyền bí, đặc biệt là những chuyện bắt nguồn từ lòng đất. “Trên thực tế chuyện những giếng nước không bao giờ cạn không phải là hiếm. Tôi từng gặp và biết rất nhiều giếng nằm trên triền đồi cao nhưng nước vẫn luôn cao tương đương thành giếng”. – ông Thụ cho biết.

Theo ông Thụ thì chuyện uống nước ở “giếng sữa” vào là có sữa, phụ thuộc vào tâm lý, ý muốn chủ quan của người dân. Có thể nước trong “giếng sữa” chứa một số thành phần có tác dụng hỗ trợ cho việc sản sinh sữa ở những người phụ nữ mới sinh, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người.

Giả thuyết nước trong “giếng sữa” là nguồn nước từ long mạch thì việc nước giếng tốt cho sức khỏe con người là điều có thể hiểu được. “Việc người dân thể hiện sự tín ngưỡng tại “giếng sữa” là điều không xấu, nhưng việc làm này cần thể hiện tín ngưỡng tâm linh có văn hóa, không nên biến điều này trở thành sự mê tín mù quáng, bởi không phải trường hợp nào đến đây xin sữa cũng được”, nhà phong thủy Nguyễn Thế Thủy cho biết.

Mó nước chữa bệnh xứ Mường

Không biết có phải tình cờ, nhưng những nguồn nước chữa được bệnh trên lãnh thổ Việt Nam đều có một điểm chung là nhuốm đầy màu sắc huyền thoại.

Ngay cả mó Úi, một mó nước được người dân cho rằng có khả năng chữa bệnh, cũng vậy.

Những vị cao niên ở làng thường kể lại, xưa kia tại bản Thia, có cặp vợ chồng lấy nhau nhiều năm rồi mà không có con dù đã chạy chữa, cúng bái nhiều nơi. Một đêm nọ, người vợ mơ thấy được một người lạ dắt tay đến mó nước trên núi rồi múc nước cho uống. Uống xong người đó còn dặn nếu về mà có con thì đứa bé sẽ nhớ rừng mà khóc, hay giật mình. Nếu có hiện tượng trên thì dắt đến mó nước này mà lấy nước cho nó tắm thì nó sẽ khỏi. Khi tỉnh dậy, người vợ bảo chồng lên núi tìm mó nước. Quả nhiên họ thấy một mó nước nhỏ, trong vắt nằm giữa ngọn núi bèn lấy nước uống. Về nhà, người vợ mang thai rồi sinh con. Nhưng đứa trẻ sinh ra hay giật mình, vã mồ hôi toàn thân. Nhớ lại giấc mơ, người vợ liền bảo chồng lên mó nước lấy nước về tắm cho con liền khiến đứa trẻ khỏi bệnh. Biết chuyện, nhiều người cũng lên đây lấy nước để uống chữa bệnh. Lâu dần hễ cứ có bệnh là họ lại tìm đến mó nước này.

 

Bà lang Nguyễn Thị Di bên mó Úi. (Ảnh: Lao động)

Bà lang Nguyễn Thị Di bên mó Úi. (Ảnh: Lao động)

Không chỉ nằm trong huyền thoại, mó Úi hiện nay vẫn tồn tại trên đỉnh núi thuộc xóm Thia, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Đây chỉ là một mó nước rộng chưa đến 1m2, chiều sâu khoảng 20 – 30cm, xung quanh rễ cây mọc quây kín. Nhưng từ hàng trăm năm nay người dân nơi đây vẫn coi mó nước ấy như liều “thuốc tiên”. Hễ nhà có người ốm, đặc biệt là trẻ con bị sốt, ra mồ hôi trộm, đêm ngủ hay giật mình… họ lại ra mó Úi vái lạy rồi xin nước về chữa trị.

Bài thuốc dân gian từ mướp đắng chữa viêm họng chỉ trong 15 phút Bài thuốc dân gian từ mướp đắng chữa viêm họng chỉ trong 15 phút

Mướp đắng được ví như một loại thuốc dân gian rất tốt, lành tính, chữa được nhiều bệnh, dễ sử dụng. Rất ít người biết mướp đắng còn là vị thuốc chữa ho, viêm họng rất hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Di, thầy lang có tiếng ở xứ Mường về những kinh nghiệm xin nước từ mó về chữa bệnh. “Đầu tiên là phải tin thì mới đi xin nước, chứ đừng đến xin theo sự nghi ngờ. Trước khi xin nước về chữa bệnh cho trẻ cần phải để lại vài đồng tiền lẻ, nó như là cái lễ xin “thần rừng”. Tiếp đến là dùng ống nước bằng tre, hoặc nứa để múc nước. Khi mang nước về nhà, nếu là trời nắng thì phải phơi nước cho ấm, sau đó dùng để tắm, hoặc là vuốt lên người đứa trẻ. Mà công đoạn vuốt cũng phải được thực hiện theo đúng quy trình, vuốt từ trên đầu vuốt xuống đến chân... Cách làm này chúng tôi học theo hướng dẫn của ông bà truyền lại. Nước mó Úi chữa tốt nhất vẫn là chứng giật mình và ra mồ hôi trộm ở trẻ em”, bà Di cho hay.

Nhiều bậc cao niên trong làng cũng chứng nhận về khả năng chữa bệnh của nguồn nước lấy từ mó Úi. Ông Bùi Văn Mai (65 tuổi) nhà ngay đầu bản Thia cho biết: “Không chỉ có người dân bản chúng tôi dùng nước mó Úi chữa bệnh đâu, nhiều người dân ở tận Phú Thọ, Sơn Tây… cũng tìm về đây xin nước. Mà không đâu xa, mới mấy hôm trước thôi, hai vợ chồng đứa con trai cả nhà tôi cũng lên mó Úi lấy nước về tắm cho con gái nó. Đứa bé được hơn 1 tuổi rồi nhưng đêm nào ngủ cũng giật mình rồi khóc thét lên. Mới đầu, vợ chồng nó không tin chuyện nước mó Úi chữa được bệnh nên mang con đi khám khắp nơi. Nhưng cái bệnh giật mình của trẻ con thì ở đâu mà chữa được. Hết cách, bọn nó mới nghe lời vợ tôi lên núi xin nước mó Úi. Đúng một tuần sau, con bé ngủ ngon không giật mình và khóc ban đêm nữa. Tôi không biết có phải do nước mó Úi mà khỏi hay không, nhưng bao đời nay người dân bản vẫn tin và dùng nó. Thấy tốt thì mọi người cứ dùng thôi”.

 

Nước trong mó trong vắt. (Ảnh: Gia đình và Xã hội)

Đứng dưới góc độ một lương y có sự hiểu biết về y học , bà Nguyễn Thị Di đặt ra một giả thiết mang tính khoa học về sự kỳ diệu của mó Úi. Theo bà Di, rừng núi xứ Mường vốn nhiều cây thuốc quý. Dòng nước mó Úi lại chảy luồn lách qua những vùng đất có nhiều cây thuốc nên rễ cây tiết vào trong nước những chất quý chữa được bệnh. “Bởi có nhiều cây thuốc quý tiết ra hòa vào nước nên nước ở mó Úi vừa chữa được bệnh, uống vào lại rất ngọt.” – vị lương y nổi tiếng của xứ Mường giải thích thêm.

Còn bà Ngô Kim Nhung, trưởng trạm y tế xã Yên Mông, thì việc nước mó Úi hạ được sốt cho trẻ là rất có cơ sở vì “khi trẻ bị sốt, các bác sĩ vẫn thường tư vấn một số trường hợp nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, giúp bé hạ sốt nhanh hơn. Nguồn nước mó Úi ấm hơn bình thường nên cũng có tác dụng hạ sốt đối với một số dạng sốt thông thường”.

Ông Nguyễn Văn Hồng, trưởng thôn Thía xác nhận về thực về thực tế người dân địa phương và cả dân cư các vùng lân cận thường dùng nước mó Úi để chữa bệnh ho, sốt, ra mồ hôi trộm, giật mình khi ngủ ở trẻ em. Ông Hồng cho biết: “Từ lâu, người dân ở bản Thia vẫn tin tưởng vào điều kỳ diệu từ nguồn nước này. Họ thường lấy nước về để tắm, hay để làm phép giúp trẻ con được ngủ ngon giấc, không bị giật mình hay ra mồ hôi trộm. Ngày còn bé tôi cũng được tắm nước mó Úi rất nhiều lần. Quả thật trẻ bị nóng sốt, ra mồ hôi trộm, ngủ hay giật mình cứ tắm nước mó Úi là hết hẳn. Mó nước vì thế được coi như là một tín ngưỡng của người dân ở bản Thia này. Tuy nhiên, mọi người cũng ý thức được rằng, nước mó Úi chỉ dùng để chữa mẹo một số bệnh thông thường cho trẻ nhỏ. Còn khi gặp phải bệnh nan y, hay các bệnh nặng khác, mọi người vẫn thường tìm đến bệnh viện để khám và điều trị”.

Ông Hồng cũng rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu về tác dụng của nước mó Úi và có biện pháp để bảo tồn, phát triển. “Không chỉ người dân địa phương mà người dân ở nhiều nơi khác cũng tìm về mó Úi xin nước về chữa bệnh cho trẻ, chúng tôi cũng không biết tại sao nước mó Úi lại chữa được những bệnh đó, dù tin tưởng vào nước mó Úi nhưng người dân địa phương cũng không vì thế mà chủ quan, chúng tôi cũng mong các cơ quan sớm vào cuộc nghiên cứu để giúp người dân xây dựng, bảo vệ mó Úi”.

(Theo Gia đình và Xã hội, Pháp luật xã hội, Người đưa tin, Lao động)

Ngôi đền nước thiêng ở Bali, Indonesia

Ở Bali, Indonesia cũng có nguồn nước được lưu truyền có thể dùng để chữa bệnh.

Những người đến du lịch đảo Bali thường không quên đến thăm ngôi đền cổ có tên gọi Ngôi đền nước thiêng. Ngôi đền nước thiêng là một quần thể đền cổ đã có từ hàng nghìn năm, trong khuôn viên của đền có một chiếc ao nhỏ, nước trong vắt. Với người dân ở đây, nước trong chiếc ao này có năng lực đặc biệt dùng để chữa bệnh.

Sự tích kể lại rằng, người tạo ra ngôi đền và nguồn nước thiêng kỳ diệu này là thần Indra. Ngôi đền này rất có ý nghĩa với người Hin đu ở Bali. Họ cho rằng mọi nguồn nước thiêng đều xuất phát từ đây. Vì vậy người dân thường đến đây để tắm và uống nước mỗi khi cảm thấy sức khỏe trong người không được tốt. Họ tin rằng nước được lấy trong ngôi đền nước thiêng có thể chữa được bách bệnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại