Viên thuốc cứu hàng ngàn người
Bệnh dại do bị chó mèo mắc bệnh cắn từ lâu là một bệnh cực kì nguy hiểm. Căn bệnh dại này đã gây ra nhiều cái chết thương tâm cho những người bị mắc bệnh nếu không kịp thời phát hiện và chữa trị.
Thế nhưng, với cụ Phạm Thị Trinh (84 tuổi, trú tại thôn Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), việc chữa bệnh dại rất đơn giản.
Chỉ cần một viên thuốc do chính tay cụ tự bào chế là các bệnh nhân sẽ được cứu chữa hoàn toàn.
Với viên thuốc này, cụ đã cứu sống nhiều người thoát khỏi bệnh dại và nổi danh cả một vùng rừng núi Yên Tử.
Vốn sinh ra ở Quỳnh Hà, Quỳnh Phụ, Thái Bình, hồi nhỏ cụ được theo cha là một thầy nho kiêm thầy thuốc nên cụ sớm biết cách làm bài thuốc này.
Cụ Trinh nhớ lại: “Những năm tôi còn nhỏ, bệnh dại nhiều lắm. Cứ đến mùa gió nồm là mùa bệnh dại tái xuất hoành hành. Ngày đó mà bị chó dại cắn là nắm chắc cái chết, có nhiều cái chết thương tâm lắm.
Cha tôi biết bài thuốc này nên đã chữa được cho nhiều người. Tôi nhớ khi đó, người bệnh kéo đến đông lắm, có ngày đến chật kín sân nhà tôi để cha tôi khám và chữa cho.
Năm nào cũng đông người tới chữa nên làm thuốc chẳng kịp, vì vậy cha tôi giao phó cho các con làm thuốc cùng. Nhờ đó mà tôi biết cách bào chế thuốc chữa bệnh dại”.
Những năm lên chuyển vùng rừng núi Yên Tử sống, cụ Trinh đã ra tay cứu hàng trăm người. Lúc đó là những năm tháng chiến tranh, chẳng có vacxin phòng dại, vì thế bài thuốc của cụ đã cứu sống rất nhiều người.
Ngay trong xóm của cụ, nhiều người được cụ cứu chữa hiện vẫn còn sống như ông Hồ Văn Phan (67 tuổi), bà Bàn Thị Chiếu (54 tuổi).... Còn người ở xa thì nhiều vô kể, cứ đến dịp lễ tết là người ta lại về nhà cụ Trinh để cảm ơn.
Bài thuốc “độc nhất”
Bài thuốc của cụ Trinh dùng để cứu người vô cùng đơn giản. Người bệnh không cần uống nhiều mà chỉ cần uống đúng một viên thuốc là sẽ khỏi.
Để chữa trị, trước tiên, cụ dùng phương pháp thử để xem người đó có bị bệnh dại hay không.
Muốn phát hiện bệnh dại, ngày trước cha cụ thường dùng là trầu không, lá tràm (một loại lá họ cây keo) giã nhỏ trộn lẫn, sau đó xát vào sống lưng người bị chó, mèo cắn hoặc người nghi bị bệnh dại.
Xát xong, lấy rượu vẩy lên những chỗ đã được xát thuốc.
Nếu ở những vết đó nổi lên những mẩn đỏ li ti giống như bị dị ứng hoặc phát ban giống bệnh sởi thì người đó đã bị bệnh rồi. Còn người nào chỉ hơi đỏ theo kiểu chà xát mạnh thì không mắc bệnh.
Khi chuyển lên xã Nam Dương, do không có lá tràm nên cụ Trinh dùng lá trầu không và củ sả bóc vỏ sạch, giã nhỏ trộn với nhau để thử bệnh theo cách cũ.
Nói về bài thuốc, cụ Trinh không ngần ngại bày tỏ: “Thực ra, làm thuốc này không khó. Tôi nói thẳng chứ không giấu giếm gì.
Bắt con kềnh kềnh (trong sách nam dược gọi là con Văn Lưu) thường hay ăn rau muống ngắt lấy phần bụng của nó đem phơi khô, một ít gạo nếp rang vàng, một ít muội chảo (phần than đen bám vào đáy chảo khi đun nấu bằng bếp củi).
Tất cả giã nhỏ, chia liều lượng thành ba phần bằng nhau rồi trộn chung lại vo thành từng viên như hạt đậu, đem phơi khô là được.
Cụ Trinh nhấn mạnh, chỉ được lấy đúng phần bụng của con kềnh kềnh chứ không được lấy phần nào khác, khi bắt về nên cho vào nước sôi luôn, rồi ngắt lấy phần bụng.
Gạo nếp không được ẩm mốc. Còn muội chảo thì phải lấy đúng ở đáy chảo chứ không được lấy ở nồi xoong khác.
Tỷ lệ phải rất cân đối thì bài thuốc mới có hiệu quả được.
Với người bình thường mới bị nhiễm bệnh chỉ dùng 1 viên là khỏi, nhưng để an tâm dùng 2-3 viên cho mỗi lần uống.
Đặc biệt là người mắc bệnh dại tuyệt đối không được đi đám ma, còn nếu đã đến đám ma rồi thì không thể cứu được nữa.
Khi thử mà thấy dấu hiệu bệnh dại lên đến tận phần gáy thì cũng không thể cứu sống được nữa, vì khi đó mầm bệnh đã đi vào não, không cách gì chữa được.
Cụ Trinh khẳng định: “Nếu chữa không khỏi thì mất mạng người ta, chẳng dám giữ bài thuốc làm gì”.
Cụ Trinh cũng cho biết, thuốc uống này không có tác dụng phụ, có thể trộn vào thức ăn của chó mèo như một loại thuốc phòng bệnh dại.
“Ngày trước, cha tôi hay trộn vào cơm cho chó ăn để phòng bệnh. Vì thế, có khi chó hàng xóm xung quanh bị dại nhưng nhà tôi thì không”, cụ nói.
Nỗi lo thất truyền bài thuốc quý
Theo cụ Trinh, các vị thuốc khá dễ kiếm nhưng khi bào chế thì đòi hỏi sự tỉ mẩn và công phu. Bao năm nay cụ đều tự làm bài thuốc để chữa cho người bệnh.
Vì bài thuốc làm mất nhiều công và khá tỉ mẩn nên con cháu không ai muốn làm cùng cụ.
Đối với cụ, chữa bệnh là làm phúc chứ không vì công cán gì, cụ cũng không bao giờ đòi hỏi.
Thấy cụ một mình làm thuốc vất vả, con cháu cũng khuyên cụ nên bỏ, không làm bài thuốc nữa vì mất nhiều công sức mà chẳng được gì.
Nhưng cụ vẫn nhất quyết làm vì theo cụ “cứu người là phúc đẳng, cứu người mà đòi hỏi lợi lộc thì lấy đâu ra phúc lộc để lại cho con cháu”.
Chính vì thế mà đến nay, dù đã 84 tuổi, song cụ Trinh vẫn chưa truyền lại bài thuốc cho ai được.
Theo cụ, hiện tại mới chỉ có người cháu họ xin học lại bài thuốc nhưng cũng chưa đến nơi đến chốn, cụ cũng chỉ mới chỉ bảo qua chứ người cháu chưa tự tay làm bao giờ. Vì thế, bài thuốc của cụ thực sự đứng trước nguy cơ sẽ mai một.
Thiết nghĩ một bài thuốc quý như vậy rất cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm chứng, và phải được bảo tồn và nhân rộng nếu thực sự hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch UBND xã Nam Dương - khẳng định:
“Bà Phạm Thị Trinh đã sử dụng phương thuốc gia truyền cứu chữa cho rất nhiều bà con, không chỉ trong xã Nam Dương mà còn nhiều người xã lân cận từ nhiều năm nay.
Tất cả các trường hợp bị chó, mèo dại cắn đến xin thuốc đều được bà cho miễn phí và chữa khỏi”.