Hội chứng truyền máu thai nhi và ca phẫu thuật thành công kỳ lạ

Khắc Nam (Theo WP/ DM - 2/2015) |

Nhờ phẫu thuật laser triệt để ngay trong bụng mẹ, các bác sĩ Anh đã cứu sống cặp song sinh mắc phải căn bệnh hiếm gặp: Hội chứng truyền máu thai nhi (TTTS) do thiếu máu và oxy trầm trọng, và đã chào đời khỏe mạnh sau 37 tuần mang thai.

Ca phẫu thuật thành công nhờ thủ thuật quang đông laser

Sau 7 tuần mang thai, chị Rachel Ellis ở Port Talbot, xứ Wales, Anh tự nhiên xuất hiện những hiện tượng bất thường, từ đó cho đến khi được 18 tuần tuổi tình trạng trở nên bất an hơn nên gia đình đã đưa đưa vào Bệnh viện Singleton ở Swansea để cấp cứu.

Qua S-can, bác sĩ phát hiện thai nhi có dấu hiệu bất thường, thai đôi hai bé gái mắc phải căn bệnh lạ, chia nhau một bánh nhau thai nên nguồn máu không được cung cấp đều.

Nói cách khác, bên nhiều, bên ít, nên thai nhi ít máu có nguy cơ chết yểu phải can thiệp kịp thời.

Lilly và Darcy cùng cha mẹ (ngồi trong lòng bố mẹ)

Lilly và Darcy cùng cha mẹ (ngồi trong lòng bố mẹ)

Sau khi phát hiện thấy bệnh tình, chị Rachel Ellis rất buồn nhưng được tư vấn thiệp kịp thời nên đã an tâm đôi chút. Có người khuyên chị nên bỏ một thai để duy trì thai còn lại, nhưng vợ chồng chị Rachel lại muốn giữ lại cả hai.

Theo tư vấn, hội chứng truyền máu thai nhi là căn bệnh hiếm gặp, có tỉ lệ rủi ro cao. Một trong hai bào thai có khoang ối dài khoảng 12cm, trong khi đó bào thai còn lại khoang ối dịch dài không quá 0,4cm, vì vậy bào thai này rất khó cử động và có nguy cơ bị teo tóp.

Với thực tế như vậy, bác sĩ khuyến cáo hai giải pháp một là loại bỏ bào thai hoặc tiến hành phẫu thuật bằng laser.

Sau ba ngày cân nhắc, chị Rachel Ellis đã quyết định chọn phương án phẫu thuật laser, ca phẫu thuật được tiến hành tại khoa sản, Bệnh viện St Michael ở Bristol, miền Tây Nam nước Anh.

Đây là ca phẫu thuật đặc biệt, các bác sĩ đã sử dụng thủ thuật quang đông bằng laser để tách hai bé gái song sinh ngay trong bụng mẹ, với cơ hội sống sót nếu sinh đủ tháng có thể đạt trên 45%.

Kỹ thuật này sử dụng ánh sáng laser để làm đông các mạch máu trên bề mặt bánh nhau, giúp máu hai thai nhi không còn thông nhau nữa. Phẫu thuật kéo dài khoảng 60 phút, tiếp đến là dùng siêu âm Doppler để theo dõi.

Trong phẫu thuật, bác sĩ chèn một máy ảnh và laser sợi quang qua một ống nội soi nhỏ vào dạ con. Sau đó dùng tia laser sẽ “đóng kín” một số mạch máu giúp hai bào thai đều nhận được nguồn máu tương tự.

Kết quả, sau vài giờ phẫu thuật, thay vì mối lo ối vỡ gây thất bại, thì túi nước ối được giữ kín, ca mổ thành công, sau 37 tuần mang thai cặp song sinh chào đời hoàn toàn khỏe mạnh.

Hai bé gái ra đời ngày 24/9/2013 tại Bệnh viện Bridgend xứ Wales, được đặt tên là Lilly và Darcy, Lily nặng 2,25kg, còn Darcy, nặng 2,3kg, tất cả đều phát triển bình thường.

Hội chứng truyền máu thai nhi là gì?

Hội chứng truyền máu thai nhi hay hội chứng truyền máu song thai, viết tắt TTTS (Twin-to-twin transfusion syndrome; Feto-Fetal Transfusion Syndrome (FFTS) hay Twin Oligohydramnios-Polyhydramnios Sequence (TOPS) là biến chứng thể nặng của song thai, tỉ lệ mắc bệnh 1-3 ca/10.000 ca mang thai, đặc thù chung là cả hai thai cùng chia chung một bánh nhau.

Nếu máu phân chia không đồng làm cho một phát triển phì đại do quá nhiều máu còn thai nhi kia lại teo do thiếu máu và dưỡng khí.

Chị Rachel Ellis và hai con Lilly - Darcy

Chị Rachel Ellis và hai con Lilly - Darcy

Hội chứng TTTS được mô tả lần đầu bởi một bác sĩ sản khoa người Đức, Friedrich Schatz, vào năm 1875.

Ban đầu nó được xác định nhờ các thông số sơ sinh như cân nặng và hemoglobin tủy khi đứa trẻ mới ra đời nhưng hiện nay hội chứng TTTS đã được định nghĩa một cách chính xác hơn.

Nó có thể chẩn đoán bằng siêu âm từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 22. Nếu nặng, thai nhi phì đại có nhiều nước ối quấn quanh hay còn gọi là đa ối, trong khi đó thai nhi còn lại thì nhỏ hơn, bị thiểu ối.

Mức độ nặng nhẹ của hội chứng TTTS tuỳ thuộc vào sự ảnh hưởng của nước ối dẫn đến thai nhi.

Thông thường, sau 19 tuần mang thai trở ra dấu hiệu đa ối làm cho thai phụ cảm thấy mệt mỏi, khó thở, bề cao tử cung tăng nhanh, lớn hơn tuổi thai.

Theo Viện Chẩn đoán và Điều trị bào thai Florida, Mỹ thì hội chứng TTTS được phân loại dựa trên kết quả siêu âm qua 5 giai đoạn:

Giai đoạn đầu bàng quang thai còn chưa nhìn thấy, chỉ số siêu âm bình thường, hiện tượng cạn ối tự nhiên được đánh giá bằng chỉ số MVP <2cm ở một thai nhi, thai còn lại MVP >8cm.

Giai đoạn 2, không nhìn thấy bàng quang nhưng siêu âm không có dấu hiệu bất thường nghiêm trọng.

Giai đoạn 3 siêu âm có dấu hiệu bất thường nghiêm trọng ở một trong hai thai; Giai đoạn 4 tràn dịch hoặc có hiện tượng phù thai và giai đoạn 5 một hoặc cả hai thai chết lưu.

Nếu hội chứng TTTS xảy ra trước 24 tuần và không được điều trị thích hợp thì có tới 90% số trường hợp mắc bệnh sẽ dẫn đến tử vong một hoặc cả hai thai, thai nhi còn lại có tỉ lệ sống sót dưới 40%, nếu nhẹ có thể sinh non do tử cung căng quá mức.

Hội chứng TTTS là căn bệnh hiếm gặp nên vẫn chưa có phác đồ điều trị tiêu chuẩn, phần lớn được theo dõi sát trong suốt giai đoạn thai kỳ.

Có một số giải pháp hiện đang được áp dụng nhưng đều dựa vào sức khỏe thai nhi và thai phụ như chọc hút dịch ối nhiều lần và thủ thuật quang đông bằng laser có chọn lọc các mạch máu liên thông giữa hai thai nhi.

Trong đó, phương pháp quang đông laser (laser photocoagulation) như trường hợp của chị Rachel Ellis người Anh nói trên là kỹ thuật tiên tiến, đắt tiền, nên không phổ biến ở các nước đang phát triển.

Ở thể nặng, giải pháp chấm dứt thai kỳ sẽ được chỉ định khi các thai nhi không còn cơ may sống sót sau khi đã được điều trị tích cực, còn chọc hút dịch ối nhiều lần cũng chỉ mang giải pháp tình thế.

Kỹ thuật quang đông bằng laser tuy thành công nhưng nó cũng có những biến chứng nhất định như do gây mê, do chấn thương, chưa kể mối lo từ laser, tuy nhiên, những biến chứng này ít khi xảy ra và có thể kiểm soát được.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại