Kinh hãi những hình ảnh biến dạng của người ăn tiết canh

Tiểu Nhã |

BS Nguyễn Trung Cấp cung cấp cho PV những hình ảnh mới nhất của bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nặng do ăn tiết canh và cảnh báo về nguy cơ mắc liên cầu lợn khi dịp Tết đang gần kề.

Mới đây, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo về bệnh liên cầu lợn. Bệnh liên cầu lợn là dịch bệnh xảy ra rải rác quanh năm và nhiều nhất là ở dịp Tết vì thói quen giết lợn ăn tết ở nhiều địa phương.

Bệnh nhân nặng, điều trị tốn kém

Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Đỗ Văn T. 32 tuổi trú tại ngoại thành Hà Nội. Anh T. và bạn bè đã ăn sáng có tiết canh.

Tuy nhiên, cả nhóm của anh T ăn nhưng chỉ có anh bị mắc liên cầu lợn. Triệu chứng ban đầu là sốt cao, đau đầu và sốc nhiễm trùng nặng.

Thạc sĩ, bác sĩ  Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết khi nhập viện bệnh nhân đã rơi vào hôn mê.


Bệnh nhân Nguyễn Văn T. bị biến dạng toàn thân vì liên cầu lợn (Ảnh BS cung cấp)

Bệnh nhân Nguyễn Văn T. bị biến dạng toàn thân vì liên cầu lợn (Ảnh BS cung cấp)

Qua các xét nghiệm bệnh nhân này được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận và chảy máu dạ dày, toàn bộ da bị hoại tử ban đen.

Bệnh nhân đã phải lọc máu ngoài cơ thể với chi phí vô cùng tốn kém. Chi phí điều trị lên đến cả trăm triệu đồng.

Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Văn D. 53 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội cũng nhập viện do ăn nem chạo ở quê. Ông D về quê ăn giỗ, cả nhà giết lợn vì là lợn sạch nên làm nem chạo, đánh tiết canh. Hôm đó, ông D chưa kịp ăn tiết canh, đến bữa ông ăn vài miếng nem chạo.

Tuy nhiên, khi về đến Hà Nội ông bị sốt cao, toàn thân tím tái. Gia đình vội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới trung ương với chấn đoán nhiễm liên cầu lợn.

Sau 1 tháng điều trị tốn gần 300 triệu đồng, ông D. thoát khỏi cửa tử nhưng bị biến chứng nặng nề về thính lực. Đây là biến chứng thường gặp nhất về bệnh này.

Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có triệu chứng sốt cao trên 390C, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết các ban hoạt tử trên da (mảng xám đen  hoặc lốm đốm).

Trường hợp nặng, người bệnh bị viêm màng não, sốc nhiễm độc, trụy mạch, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, nhiễm độc tiêu hóa, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong.

70% do tiết canh

Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 82 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 10 người tử vong. Riêng Hà Nội cũng ghi nhận 17 ca mắc, 2 tử vong.

Căn bệnh này diễn biến nặng, chi phí điều trị tốn hàng trăm triệu mỗi ca nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi.

Cũng theo thống kê này, khoảng 70% trong số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.

Tiến sĩ Bắc khuyến cáo, bệnh liên cầu lợn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường vào những tháng gần cuối năm bệnh có xu hướng gia tăng.

Bởi những tháng cuối năm, nhiều gia đình mổ lợn để ăn Tết và nhiều nơi có tập tục ăn bát tiết canh cuối năm cho đỏ. Vì thế, số ca mắc liên cầu lợn thường tăng lên ở thời điểm này.

Thạc sĩ Cấp cho biết hiện nay người ta cứ nghĩ ăn tiết canh lợn nhà nuôi là an toàn tuy nhiên không có lợn nào là lợn sạch. Nhiều bệnh nhân khi cấp cứu là ăn tiết canh do lợn nhà nuôi.

Bác sĩ Cấp cho biết vi khuẩn liên cầu thường cu trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh (lợn lành mang trùng) và gây bệnh ở những con lợn yếu.

Với lợn nhiễm liên cầu (cả lợn lành mang trùng và lợn bệnh) trong máu (tiết) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn (có khả năng sống được 10 phút ở nhiệt độ 60oC).

Khi thực phẩm đó không được nấu chín kỹ (tiết canh, nem chua, nem chạo…), những người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Ngoài ra, trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay (ở nhiệt độ 25oC, khuẩn này sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân).

Thậm chí, nhiều bệnh nhân ăn tiết canh dê, tiết canh vịt vẫn bị liên cầu lợn. Tiết canh dê nhiều nơi họ trộn với tiết canh lợn để phục vụ thượng khách.

Nếu không bị trộn tiết thì họ đánh tiết canh bằng họng lợn nơi chứa rất nhiều vi khuẩn liên cầu lợn. Để phòng bệnh, bác sĩ Cấp nhấn mạnh nói không với tiết canh, nói không với thịt lợn chưa được nấu chín.

Bệnh liên cầu lợn diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao nhưng may mắn là bệnh không lây từ người sang người – bác sĩ Cấp cho biết.

Hình ảnh của bệnh nhân bị liên cầu lợn (Ảnh do bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cung cấp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại