Điều kinh khủng gì xảy ra khi bạn ăn đường?

Ngọc Mai |

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ phát hiện những thực phẩm chứa đường cũng gây nghiện, và đây không đơn thuần chỉ là sự ưa thích đồ ngọt của cơ thể.

Một nghiên cứu mới trên chuột cho thấy chúng “thèm khát” đường hơn hẳn các chất tạo ngọt, tức là nếu so với đường thực sự, các chất tạo ngọt nhân tạo không hề làm thoả mãn cơn thèm ngọt.

Lý giải điều này, đó là do cơ thể đang có nhu cầu bổ sung năng lượng, chứ không phải là vị ngọt.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Neuroscience, do Đại học Yale, Mỹ tiến hành cho thấy, não bộ phản ứng khác nhau đối với nhu cầu mùi vị và năng lượng. Và nếu được lựa chọn, não sẽ ưu tiên được cung cấp năng lượng hơn là vị ngọt.

"Kết quả nghiên cứu cho thấy não bộ có hai hệ thần kinh độc lập để xử lý các dấu hiệu liên quan tới vị ngọt và năng lượng.

Nếu não phải chọn lựa giữa việc được thoả mãn về mùi vị nhưng không có năng lượng, và mùi vị không dễ chịu nhưng lại được cung cấp năng lượng, thì não sẽ lựa chọn phương án sau”, Giáo sư Ivan de Araujo cho biết.

Đường kích thích vùng tưởng thưởng vốn có liên hệ với cả nhu cầu về vị ngọt lẫn năng lượng. Hai vùng vân não độc lập là vùng bụng não (ventral area) xử lý vị ngọt và lưng não (dorsal area) xử lý phần dinh dưỡng.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột để xem dấu hiệu nào (mùi vị hay năng lượng) đóng vai trò chỉ đạo đối với hành vi ăn.

Theo đó, các con chuột trong thử nghiệm đã lao tới bên thức ăn có vị khủng khiếp nhưng chứa nhiều năng lượng, thay vì chọn thức ăn có vị ngọt nhưng năng lượng thấp.

Giáo sư de Iraujo cho hay “việc não phản ứng với đường có quan hệ mật thiết với sự ưu tiên được cung cấp năng lượng hơn là do mùi vị”.

Chuyên gia dinh dưỡng học Kristen Beck đã phát biểu trong bài phỏng vấn trên News của Australia về vai trò của nghiên cứu này trong việc hé lộ vì sao não bộ chúng ta lại “hảo ngọt”.

“Kết quả nghiên cứu này rất có ý nghĩa vì đã thực sự chỉ ra, kể cả ở góc độ giải phẫu học, vai trò chính yếu của các vùng não bộ để giải thích vì sao chúng ta lại ưa đồ ngọt.

Từ lâu chúng ta đã biết có nhiều vùng và dây thần kinh trong não bộ đóng vai trò khuyến khích, tưởng thưởng cơ thể bằng các thực phẩm ngọt.

Nghiên cứu này còn chỉ rõ vùng nào của não thực hiện đánh giá khả năng cung cấp năng lượng của đồ ngọt để đưa ra lựa chọn”, bà Beck cho biết thêm.

Bà Beck cũng cho rằng nghiên cứu này còn có ý nghĩa lớn để tìm hiểu về những cơn thèm đồ ngọt tới “ám ảnh”.

“Khi não trước - vùng não liên quan tới nhận thức, trí tuệ - hiểu được rằng ăn quá nhiều đường không tốt cho cơ thể, thì cảm giác thèm thuồng dẫn dắt chúng ta đi tìm đường và thực phẩm tập trung năng lượng lại đến từ vùng não sâu xa hơn.

Mặc dù tới thời điểm này mới thí nghiệm trên động vật, nhưng nếu phản ứng trên cũng tồn tại ở loài người, thì có thể giải thích về cơ chế các thực phẩm ít béo hay các chất tạo ngọt nhân tạo đã “đánh lừa” cơ thể hấp thụ những đồ ăn chứa ít năng lượng.

Thực tế, não bộ vẫn có thể nhận ra các thực phẩm này ít năng lượng hơn mức cơ thể mong muốn.”

Bà Beck cũng nói thêm, sự ám ảnh đồ ngọt có gốc rễ từ vùng tưởng thưởng của não bộ.

“Từ thời xa xưa, tổ tiên chúng ta đã biết rằng đường và các thực phẩm ngọt là nguồn năng lượng dồi dào. Theo thời gian, não bộ phát triển “đường mòn” thần kinh có vai trò gửi các tín hiệu tới phần còn lại của cơ thể, khuyến khích chúng ta ăn nhiều đường.

Hệ thống tưởng thưởng của não củng cố thềm bằng cách sản sinh ra chất dẫn truyền thần kinh là dấu hiệu cho cảm giác dễ chịu khi chúng ta ăn thực phẩm có chứa đường.

Liên tục dung nạp các thực phẩm chứa đường làm quá tải hệ thống tưởng thưởng, khiến cơ thể có cảm giác thèm thuồng, tăng ngưỡng giới hạn đường cơ thể có thể dung nạp.

Về lâu dài, liên tục ăn nhiều đồ chứa đường sẽ dẫn tới cảm giác dễ chịu kéo dài, cảm giác hưng phấn hơn và tiếp tục muốn ăn nhiều đường hơn. Đây chính là khi bạn đã bị “nghiện” đường".

* Theo Body&Soul

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại